Xuất khẩu 2013: Nỗ lực giảm khó

Mặc dù vẫn tiếp tục tăng trưởng, một số ngành thậm chí còn dẫn đầu thế giới về sản lượng nhưng 2012 lại được coi là năm không phấn khởi của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu với nợ nần, thua lỗ, phá sản vì thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, thị trường thu hẹp, rào cản kỹ thuật nâng cao... Những khó khăn này có thể sẽ kéo sang năm 2013 khiến cho các ngành xuất khẩu chủ lực suy giảm.

Thủy sản: Có vốn may ra mới hồi phục

Hiện tại, VASEP chưa dự đoán được tình hình xuất khẩu thủy sản năm 2013 nhưng dự báo sẽ nhiều khó khăn, đặc biệt là ở thị trường EU. Cả DN và nông dân có xu hướng giảm diện tích nuôi hoặc chỉ thả nuôi cầm chừng. Vấn nạn tôm chết sớm còn kéo dài vì chưa có giải pháp khắc phục dẫn tới nguồn nguyên liệu trong nước sẽ sụt giảm. Các rào cản kỹ thuật như kiểm chất cấm Ethoxyquin tại Nhật Bản chưa được giải quyết. Khó khăn lớn nhất của DN thủy sản và người nuôi vẫn là vốn, dù lãi suất hạ nhưng DN chưa tiếp cận được.

Trong năm 2013, ngành thủy sản phải giải quyết ba vấn đề: Ổn định nguồn nguyên liệu; quy hoạch chung vùng nuôi tôm để bảo đảm nguồn và chất lượng nguyên liệu; nhập khẩu nguyên liệu bảo đảm công suất chế biến trong nước. Muốn làm được như vậy, DN cần vốn vay và việc xét duyệt cho vay nên tập trung vào DN có năng lực, may ra xuất khẩu thủy sản mới hồi phục.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

Hạt điều: Kiểm soát chặt hơn

Từ năm 2013 trở đi, nông sản xuất khẩu, bao gồm hạt điều ngoài vấn đề thị trường còn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu. Đó là Luật sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn thực phẩm (FSMA) của Mỹ, các quy định kiểm soát nhập khẩu và rào cản kỹ thuật của thị trường EU, Úc, Trung Quốc. Bên cạnh đó là nguyên liệu đầu vào, hiện sản xuất trong nước chỉ cung ứng được 50%, còn 50% vẫn phải nhập khẩu.

Xuất khẩu 2013: Nỗ lực giảm khó ảnh 1

Công nhân chế biến điều tại một công ty xuất khẩu điều ở Bình Dương. Ảnh: QUANG HUY

Chính vì thế, các DN phải kiểm soát chặt các khâu từ thu mua, chế biến đến bảo quản sản phẩm, đổi mới công nghệ để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. DN cần tập trung nuôi dưỡng các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Úc; xúc tiến xuất khẩu mạnh qua Trung Đông, Đông Âu, Bắc Á và các quốc gia trong khối ASEAN.

VINACAS đặt mục tiêu từ năm 2013 đến 2015 đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỉ USD, bình quân 1,4-1,5 tỉ USD/năm. Nhân điều được xuất đi hơn 100 thị trường, trong đó Mỹ là thị trường lớn nhất, kế sau là Trung Quốc và EU.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS)

Cà phê: Sản lượng xuất khẩu sẽ giảm 30%-40%

Thống kê theo niên vụ 2011-2012, cả nước xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt kỷ lục 3 tỉ USD, cao hơn 300 triệu USD so với niên vụ 2010-2011 (tăng 11%). Thế nhưng dự báo niên vụ 2012-2013 lại chẳng có gì đáng vui với sản lượng xuất khẩu giảm 30%-40% còn 1-1,2 triện tấn. Nếu ngành cà phê không chung tay tái canh những vùng nguyên liệu già cỗi thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Điều đáng mừng nhất trong năm qua là nông dân đã tự tạm trữ cà phê, chờ giá cao mới bán, giúp cho giá cả trong nước lẫn xuất khẩu ổn định. Nếu tiếp tục tạm trữ trong năm 2013, nông dân sẽ thu được lợi.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam

Rau quả: Tập trung phát triển công nghệ chế biến

Giá trị xuất khẩu rau quả năm 2012 ước đạt 750 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với năm 2011. Dự báo năm 2013, giá trị xuất khẩu tăng khoảng 11%-12%. Khó khăn đối với ngành rau quả là sức mua thị trường chưa hồi phục, giá xuất khẩu không tăng, vùng nguyên liệu bấp bênh vì nông dân “chán” trồng theo tiêu chuẩn GAP.

Thuận lợi trong năm và năm 2013 là nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc mở cửa cho các loại trái cây thanh long, chôm chôm của Việt Nam và sắp tới xoài sẽ sang Úc. Cái khó lớn nhất của DN là công nghệ chế biến, bảo quản chất lượng trái cây xuất khẩu còn yếu nên sản phẩm khó qua ải kiểm tra tiêu chuẩn của nước ngoài, từ đó giảm sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Dệt may: Nhiều tín hiệu lạc quan

Tính đến ngày 15-12-2012, dệt may xuất khẩu chỉ đạt khoảng 14,4 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2011. Thị trường xuất khẩu của ngành năm 2013 có nhiều tín hiệu lạc quan. Thứ nhất, các nhà nhập khẩu đã vơi bớt hàng tồn kho nên bắt đầu nhập trở lại. Thứ hai, dù Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu mạnh về hàng dệt may nhưng người tiêu dùng đang trở nên e dè với hàng nước này, muốn chuyển sang dùng hàng của các quốc gia khác, tạo cơ hội cho hàng Việt Nam. Thứ ba, nhiều nhà đầu tư đang chuyển cơ sở sản xuất từ nước khác về Việt Nam, nhờ đó việc làm và lượng hàng xuất khẩu sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, cũng chưa thể lạc quan nhiều vì giá điện, lương tối thiểu rồi phí đường bộ, phí thuê đất… cũng tăng. Các yếu tố này cộng lại làm tăng tổng chi phí và giảm lợi nhuận của DN.

Dự kiến xuất khẩu dệt may năm 2013 có thể đạt đến 17 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với năm 2012. Năm trước, cũng vào khoảng thời gian này, các DN lo sốt vì chưa có đơn hàng cho 2012 thì hiện nay phần lớn đã có đơn hàng cho quý I-2013, nhiều DN còn có cả đơn hàng hết quý II-2013.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch  Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Giày da: Sẽ thêm nhiều khách hàng Nhật

Tín hiệu vui cho xuất khẩu giày năm 2013 là bắt đầu có thêm nhiều khách hàng Nhật chuyển sang đặt hàng Việt Nam, thay vì đặt hàng Trung Quốc. Không riêng Nhật, cả khách hàng châu Âu, Mỹ cũng có xu hướng này. Nhờ đó, từ quý II-2013 trở đi, thị trường giày sẽ khá hơn.

Tuy nhiên, các đơn hàng của Nhật thường là đơn hàng lớn nên thường chỉ dồn đến các DN lớn. Vì vậy, các DN nhỏ chưa hưởng được nhiều thuận lợi từ sự chuyển biến thị trường nói trên.

Bà Trương Thị Thúy Liên,  Giám đốc Công ty Giày Liên Phát

QUANG HUY -  QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm