Vì sao Thái Lan không phải giải cứu heo như Việt Nam?

Hội nghị đánh gia kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển chăn nuôi heo vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục Chăn nuôi, thông tin từ tháng 3-2016 giá heo trong nước chịu ảnh hưởng đáng kể của thị trường Trung Quốc (heo Việt Nam quá phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên khi Trung Quốc ngừng mua dẫn đến không có đầu ra, khủng hoảng thừa - PV). Trong khi giá heo hơi của Thái Lan không chịu chi phối, biến động của thị trường Trung Quốc.

Đến cuối tháng 4 vừa qua, giá heo hơi giảm thấp nhất bất thường so với các nước trong khu vực và thế giới. Đến thời điểm hiện nay giá heo mới bắt đầu hồi phục tăng trở lại có lãi chút ít khi từ đầu tháng 7, giá heo hơi cao nhất khoảng 38.000 đồng.

Lý giải thêm về những nguyên dẫn đến cuộc khủng hoảng thừa, ông Dương cho biết do những năm trước đây heo hơi của Việt Nam xuất khẩu gần 100% qua đường tiểu ngạch mà không phải chính ngạch, chủ yếu qua Trung Quốc. Thực tế này có tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi heo của Việt Nam.

"Cuộc khủng hoảng thừa này còn do nguyên nhân nhu cầu thịt heo thị trường nội địa không tăng vì chịu chi phối của các mặt hàng thực phẩm khác như gia cầm, thịt gia súc ăn cỏ và thủy sản. Điều này tác động lớn gây khó khăn cho người chăn nuôi trong thời gian qua" - đại diện Cục Chăn nuôi phân tích.

Mới đây công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos Business Consulting đã công bố báo cáo về thị trường heo Việt Nam. Báo cáo này chỉ rõ: Trong giai đoạn 2013-2016, Việt Nam xuất khẩu heo chính ngạch dưới dạng thịt xẻ đi Hong Kong và Malaysia nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn cung heo Việt Nam.

Riêng xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc qua đường biên giới tăng mạnh trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2013 Việt Nam xuất khẩu 6,2 triệu con, năm 2014 lên 9,1 triệu con, năm 2016 xuất khẩu đạt khoảng 12 triệu con, tương đương mỗi ngày xuất đi khoảng 33.000 con. Điều này dẫn đến sự tăng đột biến của giá thịt heo hơi Việt Nam tại trại trong hai năm qua.

Tuy nhiên, từ giữa năm 2016 do giá heo hơi tại trại giảm mạnh nhất trong lịch sử, nhiều trang trại nhỏ lẻ và trang trại tư nhân lớn đã phải tạm ngừng chăn nuôi heo hoặc giảm đàn nái.

“Dự báo năm 2017 việc xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch ước tính khoảng 2,41 triệu con, giảm 80% so với năm 2016. Do đó dư thừa khoảng 104.750 con heo…” - Ipsos Business Consulting cho hay.

Dự báo năm 2017 việc xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch giảm 80% so với năm 2016. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia giải cứu thịt heo.

Từ những điều trên đã dẫn đến một cuộc giải cứu thịt heo quy mô với nhiều bộ, ngành, đoàn thể, công an, quân đội, người lao động vào cuộc cùng chung tay giải cứu thịt heo.

“Chính điều này đã làm lay động đến trái tim của nhiều người khi tất cả đều chung tay giải cứu thịt heo và “giải cứu” người chăn nuôi trong lúc gặp khó khăn.

Tiếp đến, các địa phương cũng có nhiều phương án giảm nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi bằng mọi cách đến nay đã giúp người nông dân vượt qua được khó khăn và bước đầu bình ổn thị trường chăn nuôi heo” - ông Dương nhận định.

Rất chia sẻ với bà con nông dân

Ông Dương đề xuất một số giải pháp để tránh lặp lại những cuộc khủng hoảng. Theo đó, Cục Thú y kiểm soát đối với dư lượng tồn dư kháng sinh trong thịt heo, đồng thời phối hợp với Thanh tra Bộ tiếp tục xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm sabutamol trong chăn nuôi.

“Xác định thị trường nội địa là cực kỳ quan trọng, bởi với gần 100 triệu người và 30 triệu khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tiêu thụ thịt heo. Tiếp tục tìm kiếm thị trường chính ngạch qua Trung Quốc trong thời gian tới; điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi thị trường gắn với các chuỗi liên kết” - ông Dương nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định chỉ ra những hạn chế của ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ngành nghề chăn nuôi heo là khâu tổ chức thị trường trong nước và nước ngoài không tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Cường cho rằng sản phẩm thịt heo là một trong những thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn nhất trong khẩu phần thức ăn của người dân. Nuôi heo là một nghề mà đã là nông dân là nuôi heo. Nhờ sự tiến bộ của ngành chăn nuôi trong 15 năm qua là vượt bậc.

“Tôi đã từng nuôi heo, có những con heo nái đẻ bốn con mà đẻ 10 con là may mắn lắm rồi còn bây giờ đẻ vài ba chục con là bình thường. Nhưng tại sao nhiều tiến bộ mà lại xảy ra giải cứu, khủng hoảng thừa thịt heo? Có nhiều nguyên nhân như cung vượt cầu, đồng thời khẩu phần ăn của người Việt Nam thay đổi. Tổ chức ngành hàng của chúng ta chưa tốt, đặc biệt là chăn nuôi heo. Ba công đoạn là sản xuất, chế biến và tổ chức thị trường hoàn toàn không tốt từ đây dẫn đến dư thừa thịt heo. Dồn toa heo dẫn đến bội thực, tháo khoán giá liên tục giảm… Rất chia sẻ khó khăn đối với bà con nông dân” - Bộ trưởng Cường cho hay.

Nhiều nơi bán thịt heo giá rẻ để kích thích thị trường, giúp nông dân.

Để không còn phải triền miên giải cứu, Bộ trưởng Cường cho rằng hiện có 3 triệu hộ nuôi heo nên môi trường phải đảm bảo, hiệu quả kinh tế, hội tụ và chuyển đổi. Tổ chức lại sản xuất, theo đó hộ chăn nuôi cũng phải theo chuỗi, doanh nghiệp cũng phải theo chuỗi chứ không thể cắt khúc.

“Tư duy quản lý nhà nước cũng cần phải thay đổi từ tiêu chuẩn, quy chuẩn, kiểm soát, phối hợp để từ đây xây dựng, phát triển chuỗi hiệu quả” - Bộ trưởng Cường nói.

Không bán được trong nước, đừng mơ xuất khẩu

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng để không phải giải cứu thì đầu tiên phải gắn kết được mô hình liên kết chuỗi.

Khâu quan trọng nhất là khâu thị trường mà khâu thị trường là phải gửi được tín hiệu cho khâu sản xuất và chăn nuôi, tránh cung vượt cầu. Một khi khâu sản xuất đáp ứng được yêu cầu về chất lượng của thị trường từ đây thị trường sẽ ổn định.

“Nếu không đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước thì đừng nghĩ đến xuất khẩu ra nước ngoài. Đến khi nào người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc miếng thịt heo đó từ đâu, do ai nuôi, có đảm bảo chất lượng không… thì lúc đó người tiêu dùng sẽ ủng hộ và mới xuất khẩu được nhiều” - ông Hòa khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm