Kỳ 7: Chọn giải hơi khó!

Số thư dự thi kỳ này chỉ còn gần 500. Cao điểm bầu cử đã qua và có lẽ đề hơi khó!

Điều đáng mừng là qua địa chỉ thư dự thi, chúng tôi thấy nhiều nhóm bạn đọc ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Nam, Bình Dương, Cần Giờ, Cần Thơ, Bình Thuận… tranh đua sôi nổi và điều đáng mừng là các nhóm này lý giải luật rất sâu, dẫn từ Hiến pháp đến Luật Tổ chức Quốc hội, chứng tỏ các bạn tìm hiểu rất kỹ đề thi và các luật liên quan.

Dù số bạn đọc tham gia có giảm nhưng chúng tôi rất tiếc có đến gần 15% thư trả lời sai câu 1. Nhiều bạn nhầm lẫn khi cho là HĐND cấp tỉnh, cấp huyện không có quyền bầu chức danh chủ tịch UBND (đáp án a); rồi cả chức danh hội thẩm nhân dân (đáp án c); có bạn chọn luôn… một lèo đáp án a, b, c.

Ở câu 2, dù ban tổ chức đã nhiều lần “mách nước” nhưng có nhiều bạn vẫn quên không nêu điều luật, dù nội dung trả lời, phân tích rất tốt. Trong số này có các bạn Nguyễn Đức Huy ở Bình Thuận; bạn Trang, Sang, Linh, Đoan, Hưng… ở Bình Dương; bạn Tú, Chiến (quận 8), bạn Trung, Tín (Thủ Đức) và hàng chục bạn khác ở Bình Chánh, Củ Chi, Bình Thạnh rơi vào trường hợp này.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) trong một lần chất vấn thành viên Chính phủ tại  nghị trường. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng ở phần phân tích, chúng tôi thấy có quá nhiều bạn có câu trả lời giống nhau kiểu “làm bài tập thể”; nhiều bạn chỉ chép điều luật mà không phân tích. Ban tổ chức phải ngồi lại bàn thảo để chốt danh sách những bạn đạt điểm 10 theo thang điểm của đề thi. Rốt cuộc có hơn 200 thư được chọn để đối chiếu với “con số vàng” 420 đầy may rủi.

Vui là những bạn đạt giải kỳ này có số dự đoán cách xa đến… hàng trăm đơn vị! Ban tổ chức xin chúc mừng các bạn đã rinh giải kỳ này!

Trò chơi trí tuệ nhưng đầy may rủi; không dễ nhưng khó... nhằn và chỉ còn ba ngày nữa là kết thúc tám kỳ thi, sau đó các bạn có muốn tham gia cũng không còn cơ hội, sao bạn không nhanh tay gửi thư dự thi “hốt cú chót”!

Đáp án, thang điểm kỳ 7

Câu 1: HĐND cấp tỉnh, cấp huyện không có quyền bầu chức danh:

a. Chủ tịch HĐND.

b. Chủ tịch UBND.

c. Hội thẩm nhân dân.

d. Chánh án TAND.

Bài chọn d được 5 điểm, vào vòng trong.

Câu 2: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quyền chất vấn đối với các chức danh nào? Người bị chất vấn có quyền từ chối trả lời? Trường hợp ĐBQH chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì sao? (Dẫn điều luật và phân tích không quá 200 chữ)

Bài nêu được các ý:

• ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước. (1 điểm)

• Người bị chất vấn không có quyền từ chối trả lời, bắt buộc phải trả lời. (1 điểm)

• Trường hợp ĐBQH chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại tại phiên họp của QH, của Ủy ban Thường vụ QH hoặc gửi chất vấn bằng văn bản đến người bị chất vấn. (1 điểm)

• Bài dẫn Điều 32 Luật Tổ chức
Quốc hội. (
1 điểm)

• Bài có phân tích sát, đúng. (1 điểm)

Xin chúc mừng các bạn đạt giải kỳ 7

Giải nhất:

• Đoàn Xuân Hòa

73/8 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú,
quận 9, TP.HCM.

Số dự đoán: 575/420.

Giải nhì:

• Trịnh Thị Lài

Trường Mầm non tư thục Ngọc Trạo, phường Ngọc Trạo, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Số dự đoán: 637/420.

Hai giải ba gồm:

• Đào Danh Sửu, khu tập thể UBND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Số dự đoán: 728/420.

• Lâm Quốc, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia) - địa chỉ 161B/36 Lạc Long Quân, phường 3, quận 11. TP.HCM. Số dự đoán: 812/420.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm