Vay tiêu dùng: Dễ vay, dễ gặp rủi ro

Nhưng bên cạnh sự háo hức “tiền tươi thóc thật” của nhiều người thì các chuyên gia lo ngại rằng họ sẽ phải đối mặt với “lạm chi”...

Rầm rộ quảng cáo

Từ con số cho vay tín chấp 20 triệu không cần thế chấp, nay hạn mức đó đã được các NH điều chỉnh lên đến vài trăm triệu đồng/người. Mức lương tối thiểu để xét cho vay cũng hạ xuống còn 2 triệu đồng/tháng. Cùng những điều kiện thuận tiện, thời gian xét duyệt chỉ 1-2 ngày.

Vay tiêu dùng hiện nay vẫn còn chịu nhiều điều kiện khắt khe. Ảnh: Quỳnh Chi
Vay tiêu dùng hiện nay vẫn còn chịu nhiều điều kiện khắt khe. Ảnh: Quỳnh Chi

Dẫn đầu thị trường trong các hạn mức tín dụng cho vay tiêu dùng phải kể đến con số 1 tỷ đồng của SeABank, hay 500 triệu đồng của LienVietBank và Eximbank. Còn lại, hạn mức vay tín chấp tối đa của các NH thương mại dao động từ 200-500 triệu đồng, tùy từng NH như OceanBank, SHB, ACB, VIB, ABBANK…, với thủ tục cho vay cũng được tạo điều kiện nhanh chóng, tiện lợi và dễ dàng.

Nhanh nhất vẫn là DongABank với sản phẩm "Vay 24 phút" đáp ứng nhu cầu cần vốn cấp tốc với lãi suất cho vay 1,07%/tháng.

Tiếp đó, EximBank thực hiện cho vay cầm cố sổ tiết kiệm của chính ngân hàng này tối đa trong vòng 1 giờ, cấp hạn mức tiêu dùng đảm bảo bằng bất động sản tối đa 2 ngày…

TienPhongBank cũng cho vay thấu chi cầm cố sổ tiết kiệm trong khoảng 60 phút, vay thế chấp chứng khoán niêm yết tối đa là 4 giờ, vay giấy tờ có giá khoảng 30 phút…

Thậm chí, ABBANK còn “mời chào” khách hàng vay bằng cách tặng kèm bảo hiểm, tặng vàng...

Theo bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó Tổng giám đốc DongABank, ngay sau khi triển khai chương trình, lượng khách hàng tìm hiểu vay vốn ở NH này tăng nhanh. Đối tượng vay được đa dạng, từ người làm công ăn lương đến những người bán vé số, chạy xe ôm, buôn bán hàng rong... Bà Xuyến cũng nhận định, dịch vụ này như việc “nhặt từng đồng xu” nhưng lại đem đến doanh số khá cao, nhất là trong bối cảnh đầu ra đang khó khăn, tiền đồng dồi dào.

Nhưng vẫn khó vay

Thông tin quảng cáo từ các NH là vậy, nhưng khi đi vào thực tế thì hoàn toàn khác. Vì các NH đều đưa ra các hạn mức “trên trời” nên đồng vốn vay vẫn nằm xa tầm tay của người muốn vay.

Chị Nguyễn Ngọc Anh đến SeABank (điểm giao dịch trên đường CMT8, Q.3 - TP.HCM) hỏi về thủ tục vay vốn để sửa chữa nhà. Chị được nhân viên tư vấn là có cho vay tiêu dùng (hình thức tín chấp) với mức lãi suất 14%/năm.

Nhưng hỏi kỹ mới biết, những hạn mức cho vay tiêu dùng tín chấp lên tới 500 triệu đồng, thực tế các NH cho vay với số tiền tương đương 18 tháng lương và với mức lương từ 5 triệu đồng trở lên.

Lãi suất cho vay được NH trả lời là theo thỏa thuận, tùy vào món vay, và tất cả đều được để ở chế độ điều chỉnh…

Sau đó, nghe bên HSBC (NH Hongkong - Thượng Hải) cho vay lãi suất chỉ 12%/năm, chị Anh sang tìm hiểu thì mới biết lãi suất thực không phải như công bố vì HSBC cho vay theo lãi suất phẳng (tức là lãi suất sẽ tính theo dư nợ ban đầu).

Về hạn chế tính rủi ro trong cho vay tiêu dùng, các NH đều quy định phần lớn các hợp đồng cho vay là có tài sản thế chấp đảm bảo nên tính rủi ro không đáng lo ngại mấy. Riêng vay tín chấp, tỉ lệ cho vay chỉ dừng lại ở mức từ 5-10% trên tổng dư nợ của khu vực khách hàng cá nhân.

Như tại Ngân hàng An Bình, tỉ lệ vốn cho vay tín chấp hiện ở mức dưới 2% của tổng dư nợ khối khách hàng cá nhân.

Ông Trần Xuân Huy, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết với trường hợp cho vay qua thẻ tín dụng, NH cấp sẵn cho người vay hạn mức tín dụng, chủ yếu là tín chấp. Nếu có rủi ro, NH không thể phát mãi tài sản thu nợ. Vì vậy khi cho vay thông qua thẻ, NH đã chấp nhận tính rủi ro cao và bù lại lãi suất phải cao hơn so với vay có thế chấp và vay sản xuất kinh doanh.

Quá nhiều rủi ro

Sau những hồ hởi ban đầu, nhiều khách hàng đã nhận ra nếu vay thời điểm này có thể ôm nợ trong nhiều năm sau đó.

Như chị Anh, sau khi tìm hiểu rõ, đã phải ngừng lại việc vay. Vì với thu nhập hai người gần 10 triệu, chị vay 200 triệu đồng, trả cả gốc lẫn lãi gần 6 triệu đồng/tháng trong 5 năm, chỉ còn 4 triệu, trong khi đó rất nhiều thứ phải chi tiêu. Điều mà những khách hàng như chị Anh lo nhất là thất nghiệp, đau ốm dài ngày, tai nạn… Đó là chưa kể lãi suất đang có chiều hướng tăng, vì lãi suất huy động đang tăng trở lại.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định: “Việc cho vay tiêu dùng trở lại của các NH cho thấy người dân đang quay trở lại lối sống xài trước rồi kéo cày trả nợ giống 1 năm trước đây".

"Tuy nhiên so với bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp và thời hạn cho vay có khi lên đến 40-50 năm ở nhiều nước khác thì ở Việt Nam có vẻ đang khắc nghiệt hơn”.

Đáng lo hơn cả là hiện tại nhu cầu mua xe hơi, sắm sửa đồ đắt tiền xa xỉ, căn hộ cao cấp… đang lan rộng hơn là những nhu cầu mua sắm thiết yếu khác.

Nếu không có những chính sách hỗ trợ hay bảo hiểm đi kèm thì khách hàng sẽ phải chịu rủi ro rất lớn.

Theo Quỳnh Chi ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm