Kỳ án ‘sát hại mẹ già chỉ vì 1,5 chỉ vàng’ vẫn chưa có hồi kết

(PLO)- Bị cáo từng ba lần bị tuyên án tử hình với cáo buộc sát hại mẹ ruột, nhưng tại các phiên tòa đều liên tục kêu oan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-8, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Vi Văn Phượng (54 tuổi, trú tại Bắc Giang) về tội giết người. Trước đó, ông Phượng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên án tử hình.

Đây là vụ án gây xôn xao dư luận khi đã xảy ra cách đây 10 năm nhưng tới nay cơ quan tố tụng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Hơn thế, nạn nhân lại là cụ Nguyễn Thị Vui (SN 1926) - mẹ đẻ của ông Phượng. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo nhiều lần kêu oan.

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa ngày 16-8. Ảnh: UYÊN TRANG

Bị cáo Vi Văn Phượng tại tòa ngày 16-8. Ảnh: UYÊN TRANG

Đề nghị triệu tập điều tra viên, chủ tọa sơ thẩm

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX triệu tập một phạm nhân có thời gian giam giữ cùng bị cáo Phượng để đối chất tại phiên tòa và 19 người làm chứng. Tuy nhiên, ba trong số 19 nhân chứng vắng mặt, đều là người dân sinh sống cùng làng với bị cáo và mẹ.

Trình bày quan điểm về sự vắng mặt của các nhân chứng, luật sư bào chữa cho bị cáo nói vụ án đã kéo dài nhiều năm, trải qua rất nhiều phiên xét xử, đến nay ông Phượng đã trải qua 10 năm trong trại giam. Các nhân chứng vắng mặt đã có lời khai, do đó, luật sư kiến nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa.

Trong trường hợp dù tiếp tục xét xử hay hoãn, luật sư đề nghị HĐXX triệu tập giám định viên tư pháp Bộ Công an, vì liên quan đến nhiều kết quả giám định về tồn dư thức ăn trong dạ dày nạn nhân. Đây là yếu tố có tính quyết định trong việc xác định thời gian chết của nạn nhân, đồng thời làm căn cứ gỡ tội cho bị cáo.

“Con dao quắm, hung khí của vụ án cũng cần thiết được trích xuất, để làm rõ cơ chế hình thành vết thương sau gáy nạn nhân, do vết thương này không phù hợp với toàn bộ cơ chế gây án mà ông Phượng đang bị cáo buộc”, luật sư trình bày.

Một luật sư khác của ông Phượng thì đề nghị HĐXX triệu tập ba điều tra viên trong giai đoạn một của vụ án (trước khi có quyết định giám đốc thẩm) và một điều tra viên của giai đoạn 2; triệu tập kiểm sát viên và chủ tọa của phiên xét xử sơ thẩm lần 2, với lý do những kiến nghị của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không được cấp sơ thẩm thực hiện, hoặc thực hiện chưa đầy đủ.

Về phía mình, bị cáo Vi Văn Phượng nhất trí hoãn xét xử.

Đại diện VKS Cấp cao tại Hà Nội nhận định vụ án phức tạp, kéo dài, bị cáo hiện kêu oan. Với những sự vắng mặt nêu trên thì “chưa đủ điều kiện để tiếp tục phiên tòa”. Do đó, kiểm sát viên đề nghị hoãn xét xử. Khi phiên tòa mở lại, HĐXX cần áp dụng mọi biện pháp để để triệu tập mọi cá nhân liên quan, gồm các điều tra viên, kiểm sát viên và giám định viên như đề nghị của luật sư.

Sau thời gian hội ý, chủ tọa thông báo hoãn xét xử, sẽ cân nhắc các kiến nghị của luật sư và đại diện VKS về việc triệu tập các cá nhân liên quan. Thời gian mở lại phiên tòa chưa được công bố.

Sát hại mẹ chỉ vì 1,5 chỉ vàng?

Theo cáo buộc, cụ Vui bị mù lòa, sống chung với vợ chồng ông Phượng, được cả hai chăm sóc, nuôi dưỡng từ năm 2003.

Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, năm 2009, ông Phượng có vay mượn họ hàng, trong đó có vay cụ Vui đôi bông tai 1,5 chỉ vàng để lo cho con trai và vợ đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, con trai ông Phượng về nước trước thời hạn nên vợ chồng ông chưa thể trả số vàng trên cho mẹ mình.

Bức xúc chuyện cụ Vui nhiều lần đòi, thúc giục trả vàng, bị cáo nảy sinh ý định giết bà để trút gánh nặng gia đình.

Ngày 2-10-2012, ông Phượng ra tiệm vàng mua một đôi bông tai 1,5 chỉ rồi đưa con trai trả nợ cho cụ Vui. Hai ngày sau, trong lúc chỉ có hai mẹ con, cụ Vui hỏi: “Mày trả tao vàng giả à?”. Nghe vậy, bị cáo càng thêm bực tức nên quyết tâm thực hiện ý định giết mẹ.

Khoảng 11 giờ 15 ngày 5-10-2012, ông Phượng đi làm công cho người quen trở về. Thấy cụ Vui nằm ngủ trên giường, bị cáo đi thẳng vào góc buồng lấy con dao quắm tra cán gỗ, chém nạn nhân tử vong…

Tháng 4-2013, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử ông Phượng về tội giết người. Tại tòa, bị cáo phản cung và cho rằng do bị điều tra viên ép cung, dọa bắt hết con cái vào tù nên phải nhận tội. Tuy nhiên, tòa khẳng định lời khai của bị cáo không có căn cứ nên tuyên tử hình.

Tháng 8-2013, TAND Tối cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Ông Phượng tiếp tục kêu oan, tố bị ép cung và dọa bắt các con nên mới nhận tội. Dù vậy, tòa phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm.

Sau đó, vụ án nằm trong danh sách các vụ án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát về tình hình án oan, sai trong tố tụng hình sự. Viện trưởng VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Tháng 11-2016, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (gồm 14 thành viên do Chánh án Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chủ tọa) họp phiên giám đốc thẩm, hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại.

Tháng 8-2019, TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa sơ thẩm lần hai, tiếp tục tuyên phạt Vi Văn Phượng mức án tử hình về tội giết người.

Tại tòa, bị cáo nhiều lần kêu oan. Ông Phượng khẳng định mình không bao giờ giết mẹ, khai bị điều tra viên bức cung. Tham gia bào chữa, các luật sư đưa ra nhiều bằng chứng để cho rằng bị cáo không có mặt ở hiện trường tại thời điểm mẹ mình bị sát hại. Tuy nhiên, các quan điểm này đã bị tòa bác bỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm