Việt Nam sẽ thành đại bản doanh sản xuất máy tính toàn cầu?

Trong năm 2020, hàng loạt đại gia có “máu mặt” trong làng công nghệ thế giới đã đặt nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam (VN). Từ đây, những sản phẩm “Made in Vietnam” đã vươn ra khắp thế giới. Việc nhiều tập đoàn tên tuổi lớn thế giới đổ dòng vốn trong lĩnh vực công nghệ tạo ra kỳ vọng VN có thể trở thành cứ điểm sản xuất sản phẩm, dịch vụ công nghệ của thế giới.

Nhiều hãng đến việt nam

Trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, lĩnh vực công nghệ VN đón nhận hàng loạt thông tin tích cực. Mới đây nhất, Viện Nghiên cứu và tư vấn thị trường Đài Loan (MIC) công bố báo cáo cho hay bắt đầu có dòng dịch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc (TQ) sang VN và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, hiện TQ sản xuất 160 triệu máy tính, chiếm 90% năng lực sản xuất toàn cầu nhưng con số này sẽ giảm đi 40% vào năm 2030. Các hãng gia công máy tính hàng đầu thế giới đều đặt nhà máy tại TQ. Tuy nhiên, VN và Thái Lan sẽ là nơi đón đầu dòng chảy này. “VN và Thái Lan sẽ biến Đông Nam Á thành trung tâm sản xuất của cả thế giới thay cho TQ” - MIC nhận định.

Cũng vào cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Pegatron của Đài Loan, đối tác của các đại gia công nghệ lớn như Apple, Microsoft, Sony, Lenovo…, cho hay đã nhận được giấy phép đầu tư giai đoạn 1 với tổng giá trị 19 triệu USD tại Hải Phòng. Tập đoàn này đang tiến hành xin thủ tục đầu tư giai đoạn 2 với giá trị lên đến 481 triệu USD. Đặc biệt, đến năm 2026-2027, ông lớn này sẽ thực hiện đầu tư giai đoạn 3 với giá trị lên đến 500 triệu USD.

Các dự án của Pegatron tập trung vào sản xuất thiết bị điện tử bao gồm điện tử dân dụng, máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính; thiết bị truyền thông, linh kiện điện tử, bản mạch. Các khoản đầu tư này khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra gần 23.000 công việc, đóng góp cho ngân sách nhà nước 100 tỉ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, Công ty Wistron của Đài Loan sẽ sản xuất laptop dưới sự ủy quyền của thương hiệu Mỹ tại VN. Một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại VN. Tương tự, đại gia Foxconn hiện giữ vị trí nhà sản xuất các sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới nhiều khả năng sẽ sản xuất laptop tại VN...

Ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của Quỹ đầu tư VinaCapital, đánh giá đây là làn sóng đầu tư mới đang đến VN. Trước đây, dòng chảy đầu tư vào VN chủ yếu do tính hấp dẫn của trình độ kỹ năng lao động cao nhưng lương thấp của nhân công VN, cũng như vị trí địa lý quốc gia nằm trong chuỗi cung ứng khu vực châu Á. Nhưng hiện nay làn sóng đầu tư nước ngoài mới được thúc đẩy bởi việc các tập đoàn đa quốc gia tái định hình chuỗi cung ứng nhằm tránh phụ thuộc vào TQ.

Kỳ vọng trong tương lai Việt Nam sẽ là một trong các đại bản doanh sản xuất của máy tính cá nhân thế giới. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu, mua máy tính. Ảnh: MINH HOÀNG

Cần có thời gian

Trước việc ngày càng nhiều hãng công nghệ vào VN, một số ý kiến tin rằng VN có thể đủ khả năng trở thành đại bản doanh sản xuất các mặt hàng máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử… cho toàn cầu. TS Nguyễn Ngọc Thành, giảng viên Khoa khoa học và công nghệ thuộc ĐH RMIT VN, đánh giá: Các hãng sản xuất máy tính cá nhân dịch chuyển sang VN sẽ củng cố vị thế của VN trong lĩnh vực điện tử và máy tính. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng các hoạt động sản xuất ở VN mang giá trị gia tăng thấp.

Thực tế VN chưa tham gia được nhiều vào chuỗi cung ứng trong vai trò nhà sản xuất gốc (OEM) như những công ty TQ và Đài Loan. Việc này cần thời gian vì không nước nào lập tức có thể “hóa rồng” và muốn thành rồng trước tiên phải ít nhất là cá chép, là con hổ.

Xuất hiện sản phẩm của ông lớn

Trong thời gian gần đây đã xuất hiện các sản phẩm công nghệ như AirPods hay điện thoại Google mang dấu ấn “Made in Vietnam”, chưa kể dòng điện thoại hàng đầu thế giới Samsung cũng xuất phát từ VN.

Ngoài ra, hãng sản xuất bộ vi xử lý máy tính hàng đầu thế giới là Intel cũng cam kết sẽ đầu tư thêm 3,6 tỉ USD tại VN trong thời gian tới. 

TS Thành cũng cho rằng mặc dù VN đã là điểm đến quan trọng của một số nhà sản xuất điện tử hàng đầu thế giới nhưng không nên lạc quan thái quá về việc trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu các sản phẩm điện tử, máy tính và điện thoại. Bởi vì chưa nói đến TQ và Ấn Độ mà các nước láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines cũng đã là những đối thủ đáng gờm.

Ví dụ, Intel là nhà sản xuất bộ vi xử lý máy tính lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, có đến 3/4 số lượng các bộ vi xử lý được sản xuất tại Mỹ, còn lại là ở Ireland và Israel. Cơ sở tại VN của Intel chủ yếu tập trung vào hoạt động kiểm lỗi và đóng gói.

Kinh tế trưởng của Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Michael Kokalari, cũng nhìn nhận thời điểm này VN có thể chưa đủ thay thế TQ là cứ điểm sản xuất công nghệ của thế giới. Nhưng vẫn có niềm tin rằng trong một thập niên tới, VN sẽ có nhiều thay đổi lớn khi các ông lớn nước ngoài đóng vai trò ngày càng quan trọng làm bệ đỡ để nâng cao năng lực cho các nhà quản lý và công ty VN.

“Điều này có thể thấy qua việc Apple chọn VN là nơi sản xuất tai nghe AirPods mới nhất của hãng thay vì TQ. Bởi vì Apple muốn giúp các kỹ sư và nhà quản lý VN học cách khắc phục các vấn đề liên quan đến việc đưa một sản phẩm mới vào sản xuất cũng như về tạo mẫu, phát triển, lắp ráp… Đây như là một cách để giảm sự phụ thuộc vào TQ. Tuy nhiên, độ lớn phát triển của số lượng và chất lượng làn sóng đầu tư nước ngoài mới này sẽ phụ thuộc nhiều vào các nhà hoạch định chính sách của VN” - vị chuyên gia của Quỹ đầu tư VinaCapital nói.

TS Nguyễn Ngọc Thành, ĐH RMIT VN:

Mời tài năng công nghệ về Việt Nam

Về quy mô thị trường cũng như các yếu tố khác, ASEAN mới đủ lực là đối trọng thực sự của TQ và Ấn Độ. VN nên hướng sự cạnh tranh với những nước tương đồng với mình như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và thậm chí là Myanmar.

VN có thể tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Sử dụng sức mạnh mềm thông qua mối tương quan gần gũi về văn hóa với các doanh nghiệp sản xuất máy tính của Đài Loan để mời gọi và hỗ trợ họ di chuyển nhà máy sang VN.

Song song với quá trình đó là tạo điều kiện cho các công ty VN tích lũy vốn và trình độ công nghệ. Qua đó tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện, điện tử, máy tính toàn cầu.

Để làm được điều này thì việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao cần được ưu tiên bằng nhiều cách khác nhau. Thứ nhất, thông qua các chương trình hợp tác với các đại học quốc tế trong nước hoặc nước ngoài.

Thứ hai, khuyến khích sinh viên học các ngành khoa học công nghệ bằng cách cấp học bổng, vay ưu đãi hoặc hỗ trợ học phí như đối với sinh viên học ngành sư phạm. Mời gọi những doanh nhân, trí thức, tài năng công nghệ hiện đang ở nước ngoài về khởi nghiệp hoặc làm việc trong nước. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.