Xăng A95 nhiều giá, khó kiểm soát thị trường

Theo báo cáo chưa đầy đủ từ các đội của Chi cục Quản lý thị trường thì thời gian qua có rất nhiều cây xăng bán xăng A95 với nhiều giá khác nhau. Từ đây, Chi cục Quản lý thị trường đã có công văn đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến lên Bộ tài chính và Bộ Công thương về việc nên thống nhất giá bán lẻ xăng A95 theo một giá. Có như vậy các địa phương mới dễ chủ động trong công tác giám sát, xử lý nếu cây xăng vi phạm.

Khó kiểm tra vi phạm

Trước đó, quyết định của Bộ Tài chính và công điện của Bộ Công thương đã nêu rõ tùy thuộc vào khả năng tạo nguồn và chi phí mà các doanh nghiệp tự quyết định giá xăng A95. Tuy nhiên, giá của xăng A95 không được vượt quá 500 đồng/lít so với xăng A92.

Tuy nhiên, ông Đào Phúc Hùng, Phó Trưởng phòng Hành chính, Chi cục Quản lý thị trường, cho rằng khó khăn hiện nay của các đội là không thể kiểm soát hết các cây xăng có bán đúng giá như giá công ty quy định hay không. Có khả năng một số công ty đưa ra giá bán là 18.300 đồng/lít nhưng cây xăng lại bán với giá 18.500 đồng/lít. Vì vậy, chi cục đề nghị thống nhất cả nước một giá để kiểm tra và dễ dàng hơn trong việc xử lý khi vi phạm.

Cũng theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, qua khảo sát sơ bộ, đa số doanh nghiệp bán xăng A95 với giá kịch trần (18.500 đồng/lít) chủ yếu thuộc các công ty tư nhân ở những quận, huyện ven TP như quận 12, Gò Vấp, Hóc Môn... Còn những doanh nghiệp như Petrolimex, Saigon Petro, Comeco... đều bán với giá 18.300 đồng/lít.

“Theo tôi được biết thì hầu hết các doanh nghiệp đầu mối đều bán với giá 18.300 đồng/lít. Hơn nữa, theo quy trình thì các doanh nghiệp sẽ báo giá bán với Sở Công Thương ở các tỉnh. Như vậy, quản lý thị trường chỉ cần khoanh vùng và thấy các cây xăng nào vi phạm thì có thể xử lý” - ông Đặng Vinh Sang, Tổng Giám đốc Saigon Petro nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hùng lại cho rằng mỗi lần đi kiểm tra đều phải có kế hoạch và đội không thể đủ sức để kiểm tra từng cây xăng được. Nếu thống nhất giá thì cây xăng chỉ cần để bảng giá và các đội đi ngang là có thể kiểm soát được.

Bàn về việc kiến nghị thống nhất giá xăng A95, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho rằng tùy vào khả năng tạo nguồn nhập khẩu và chi phí của từng doanh nghiệp rồi quyết định giá bán của mặt hàng này. Vì vậy, không nhất thiết giá xăng A95 phải bắt buộc đưa về cùng một giá.

Xăng A90 bán thành A92

Ngoài ra, quản lý thị trường cũng nhận được rất nhiều đơn phản ánh của người dân về việc đo của một số cây xăng không đủ dung lượng và sự mập mờ về chất lượng của xăng A95 và A92. Trong khi đó, hiện toàn TP chỉ có Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Trung tâm 3) mới có một bộ dụng cụ đo. Từ đây, trung bình một tuần chỉ kiểm tra được hai cây xăng nên rất khó để kiểm soát đồng bộ.

Ông Lý Ngọc Thắng, đội trưởng Đội 3A Quản lý thị trường, cho biết vào khoảng năm 2007, tình trạng xăng A90 bán thành A92 xảy ra rất nhiều, chiếm 20% trong tổng số cây xăng được kiểm tra. Tuy nhiên, khó khăn là mỗi lần kiểm định mẫu xăng gửi lên Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thì phải mất bốn ngày. Thế nhưng bốn ngày thì cây xăng đó đã bán hết khối lượng xăng chưa đúng chất lượng đó rồi nên các đội chỉ có thể phạt hành chính do bán hàng không đúng với chất lượng.

Nên dùng loại xăng nào?

Xăng A95 (hay Mogas 95) là loại xăng cao cấp, có khả năng chống kích nổ cao và giúp động cơ hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên, không phải xe nào cũng nên dùng loại xăng này. Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng chỉ dùng những loại xe có tỷ số nén cao hay động cơ hiện đại như ôtô, SH, Dylan, @, Piaggio... thì mới sử dụng loại xăng này. Còn lại, những loại xe thông dụng khác như Dream, Nouvo, Wave, Jupiter... sử dụng xăng A95 là không kinh tế và nên chọn xăng A92.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm