Xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước, lẽ phải ở đâu?

Xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước, lẽ phải ở đâu? ảnh 1 

Tập đoàn Vinashin trước đây đã thua lỗ đến 86.000 tỉ đồng. Ảnh: CTV

Sau bài viết “Xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nhà nước” trên số báo ngày 28-10, Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia về vấn đề này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM): Ảnh hưởng đến lợi ích của dân

Trước hết Quốc hội phải xem khoản nợ ấy xuất phát từ đâu, do khách quan hay chủ quan, đặc biệt là nguyên nhân do tham nhũng, thiếu trách nhiệm. Từ trước đến nay chưa có quy định nào cho phép xóa nợ thuế cho DNNN; nếu bây giờ Nhà nước cho phép sẽ tạo tiền lệ xấu. DN sẽ chây ì, cố tình tạo ra những khoản lỗ để lợi dụng chính sách ưu ái của Nhà nước.

Tiền thuế không phải của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính mà là tiền của dân, phục vụ dân nên không được tùy tiện xóa để gây thất thu ngân sách, thất thoát tài sản, ảnh hưởng đến lợi ích của dân.

Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng xóa nợ thuế cho DNNN là làm đẹp sổ sách để nâng giá trị DN khi bán cổ phần. Bất kỳ DN nào muốn mua lại DN khác cũng cần biết những khoản nợ của DN đó để định giá thực. Một DN nợ thuế cũng là bình thường và cần công khai để tính toán đúng giá trị khi tiến hành cổ phần hóa.

Cũng cần phải nói thêm rằng Nhà nước phải làm rõ trách nhiệm của người lãnh đạo DNNN khi để xảy ra nợ thuế. Công nhân nếu làm hư hỏng tài sản của DN đều phải đền, trong khi lãnh đạo quản lý để thua lỗ, gây thất thoát tài sản, tồn đọng nợ thuế mà không bị xử lý, chỉ dừng lại ở mức xóa nợ là phủi hết trách nhiệm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh: Ai sẽ bù vào khoản thất thoát?

Các đại biểu Quốc hội cần giám sát chặt và yêu cầu Chính phủ đưa ra lý do tại sao lại xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Việc xóa nợ này gắn với sự bình đẳng trong kinh doanh ra sao? Nếu với lý do xóa nợ để thúc đẩy cổ phần hóa, làm đẹp sổ sách hay như ví von của thứ trưởng Bộ Tài chính: Xóa nợ để… cô gái đi lấy chồng là không hợp lý, trái quy luật thị trường, tùy tiện. Chính phủ đề xuất xóa nợ thuế cho DNNN là quá ưu ái, tạo ra tiền lệ bất bình đẳng trong DN.

Đặc biệt, DNNN kinh doanh thua lỗ rồi xin xóa, ai sẽ bù vào khoản thất thoát này? Bởi đây là tiền của dân, công lý lẽ phải ở đâu? Xóa nợ chỉ để cổ phần hóa tức là xóa hết trách nhiệm của người lãnh đạo DNNN. Như vậy làm lãnh đạo DNNN quá sướng, điều hành kém gây ra nợ rồi được xóa và hạ cánh an toàn.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế: Vô tư xóa nợ sẽ tiếp tục sinh ra nợ

Nhiều năm trước đã từng có một đợt xóa nợ cho các tổng công ty 90-91. Khi đó, DNNN này nợ DNNN kia, mà chủ của các đơn vị này đều là Nhà nước cả. Vì vậy thay vì lấy tiền Nhà nước bên này trả vào tiền Nhà nước bên kia thì thôi, xóa đi trong nội bộ cho DN được sạch nợ.

Giả sử như “cố” đòi khoản nợ này thì sao? Thử hình dung tay trái móc túi đưa trả cho tay phải bỏ vào túi trở lại, bởi DNNN thì Nhà nước lấy ngân sách trả nợ mà, cũng không thêm đồng nào. Đấy là về mặt tài chính. Vì vậy mà việc xóa nợ là chấp nhận được.

Tuy nhiên, bây giờ đã vào cơ chế thị trường rồi, bản chất cũng đã khác đi nhiều, nên không thể nói xóa nợ là xóa như trước nữa!

Xét góc độ này thì xóa nợ sẽ không chấp nhận được. Xóa nợ là giải pháp đơn giản nhất, dễ làm nhất và không nên làm. Nếu bây giờ vô tư xóa nợ thì sau này sẽ tiếp tục sinh ra nợ và vô tư xóa tiếp.

Tôi ví dụ, DNNN lập dự án, các cơ quan nhà nước thẩm định duyệt dự án. Đến khi thực hiện, bỏ vốn vào đầu tư, xây dựng nhưng kết quả không như dự án đề ra mà lại bị lỗ. Lúc đấy báo cáo là do thị trường thay đổi, giá đầu vào tăng, đầu ra cạnh tranh không được... Cuối cùng là nợ. Vậy thì nợ này là trách nhiệm của ai? Không thể chỉ xóa nợ không mà phải làm rõ trách nhiệm của khoản nợ. Làm rõ để tránh việc các DNNN lập dự án quá nhiều, cứ thu hút vốn về cho mình nhưng sử dụng vốn không hiệu quả.

Chỉ nên xóa nợ trong một số trường hợp. Ví dụ DN phải thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao nên phát sinh nợ, thực hiện trách nhiệm xã hội, mắc nợ do thay đổi về chính sách.

Trong bất cứ trường hợp nào thì khi xóa nợ cũng phải làm rõ nguyên nhân nợ và trách nhiệm của cá nhân liên quan để việc xóa nợ được rõ ràng chứ không phải tùy tiện, dễ dãi.

Ông ĐỖ KIM DŨNG, Viện trưởng Viện Quảng cáo Việt Nam, Giám đốc Công ty Quảng cáo An Tiêm: Nên cho phá sản

Nếu DNNN có nợ thì nên cho phá sản, chết đi chứ đừng xóa nợ mà cho sống tiếp. DN đã không khỏe thì mới nợ, mà không khỏe thì có xóa nợ cũng đâu khỏe hơn lên! Đặc biệt là phải truy cứu trách nhiệm người quản lý, tại sao anh để cho DN sinh nợ ra như vậy?

Chuyện DN sống hay chết, lời hay lỗ là bình thường, chuyện xóa nợ mới là lạ. Nếu nói xóa nợ đi để dễ dàng thực hiện cổ phần hóa thì không nên. Mà nên thu hồi vốn, bán tài sản để trả nợ, xóa sổ DNNN đó.

Đại biểu Đặng Thành Tâm (TP.HCM): Xóa nợ để làm đẹp sổ sách

Xóa nợ cho doanh nghiệp nhà nước, lẽ phải ở đâu? ảnh 6

Quan điểm của tôi là trong điều kiện các DNNN phải cổ phần hóa, nếu Nhà nước không xóa nợ thuế để làm sổ sách kế toán đẹp hơn thì sẽ không ai mua lại cổ phần. Xóa nợ thuế, Nhà nước vẫn thu được tiền bằng cách bán cổ phần. Các nước khác vẫn làm việc này khi cần thiết.

Vấn đề đặt ra là phải công bằng, minh bạch khi xem xét đến quá trình hoạt động của các DNNN. Nếu trong quá trình xem xét mà phát hiện tiêu cực sẽ phải cân nhắc. Nếu DNNN vẫn còn giá trị thì cũng nên xóa nợ để bán cổ phần.

Với cách nhìn của một doanh nhân thì tôi coi việc xóa nợ là bình thường. Nhà nước xóa đi 5 đồng để đổi lấy 10 đồng còn hơn không làm gì để mất luôn 5 đồng. Nhà nước xóa nợ, bán cổ phần để thu tiền sẽ tốt hơn là để DN chết đi. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm