Vụ tin đồn chủ tịch BIDV bị bắt: Lập ban chuyên án điều tra

Hôm qua (22-2), sau khi có tin đồn Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà bị bắt, chứng khoán hai sàn giao dịch ở TP.HCM và Hà Nội tăng nhẹ, tỉ giá USD/VND ngoài chợ đen hạ nhiệt và giá vàng chỉ biến động nhẹ.

Tỉnh táo trước tin đồn

Ngày 22-2, NHNN đã phát đi thông tin chính thức: Đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà bị bắt gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, có biện pháp xử lý thích hợp và phối hợp với các bộ, ngành, UBND xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do. Người dân và doanh nghiệp cần thận trọng, tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có. Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) đã lập ban chuyên án để điều tra nguồn gốc của thông tin bịa đặt.

Cùng ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn đề nghị các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) rà soát toàn bộ giao dịch thời gian gần đây, đặc biệt trong phiên ngày 21-2 để kịp thời báo cáo với Ủy ban.

Chiều 22-2, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tiếp tục khẳng định thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng đang dư thừa và cơ quan này sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường. Năm 2012, NHNN đã mua ròng 15 tỉ USD và tiếp tục mua ròng 5 tỉ USD chỉ từ đầu năm 2013 đến trước tết Nguyên đán. Đến nay dự trữ ngoại hối dồi dào, đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Vụ tin đồn chủ tịch BIDV bị bắt: Lập ban chuyên án điều tra ảnh 1

Cơ quan quản lý thị trường chủ động thông tin kịp thời, nhanh chóng về các hoạt động là cách hạn chế tin đồn. Ảnh minh họa: M.THẢO

Minh bạch là đất chết của tin đồn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết thị trường nào cũng có tin đồn. Cách tốt nhất để tin đồn mất đi, không còn đất sống là vận hành thị trường minh bạch, chủ động.

TS Lê Thẩm Dương ví dụ: “Tôi quản lý một quỹ thuộc khoa Quản trị kinh doanh của trường tôi dạy. 1 đồng quỹ vẫn là 1 đồng, thế là mọi người tin tôi. Đó là minh bạch và cái này tạo ra lòng tin. Sau đó, dù có ai đồn xấu về tôi thì nhiều người trong khoa chưa chắc tin ngay, họ còn kiểm tra lại. Suy rộng ra một thị trường chứng khoán hay thị trường nào khác cũng như vậy”.

Tuy nhiên, TS Dương cho rằng cần hiểu thêm là giờ đây cách người ta đưa ra tin đồn càng tinh vi. Tin đồn xuất hiện trong bối cảnh nhạy cảm, thị trường đang có thông tin về tỉ giá biến động, phá giá đồng tiền, tin đồn trong bối cảnh hàng loạt đại gia bị bắt… Tin đồn này với người phân tích bình thường rất dễ tin. Ứng xử với loại tin đồn này, theo ông, thị trường phải có kênh chính thống được nhiều người tin để giải thích, thông tin. Nguyên nhân, theo TS Lê Thẩm Dương, hiện nay mọi người không biết tin vào đâu, không còn tin vào đầu tư… Vì vậy, cần xây dựng một môi trường minh bạch, trong đó hệ thống thông tin rõ ràng, có chế tài xử lý nghiêm minh… Hơn hết, trong nhiều lĩnh vực, cơ quan quản lý cần chủ động thông tin nhanh và rộng rãi chứ không đợi tin đồn xuất hiện mới giải thích chính sách, số liệu.

Vì sao tin đồn gần đây hay nhắm vào lĩnh vực tài chính-ngân hàng? Ông Dương cho rằng do thiếu thông tin. Ví dụ, thông tin về sở hữu chéo, nợ xấu… trong lĩnh vực ngân hàng còn mông lung. Mỗi chuyện nợ xấu đến chuyên gia, nhà quản lý còn không biết số liệu nào chính xác, đụng tới còn tá hỏa nữa là.

Để đối phó, TS Lê Thẩm Dương nhận định tin đồn cũng như nhà cháy. Nếu xảy ra cháy nhà thì cần cầm bình cứu hỏa xịt ngay. Lúc đó có mất cái xe nhưng giữ được cái nhà. Sau phản ứng nhanh kế đến là trung thực và có mặt kịp thời giải thích. Đối với nhà đầu tư thì đó là nhận thức của mỗi người, họ phải tự trang bị.

Xử lý hình sự người tung tin

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, tin đồn chủ tịch BIDV cùng một số lãnh đạo BIDV bị bắt đã khiến thị trường tài chính-ngân hàng đảo lộn, Nhà nước và nhà đầu tư bị thiệt hại. Về mặt pháp lý, tùy thuộc vào ý chí chủ quan của người tung tin mà người đó sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự ở nhiều mức độ.

Nếu người tung tin không có mục đích cụ thể, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 258 Bộ luật Hình sự về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù 2-7 năm.

Nếu người tung tin đồn nhằm phá hoại, chống phá Nhà nước có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội theo Điều 86 Bộ luật Hình sự. Hành vi này sẽ bị phạt tù 7-20 năm. Ngoài ra, nếu việc tung tin đồn nhằm thao túng thị trường chứng khoán, tiền tệ của một số cá nhân đầu cơ thì ngoài việc bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo Điều 160 Bộ luật Hình sự, có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm hình sự về tội thao túng chứng khoán theo Điều 181c Bộ luật Hình sự với mức phạt tù 2-7 năm, có thể thêm phạt tiền 10 triệu đồng và cấm 150 triệu đồng.

Về mặt dân sự, trong mọi trường hợp người tung tin đồn thất thiệt dù vô ý hay cố ý sẽ phải bồi thường cho Nhà nước và cá nhân, tổ chức bị thiệt hại từ tin đồn thất thiệt gây ra. Phải xin lỗi, cải chính công khai để phục hồi danh dự, uy tín cho tổ chức, cá nhân bị xâm hại.

Chứng khoán tăng, tỉ giá hạ nhiệt

Trong ngày 22-2, chứng khoán hai sàn tăng nhẹ, tỉ giá USD/VND ngoài chợ đen hạ nhiệt. Hết ngày giao dịch, VN-Index của sàn TP.HCM tăng nhẹ 0,96 điểm, chốt ở mức 477,69 điểm cho thấy thị trường không bị “vỡ trận” như các lần có tin đồn trước. Hết ngày có 100 mã chứng khoán tăng giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 107,3 triệu chứng khoán, tương ứng giá trị hơn 1.466 tỉ đồng.

Tại sàn Hà Nội cũng vậy, hết ngày giao dịch có 147 mã chứng khoán tăng giá. Số tiền đổ vào là 938 tỉ đồng, ứng với 115,9 triệu chứng khoán giao dịch.

Một diễn biến khá lạ là thị trường ngoại hối sau tin đồn lại tốt hơn. Tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng lớn như BIDV, ACB, Eximbank ổn định với mốc 1 USD bán ra ăn 20.990 VND, thậm chí đổi chiều giảm xuống vài chục VND. Một số ngân hàng thương mại trong ngày 21-2 đưa tỉ giá 21.000 VND/USD, hôm qua đều niêm yết bán ra giảm 40-60 VND/USD.

Theo các tiệm vàng quanh chợ Bến Thành (quận 1), chợ An Đông (quận 5), chợ Thiếc (quận 11)…, sở dĩ tỉ giá hạ nhanh vì NHNN phát đi thông tin không có chuyện phá giá VND và sẵn sàng bán ra ngoại tệ để can thiệp.

Trong khi đó, giá vàng trong nước có tăng nhưng mức tăng hợp lý, khoảng 200.000 đồng/lượng. Cuối giờ chiều 22-2, giá niêm yết mua vào-bán ra của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là 44,93-45,08 triệu đồng/lượng. Niêm yết tại các ngân hàng thương mại lớn như ACB, Eximbank, Sacombank… cũng tương tự.

B. NHƠN - T. PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm