Vì sao khách du lịch đến TP.HCM chi tiêu ít?

“Trong giai đoạn 2016 đến sáu tháng đầu năm 2018, các chỉ tiêu chủ yếu của ngành du lịch thành phố có tốc độ tăng trưởng khá, thời điểm sau luôn cao hơn so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến thành phố tăng trưởng bình quân hơn 20% và bằng khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước. Tỉ trọng đóng góp du lịch trong cơ cấu GRDP của thành phố chiếm khoảng 11%”, đây là thông tin ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, báo cáo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc ở Sở Du lịch TP.HCM diễn ra cuối tuần. 

Dẫn từ kết quả công bố của Cục Thống kê TP.HCM, Sở Du lịch TP.HCM cho biết năm 2017, bình quân một lượt khách quốc tế đến lưu trú tại TP.HCM là 5,21 ngày. Mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế ở thành phố khoảng 145 USD/ngày. Đối với khách du lịch nội địa, bình quân một lượt khách ở thành phố là 3,6 ngày; mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 1,58 triệu đồng/ngày.

Sở Du lịch xác định hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, có tiềm năng phát triển thành những sản phẩm du lịch là thế mạnh của thành phố như du lịch ẩm thực, mua sắm, MICE, du ngoạn và trải nghiệm...

Mặt khác, nhằm tạo môi trường hoạt động bình đẳng cho các doanh nghiệp (DN) du lịch, từ năm 2016 đến sáu tháng đầu năm 2018 Thanh tra Sở Du lịch đã kiểm tra 627 DN lữ hành, khách sạn và hoạt động hướng dẫn viên du lịch. Thanh tra Sở xử phạt 374 DN, tước giấy phép lữ hành quốc tế của hai DN. Tổng số tiền phạt hơn 6 tỉ đồng; thu và nộp ngân sách nhà nước đạt 90,6%.

Theo Sở Du lịch tình hình an ninh trật tự du lịch tuy có chuyển biến nhưng chưa bền vững. Những vấn đề phức tạp tái diễn và tồn tại lâu như nạn chèo kéo hàng rong; cướp giật; taxi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của du khách vẫn còn.

Liên quan đến chỉ số chi tiêu của du khách quốc tế, các DN lữ hành cho rằng khách quốc tế đến TP.HCM ít chi tiêu vì thành phố không chỉ thiếu các dịch vụ, sản phẩm du lịch hấp dẫn mà còn thiếu cách truyền thông, quảng bá các điểm đến. Bên cạnh đó, chính sách visa cũng đang hạn chế việc quay lại của du khách.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tại buổi làm việc với  Sở Du lịch TP.HCM 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, đánh giá cao một số kết quả đạt được của ngành du lịch thành phố. Tuy nhiên, qua chỉ số du khách quốc tế đến thành phố lưu trú và chi tiêu như vậy là quá ít. Tính tiền phòng nữa thì ít lắm. Như vậy phải giám sát chỉ số này, có cái nào có thể có hiệu quả tăng thêm.

Bí thư Nhân cho rằng báo cáo của Sở Du lịch cho thấy thành phố có 1.338 DN lữ hành, 5.239 hướng dẫn viên, bình quân một công ty lữ hành có 3,9 người, quá ít ỏi. Tỉ lệ này qua các năm 2016-2018 từ 4,4 còn 3,9 người/DN, như vậy là rất ít.

Nói về vấn đề đào tạo, đề nghị Ủy ban chỉ đạo Sở Du lịch mời 54 trường cùng ngồi lại với nhau xây dựng chương trình làm sao để thành phố phải là trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch của thành phố và khu vực. Thành phố đủ sức làm điều này. Hướng đến ngày nào đó thành phố công bố được là không thiếu HDV. Thành phố có lộ trình chấm dứt việc thiếu nhân lực trầm trọng trong ngành du lịch.

Ngành du lịch phải góp phần cùng DN đảm bảo chất lượng phục vụ du lịch. Báo cáo của Sở cho biết đã thanh tra kiểm tra 627 DN, xử phạt 374 DN… nên phân tích họ làm sai cái gì để nhắc nhở DN làm tốt hơn, thể hiện vai trò của ngành.

Bên cạnh đó, tại buổi làm việc, bí thư Nhân đề nghị Sở Du lịch trong quy hoạch nên rà soát có một khu bán hàng Việt cho du khách. Cần xem xét hình thành hai, ba khu chuyên bán hàng Việt chất lượng cao. Ngoài việc du khách đến mua sắm là nơi để du khách cảm nhận Việt Nam sản xuất được cái gì?

Cần rà soát lại xây dựng thành phố có chuỗi sự kiện ẩm thực hằng năm một cách xứng tầm. Chẳng hạn có cuộc thi các đầu bếp nước ngoài nấu món ăn Việt Nam ngon nhất ở TP.HCM. Đây cũng là cách để kéo du khách lại gần với mình. Ẩm thực là thương hiệu, văn hóa, ngoại giao, du lịch nên cần đẩy mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm