Vụ phát hành chứng chỉ tiết kiệm nhà ở Vinaland: Nếu có tranh chấp, đòi nợ rất khó

Trong các số báo gần đây, Pháp Luật TP.HCM đã phân tích tính pháp lý trong khâu phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở của Công ty Bất động sản Vinaland. Đi sâu vào tìm hiểu chứng chỉ này, chúng tôi thấy còn nhiều vấn đề rủi ro đối với người tham gia.

Khách hàng nắm đằng lưỡi

Sau khi Pháp Luật TP.HCM thông tin về vụ phát hành chứng chỉ để có quyền mua nhà thì bà Trần Ngọc Thắm (ngụ 81/7 Phạm Hữu Lầu, quận 7) đã đến cung cấp tài liệu cho biết là hơn 4.000 m2 đất nằm trong dự án Vinaland còn đang tranh chấp.

“Gia đình tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất này. Chúng tôi còn đang tranh chấp với nhiều người khác và cũng chưa hề bán cho Vinaland” - bà Thắm cho biết. Thực tế là tại vị trí này, Vinaland cũng chỉ được UBND quận 7 thuận chủ trương cho đầu tư dự án và công ty cũng mới giải tỏa mặt bằng được khoảng 80% diện tích. Như vậy, việc Vinaland đem lô đất chưa thuộc 100% về mình để đảm bảo cho việc phát hành chứng chỉ tiết kiệm là hàm chứa yếu tố rủi ro cho người mua.

Ngoài ra, người mua chứng chỉ hiện nay đang nộp tiền một cách dễ dãi mà chưa lường trước mọi bất trắc có thể xảy ra. Thủ tục tham gia mua chứng chỉ rất đơn giản, chỉ cần điền thông tin vào một tờ đơn đăng ký do Vinaland soạn sẵn rồi nộp tiền cho kế toán. Trong khi đó, điểm rất quan trọng là hợp đồng vay nợ hay giấy nhận nợ không có. Mặt khác, bản quy chế quy định quyền và nghĩa vụ giữa công ty và người mua chứng chỉ lại tách rời với tờ đơn người mua đăng ký tham gia.

Bàn về trường hợp bất khả kháng, luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng người mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm đang ở thế bất lợi.

Trong trường hợp xấu nhất là công ty không thực hiện được dự án thì người mua chỉ nhận được một khoản lãi khá thấp bằng 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước ấn định trong một thời gian dài năm năm. Ngoài ra, nếu đến năm 2014 (thời điểm dự án phải xong phần móng) mà Vinaland không có tiền trả lại thì người mua lại vướng vào một vòng tranh chấp khác rất rắc rối để đòi nợ công ty.

Hợp đồng vay mượn cũng chưa đúng

Giải thích về lô đất tại quận 7 mà chứng chỉ dựa vào để phát hành, Công ty Bất động sản Vinaland thừa nhận là chưa thuộc về công ty 100%.

“Nhưng với hơn 80% diện tích mà công ty đã mua được cũng đã đủ cho Vinaland triển khai một dự án riêng biệt. Chỉ có điều lúc ấy, chúng tôi phải điều chỉnh lại dự án và dự án không đẹp mà thôi” - ông Hồ Đắc Hưng, Tổng Giám đốc Vinaland, khẳng định.

Về phần quyền lợi của khách hàng khi mua chứng chỉ mà đơn đăng ký một nơi, bản quy chế một nẻo, ông Hưng trấn an rằng trong đơn đăng ký, ở phần người mua cam kết đã ghi rõ: “Số tiền tiết kiệm nộp vào công ty được hiểu là cho công ty vay. Mọi quyền và nghĩa vụ của tôi được thực hiện theo quy chế quỹ tiết kiệm nhà ở”...

Mới đây, để thủ tục phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm hoàn thiện, Công ty Vinaland đã soạn ra mẫu hợp đồng vay tiền có tên “Hợp đồng vay tiền - tiết kiệm nhà ở”. “Chúng tôi soạn ra hợp đồng này là để theo đúng các quy định của Bộ luật Dân sự điều chỉnh về quan hệ vay mượn” - ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết đây có thể là một việc lách luật khác của Vinaland.

“Đã là quan hệ vay mượn thì gọi là hợp đồng vay mượn, làm gì có kiểu hợp đồng vay mượn - tiết kiệm nhà ở” - ông Hạnh nói.

Liên quan đến vụ việc Công ty Bất động sản Vinaland phát hành chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở bán cho nhiều người, cuối tuần qua, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP.HCM, đã đề nghị phóng viên Pháp Luật TP.HCM cung cấp tất cả tài liệu để Thanh tra Ngân hàng nhà nước xem xét.

“Nhanh nhất là trong tuần này, Thanh tra Ngân hàng nhà nước sẽ đi kiểm tra để xem việc phát hành chứng chỉ trên có đúng các quy định pháp luật hay không” - ông Hạnh cho biết.

BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm