Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động khu kinh tế, khu công nghiệp... là xác đáng

Hôm 14-8, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã ký tờ trình về việc xây dựng nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tờ trình này cũng đã ghi nhận ý kiến của các bộ, ngành, các doanh nghiệp tại hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 8-8.

Bộ KH&ĐT nhận định vai trò hết sức quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội và trong đại dịch COVID-19

Từ năm 2020, Đảng và Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để thực hiện mục tiêu kép. Tuy vậy, theo Bộ KH&ĐT, những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh.

“Các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm”, tờ trình nhận định.

Do đó, cần có các chính sách giải pháp nhanh, mạnh, kịp thời để tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.

Các nhóm giải pháp mà Bộ KH&ĐT trình bao gồm: chính sách, giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19; nhóm các chính sách, giải pháp dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Với hai vấn đề lớn như vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ phải ban hành hai nghị quyết. Một nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và một nghị quyết thay thế Nghị quyết số 35/NQ-CP. Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bộ này kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành ngay. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 35 thì bộ trình Chính phủ trong tháng 9-2021.

Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu tháo gỡ kịp thời các khó khăn, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch bệnh.

Nghị quyết phấn đấu đến hết năm 2021 có khoảng 1 triệu lượt doanh nghiệp được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó COVID-19; 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất; 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận chính sách giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, vay trả lương…

Bộ KH&ĐT đề ra 4 nhóm giải pháp. Đáng chú ý là nhóm giải pháp về thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 theo hướng linh hoạt, hiệu quả tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, theo Bộ KH&ĐT, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị được bổ sung vào Nghị quyết số 21/2021 của Chính phủ về đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo đó, những đối tượng ưu tiên cần bổ sung là người lao động trong các doanh nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; người làm việc trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo tiến độ thực hiện các đơn hàng, chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Đây là những kiến nghị xác đáng, cần tiếp thu, điều chỉnh”, Bộ KH&ĐT nhận định.

Theo Bộ KH&ĐT, cộng đồng doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest”, tức là tự mua dụng cụ để xét nghiệm nhằm giúp doanh nghiệp chủ động, tiết kiệm chi phí và giảm bớt nguy cơ lây nhiễm do tập trung đông người ở các cơ sở xét nghiệm.

Những kiến nghị xác đáng này được Bộ KH&ĐT đưa vào dự thảo nghị quyết.

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT cũng đưa vào dự thảo quy định các địa phương thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người lao động.

Lý do đưa điều này vào nghị quyết là vì vừa qua chưa có sự thống nhất giữa các địa phương về các biện pháp phòng, chống COVID-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm