Xi-măng bớt nóng do tăng giá tại gốc?

Từ cuối tuần qua đến nay, các công ty xi-măng đã tăng giá bán ngay từ gốc. Xi-măng Hà Tiên 1 được xem là đơn vị đầu tiên ở phía Nam điều chỉnh giá bán.

Tăng hơn 10% so với giá cũ

Ngày 7-6, xi-măng Hà Tiên có giá bán tại nhà máy là 1,2 triệu đồng/tấn, tăng thêm 130 ngàn đồng/tấn so với giá cũ. Ngày 9-6, xi-măng Holcim cũng tăng lên 1,240 triệu đồng/tấn, Cotec tăng 1,185 triệu đồng/tấn... Ước tính các nhà máy xi-măng đã tăng giá bán hơn 10% so với giá cũ. Theo Vụ phó Vụ Vật liệu xây dựng Nguyễn Văn Ngọc, việc tăng giá bán tại nguồn được các doanh nghiệp xi-măng đưa ra sau khi đã tính toán hợp lý giá thành sản xuất đầu vào theo yêu cầu của Bộ Xây dựng.

Trong một cuộc họp nhằm bình ổn thị trường xi-măng diễn ra gần đây, các thương hiệu lớn như Hà Tiên 1, Holcim, Chinfon, Nghi Sơn... đều kiến nghị với Bộ Xây dựng cho phép tăng giá bán. Đại diện các nhà sản xuất cho rằng với chi phí hiện tại, khi sản xuất ra họ đã lỗ 100-150 ngàn đồng/tấn. Chưa kể giá clinker và giá giấy kraft để đóng bao đã tăng rất nhiều trong thời gian qua.

Trong đỉnh điểm cơn sốt xi-măng vừa qua, dư luận đặt ra câu hỏi liệu có phải vì chi phí đầu vào tăng quá cao khiến các nhà máy giảm bớt công suất dẫn đến thiếu hàng, rồi từ đây một số nhà phân phối đã nhân cơ hội đẩy giá lên cao? Theo thống kê, thời gian qua nhu cầu xi-măng của TP.HCM và một số tỉnh miền Đông Nam bộ tăng đột biến. Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên 1 - đơn vị cung cấp số lượng lớn xi-măng cho thị trường TP.HCM thừa nhận lượng xuất của Hà Tiên 1 trong năm tháng đầu năm 2008 vẫn xấp xỉ năm ngoái. Chưa kể Hà Tiên 1 đã phải tăng thêm lượng hàng gia công, rồi nhập thêm hàng từ phía Bắc vào. Ngoài ra, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xi-măng mà Hà Tiên 1 nhập vào giảm 180 ngàn tấn.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Trưởng đoàn kiểm tra thị trường xi-măng tại TP.HCM, cho rằng nếu giá xi-măng tại nhà máy tăng, chi phí được bù đắp thì sẽ chấm dứt tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng và nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào, ổn định hơn. Khi cung-cầu đã cân đối thì chẳng có lý do gì giá trên thị trường bán lẻ tăng lên được.

Vẫn còn chầu chực trước nhà máy

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán lẻ xi-măng TP.HCM đã giảm nhẹ so với trước. Xi-măng Cẩm Phả, Hoàng Thạch, Chinfon... có giá 74.000-76.000 đồng/bao. Tuy nhiên, xi măng của Hà Tiên 1 khi đến tay người tiêu dùng vẫn là 80.000-85.000 đồng/bao.

Hiện không còn tình trạng thiếu hàng đối với hai loại Hà Tiên 1 và Holcim như lúc đỉnh điểm cơn sốt. Tuy nhiên, các nhà phân phối khẳng định còn quá sớm để cho rằng việc tăng giá xi-măng tại đầu nguồn sẽ khiến thị trường nhanh chóng bình ổn. Ông Đào Đức Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Đức Toàn - nhà phân phối chính của nhiều nhãn hiệu xi-măng tại TP.HCM, cho biết tình hình đã bớt nóng nhưng lượng xi-măng tại các nhà máy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Tình trạng xe của nhà phân phối, đại lý chầu chực tại các nhà máy lấy hàng vẫn còn tiếp diễn. Ông Toàn cho rằng nguyên nhân thị trường xi-măng vừa qua có giảm nhiệt chút đỉnh là bởi giá xi-măng tăng cao, lại bước vào mùa mưa nên một số chủ công trình giảm lấy hàng chứ không phải tác động từ nguồn cung từ phía nhà máy.

Ông Ngô Minh Lãng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên 1, dự đoán với quyết định cho phép tăng giá bán thì trong vòng 10 ngày tới thị trường sẽ bớt căng thẳng do các nhà máy đẩy mạnh công suất. Vừa qua, Công ty Xi-măng Hà Tiên 1 đã ký hợp đồng với bảy nhà phân phối chính tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và gần 100 cửa hàng bán lẻ để thống nhất giá bán. Theo ông Lãng, với mức giá mới, công ty sẽ giữ mức giá bán cho nhà phân phối chính là 60.000 đồng/bao. Đồng thời, công ty cũng đã ký cam kết với một số chủ cửa hàng bán lẻ vật liệu xây dựng để giữ mức giá bán cho người tiêu dùng không quá 72.000 đồng/bao, không bao gồm phí chuyên chở. Song song với việc tăng giá tại nguồn, các công ty xi-măng sẽ kết hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng một số đối tượng nhân cơ hội “tát nước theo mưa” tăng giá bán lẻ.

Theo ông Đào Đức Toàn, việc ký kết không tăng giá giữa nhà máy và nhà phân phối, đại lý cần phải được nhiều doanh nghiệp làm chứ nếu chỉ mình Hà Tiên 1 thì e rằng khó kìm giá xi-măng. Ông Toàn cho biết chỉ riêng TP.HCM có tới 50 nhà phân phối cấp một mà Hà Tiên 1 chỉ có khả năng chi phối cỡ 5-6 nhà phân phối mà thôi. Ông Toàn cam đoan nếu nhà sản xuất cam kết chạy đúng công suất và phân chia hàng một cách khoa học, không bắt nhà phân phối phải chờ thì chắc chắn giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ thấp hơn 70.000 đồng/bao.

“Chi viện” vào Nam thêm 400 ngàn tấn xi-măng

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, cho biết theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Vụ Vật liệu xây dựng đã đốc thúc gom hàng từ các nhà máy xi-măng khu vực phía Bắc tiếp tục ứng cứu cho thị trường phía Nam. Dự kiến trong tháng 6 này, Bộ Xây dựng sẽ vận chuyển vào Nam hơn 400 ngàn tấn xi-măng. Nhiều nhất là xi-măng Nghi Sơn 130 ngàn tấn, Cẩm Phả 100 ngàn tấn, Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam 135 ngàn tấn bao gồm xi-măng và clinker. Theo ông Ngọc, với việc “trong đánh ra, ngoài đánh vào”, chắc chắn trong thời gian tới thị trường sẽ bình ổn. Tất nhiên là việc bình ổn nhanh chóng hay không còn phụ thuộc vào tình hình kiểm tra, giám sát của Bộ Công thương và lãnh đạo TP.HCM.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm