Xung quanh vấn đề tái cơ cấu nợ Dubai

Ngay từ đầu tuần (7-12), thị trường chứng khoán Dubai trượt dốc và thị trường nợ tiếp tục vấp phải tình trạng bất ổn, cổ phần của một số ngân hàng cho vay đã sụt giá, trong số này có Royal Bank of Scotland, HSBC và Standard Chartered.

Ngày 7-12 (thứ hai), các chủ nợ hàng đầu đã gặp Dubai World để bàn luận về khoản nợ 3,5 tỉ $ chứng khoán sukuk (chứng khoán có bảo đảm bằng tài sản) do công ty con Nakheel của Dubai World phát hành. Theo kế hoạch, chứng khoán này phải thanh toán vào 14-12, nhưng sẽ phải lâu hơn, các chủ nợ cũng vấp phải đề nghị hoãn thanh toán khoản nợ 26 tỉ $ sau 6 tháng. Cùng với các chủ nợ, các công ty xếp hạng quốc tế hàng đầu đang tìm kiếm sự rõ ràng hơn của các kế hoạch tái cơ cấu Dubai World.

Dubai đã vay quá nhiều để chuyển hóa vùng nước đọng thành trung tâm thương mại tại tâm điểm xuất khẩu dầu mỏ thế giới này, nhưng thời kỳ phát đạt khi khai trương các dự án như tòa nhà cao nhất thế giới đã kết thúc từ năm ngoái, khi khủng hoảng tài chính tác động đến khu vực này.

Chỉ riêng 6 tháng qua, Nakheel đã thua lỗ 3,65 tỉ USD. Nhiều nhà đầu tư đã cho Dubai vay tiền với sự hiểu ngầm định là được chính phủ bảo đảm, vì thế thông tin Dubai World gặp khó khăn đã làm cho họ thêm choáng váng khi chưa hoàn hồn sau những thiệt hại lớn lao từ khủng hoảng toàn cầu.

Ngày 08/12, các quan chức Chính phủ đã đề xuất giải pháp toàn diện về tái cơ cấu nợ với thời gian kéo dài hơn 6 tháng. Tuy nhiên, thời gian 6 tháng để tái cơ cấu là quá ngắn, thời gian 6 tháng này chỉ đủ để phân loại nợ, tập trung vào các chủ nợ, các bên tham gia hợp đồng, và v.v.

Hơn nữa, có vẻ các quan chức chính phủ đang lúng túng và không biết làm gì để khắc phục nợ nần chồng chất của nghiệp đoàn nhà nước Dubai World. Morgan Stanley cho rằng, nguồn vốn để tái cơ cấu nợ Dubai có thể vượt quá mức nợ quá hạn mà Dubai World thông báo mới đây, nó sẽ tăng lên khoảng 47 tỉ USD.

Ngày 14/12, trong khi Chính phủ Dubai đang lúng túng, nước láng giềng Abu Dhabi đã hỗ trợ Dubai 10 tỉ USD nhằm làm yên lòng các nhà đầu tư trong ngắn hạn và là bước chiến thuật để có thể tiếp tục việc tái cơ cấu nợ một cách có trật tự. Tuy nhiên, phương thức thanh toán khoản nợ 35 tỉ USD còn mập mờ và chưa rõ ràng, vấn đề Dubai không chỉ dừng lại với Dubai World và sự thiếu minh bạch đã làm tăng lo ngại của nhà đầu tư.

Tháng 2-2010, Borse Dubai phải thanh toán khoản nợ 2,5 tỉ USD, trong khi Chính phủ Dubai sở hữu công ty này. Trong sáu tháng đầu năm 2010, Dubai Holdings phải hoàn trả khoản nợ gần 1,9 tỉ USD. Một nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản cho biết là, Chính phủ Dubai và các doanh nghiệp trực thuộc nợ các công ty Nhật Bản gần 7,5 tỉ USD và khoản nợ này đã đáo hạn vào 31/10 vừa qua...

Trong khi các nhà đầu tư lo ngại là các khoản cứu trợ không thể khắc phục được khó khăn một cách kịp thời, các công ty xếp hạng đã đánh tụt hạng của tất cả các doanh nghiệp có liên quan đến Chính phủ. Công ty xếp hạng Moody đã hạ thấp hạng của các khoản nợ liên quan đến Chính phủ và giảm điểm của 6 công ty Dubai sau khi kết luận là không có sự hỗ trợ đáng giá nào của Chính phủ cho những doanh nghiệp hàng đầu như Dubai World.

Moody cho rằng các nhà đầu tư nên lưu ý về sự khẳng định của Chính phủ là họ không cứu vớt các doanh nghiệp và cần nghe ngóng về việc triển khai các biện pháp tái cơ cấu Dubai World. Công ty xếp hạng Standard & Poor’s cho rằng, chưa có chuyển biến tích cực nào về hướng giải quyết của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có liên quan đến Chính phủ.

Dubai World là doanh nghiệp nhà nước và là công ty hàng đầu của Dubai, xây dựng mọi thứ từ bến cảng đến căn hộ xa xỉ và đóng góp nhiều cho Dubai, nhưng quan chức Chính phủ lại nói là họ sẽ không bán tài sản của Chính phủ để cứu giúp, nên nợ công ty có thể phải phát mại với giá chỉ bằng ½ giá trị danh nghĩa.

Sau khi có khoản hỗ trợ 10 tỉ USD từ Abu Dhabi, thị trường có phản ứng tích cực, chỉ số chứng khoán chính của Dubai đã tăng tới 10%, giá euro và bảng Anh nhích lên so với USD, giá vàng tăng một chút do chưa kỳ vọng về khả năng Dubai sẽ sớm bán vàng để cứu Dubai World.

Tuy nhiên, nguồn tin của Chính phủ Dubai cho rằng, khoản hỗ trợ này rất nhỏ so với yêu cầu thanh toán các khoản nợ có liên quan đến chính phủ và rất khó cải thiện tình hình tài chính của Dubai, mặc dù Ngân hàng Trung ương UAE nói là sẽ hỗ trợ các ngân hàng Dubai và Dubai World nói là sẽ tiếp tục thảo luận với các chủ nợ.

Theo tính toán, kế hoạch tái cấp vốn là khó khăn đối với Chính phủ Dubai và chủ yếu trông cậy vào UAE, trong đó Abu Dhabi nắm quyền chi phối với 90% kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của toàn UAE và nguồn tài chính dồi dào, nhưng Abu Dhabi cũng phải thương thuyết với Chính phủ Iran vì Iran gắn liền với tương lai của hãng hàng không UAE và đang điều hành thế giới hồi giáo trong khu vực. Một số chuyên gia cho rằng, UAE đang lâm nguy và Abu Dhabi không có lựa chọn khác là phải cứu Dubai, nhưng việc này đòi hỏi phải có thời gian.

Trước áp lực tái cơ cấu nợ, Chính phủ Dubai có thể phải áp dụng luật phá sản của Mỹ và Vương quốc Anh nhằm tìm kiếm sự bảo vệ của các chủ nợ. Tuy nhiên, một điều gần như chắc chắn là Dubai phải bán tài sản để thanh toán các khoản nợ sắp tới, và Chính phủ đang tính đến phương án giữ lại những tài sản có giá trị khỏi danh sách tái cơ cấu nợ của Dubai World và của các công ty có liên quan đến Chính phủ, mặc dù họ nhắc lại là chỉ bán tài sản của công ty con Nakheel và Limitless World, chứ không bán tài sản của Istithmar World hay DP World.

Nhìn chung, các nhà đầu tư đang tập trung mối quan tâm vào các bước cụ thể về tái cơ cấu nợ của Dubai, đây là việc làm khó khăn và đòi hỏi nhiều biện pháp khác nhau, chủ yếu dựa vào Abu Dhabi, nhưng Dubai không thể khắc phục được nếu không bán một phần tài sản.

Theo TS HOÀNG THẾ THỎA (website Ngân hàng Nhà nước VN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm