Xung quanh quyết định tăng giá đồng nhân dân tệ

Đồng nhân dân tệ lên giá đã tạo ra khả năng đa dạng hóa cơ cấu dự trữ quốc gia, hệ quả là đẩy đồng đô la giảm sâu hơn so với các đồng tiền mới nổi nhưng tăng lên so với euro. Một số ngân hàng trung ương vốn đã mua USD nhằm duy trì việc neo tỉ giá này đã nhanh chóng đa dạng hóa danh mục dự trữ bằng cách bán 1/3 lượng USD thu được để mua những ngoại tệ khác, chủ yếu là euro vì có rất ít lựa chọn khác và nếu đồng nhân dân tệ tăng giá thì tương quan euro/USD sẽ giảm xuống. Điều này được nhiều nhà đầu tư và đầu cơ kỳ vọng, kết cục là giá vàng đã tăng lên so với euro, bảng anh và yên nhật trong những ngày qua (bắt đầu từ ngày 23-11-2009).
Có nhiều áp lực phải đánh giá lại đồng nhân dân tệ, nhất là sự mất giá gần 40% của USD trong 8 năm qua thể hiện sự không tương xứng với những ngoại tệ chủ chốt, trong khi Trung Quốc và nhiều nền kinh tế mới nổi lại neo tỉ giá với USD vốn đang trượt giá để hỗ trợ xuất khẩu. Kể từ đợt điều chỉnh cuối cùng vào tháng 7-2005, đồng nhân dân tệ đã tăng khoảng 20% so với USD, nhưng mức tăng này vẫn thấp, nhất là sau đợt đổ vỡ tín dụng tại Mỹ vào cuối năm 2007 và dẫn đến khủng hoảng toàn cầu.
Tại trong nước, việc duy trì đồng nhân dân tệ yếu tuy có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng lại đã tạo sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả giữa các doanh nghiệp Trung Quốc với nhau, mà hậu quả là nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, nổi bật là máy tính và một số đồ điện dân dụng, đây là những mặt hàng cần đến nguồn nguyên liệu thô, nhất là kim loại và chất dẻo, trong khi nguồn nguyên liệu này ngày càng khan hiếm và đắt đỏ. Sản xuất tăng mạnh, hàng hóa bán được nhiều, thị trường chứng khoán tăng mạnh và có vẻ đang phát triển bong bóng, nhưng nguy hiểm hơn là lợi nhuận giảm mạnh và điều này làm tăng xác suất phá sản doanh nghiệp.
Suy cho cùng, việc duy trì đồng nhân dân tệ yếu quá lâu hoàn toàn không có lợi cho chính nền kinh tế Trung Quốc, và điều này buộc Chính phủ Trung Quốc phải can thiệp để tăng giá bản tệ với mục tiêu chính là giảm bớt rủi ro đối với kinh tế trong nước.
Trái lại, các nền kinh tế mới nổi khác với tỉ giá linh hoạt hơn đã phải vật lộn với sự suy giảm tỉ giá. Từ tháng 3-2009, hầu hết các đồng bản tệ tại những nước này đã lên giá mạnh, ảnh hưởng xấu đến năng lực xuất khẩu. Từ đầu năm nay, đồng real brazil cũng tăng mạnh tới 35% so với USD, buộc chính phủ Brazil phải đánh thuế 2% đối với thu nhập và cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài. Không ngạc nhiên gì, Brazil là một trong số các nước G20 đã lên tiếng mạnh mẽ về nhu cầu tăng giá đồng nhân dân tệ nhằm lập lại sự cân bằng kinh tế toàn cầu và qua đó phục hồi USD vốn đang suy yếu.
Tuy nhiên, việc tăng giá đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục làm tăng thêm việc tập trung euro so với USD đồng thời với việc tăng cường dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi, dẫn đến tăng giá những đồng tiền này hơn là giảm giá, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nâng cao vị thế của họ nhờ các đồng tiền mới nổi bởi lẽ việc điều chỉnh đồng nhân dân tệ chỉ là sự bắt đầu của một quá trình điều chỉnh thị trường ngoại hối dài hơi.
Do đồng nhân dân tệ được định giá thấp 20%-30% so với USD, việc tăng giá đồng nhân dân tệ thêm 3,4% chẳng có nghĩa lý gì so với mức tăng giá đồng tiền này trong 12 tháng qua. Do đồng nhân dân tệ chỉ tăng nhẹ, các nền kinh tế mới nổi, nhất là những đối thủ cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc tại châu Á, phải tiếp tục đối mặt với áp lực tăng giá bản tệ. Trước đó, các ngân hàng trung ương từ Liên bang Nga đến Hàn Quốc, Brazil đã hành động để kiềm chế làn sóng đầu cơ đang đe dọa tốc độ phục hồi kinh tế trong nước. Trong tháng 10,-2009 Ngân hàng trung ương Nga đã chi 15 tỉ USD và từ đầu tháng 11-2009 đến nay đã mua trên 5 tỉ USD để kiềm chế tốc độ tăng giá đồng rúp, đồng thời đang tính đến khả năng mua đô la Canada và những đồng tiền khác trong giỏ ngoại tệ mạnh. Trong tháng 10, Ngân hàng trung ương Brazil đã mua 6,7 tỉ USD, gấp đôi so với tháng trước. Đầu tuần này, Ngân hàng trung ương Ấn Độ tỏ ý muốn mua thêm nhiều vàng sau khi đã mua 200 tấn vàng từ IMF...
Đồng euro cũng phải gánh chịu những nỗ lực kiềm chế tăng giá bản tệ của Trung Quốc và những nước khác, những đồng tiền này đã tăng giá khoảng 20% so với USD trong 12 tháng qua, và rất ít sự can thiệp ngoại hối có thể hỗ trợ các nhà xuất khẩu châu Âu, thậm chí gây ra sự đảo chiều. Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ tăng giá, nếu USD phục hồi thì tương quan euro/USD sẽ giảm, nhưng sự phục hồi USD không tác động đến những đồng tiền mới nổi. Trên thực tế, quyết định của Fed về việc tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế sẽ tiếp sức cho hoạt động thương mại. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ vay đô la để mua những tài sản sinh lời cao hơn, nhất là tại các thị trường mới nổi, do các nhà đầu tư và phân tích kinh tế lạc quan hơn về triển vọng tại các thị trường mới nổi.
Tóm lại, xu hướng lên giá đồng nhân dân tệ mới đây sẽ làm giảm luồng vốn từ Trung Quốc và nhiều nước châu Á vào euro và những đồng tiền thả nổi khác, nhưng không giảm nhẹ áp lực tăng giá bản tệ tại các thị trường mới nổi.
Theo TS HOÀNG THẾ THỎA (Website Ngân hàng nhà nước VN)


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm