Kỳ họp lịch sử và kỳ vọng của nhân dân

Hôm nay (21-10), kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIII sẽ chính thức khai mạc. Trong kỳ họp kéo dài nhất nhiệm kỳ này (40 ngày), QH sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) năm 1992, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi; các vấn đề về kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)… Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi, ghi nhận những ý kiến tâm huyết của các đại biểu (ĐB) trước kỳ họp này.

Trách nhiệm nặng nề

Kỳ họp lịch sử và kỳ vọng của nhân dân ảnh 1
Kỳ họp QH này sẽ đề cập đến nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước như thảo luận và xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi HP năm 1992 và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Như chúng ta đã thấy, việc sửa đổi HP đã trải qua chặng đường dài. Điều này thể hiện sự thận trọng của QH đối với những vấn đề lớn. HP trên nguyên tắc là đạo luật cơ bản sẽ chi phối sự phát triển của đất nước ít nhất trong vòng 20-30 năm tới. Do đó, nếu để HP có độ chênh so với thực tiễn của cuộc sống, hay những vấn đề của HP mà không đi vào được đời sống thì chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Nhất là trong thực tiễn cuộc sống đang rất sống động, nảy sinh nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh liên quan đến từng con người. Vì thế, việc sửa HP không thể theo một ý định chủ quan được.

Tôi cũng được tham gia vào bộ phận biên tập Dự thảo sửa đổi HP và thấy rằng chúng ta đầu tư không nhỏ, lấy ý kiến của người dân một cách rộng rãi. Nhưng đến giờ này, tôi thấy vẫn còn nhiều vấn đề ngổn ngang lắm. Tuy nhiên, chúng ta không thể kéo dài hơn được, dù tôi rất chia sẻ với nhiều ý kiến cần kéo dài thêm thời gian vì tầm quan trọng của HP. Nhưng nếu chúng ta không thống nhất các nguyên tắc cơ bản thì có kéo dài nữa cũng không giải quyết được gì. Do đó, vấn đề bây giờ là mỗi ĐBQH cần phát huy hơn nữa vai trò của mình khi đưa ra quyết định.

Kỳ họp lịch sử và kỳ vọng của nhân dân ảnh 2

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là một trong những vấn đề hệ trọng được thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp. Ảnh: HTD

Tương tự như vậy, đối với Luật Đất đai sửa đổi, chúng ta cũng đã phải kéo dài thời gian thông qua so với dự kiến và lần này chắc là sẽ thông qua. Nhưng vấn đề quan trọng nhất nội dung thông qua sẽ là gì. Điều này, đòi hỏi mỗi ĐB cần phát huy vai trò của mình để đưa ra quyết định đúng đắn, sao cho các nội dung đó phải đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Chứ nếu sửa luật rồi mà vẫn tác động tiêu cực đến xã hội thì trách nhiệm của QH rất nặng nề. Bởi cách đây hơn 10 năm, QH cũng đã sửa đổi Luật Đất đai và bằng góc nhìn của người làm lịch sử, tôi cũng đã cảm nhận nhiều bất ổn, nhất là những quy định liên quan quyền sử dụng và quyền định đoạt. Bởi trong lĩnh vực này, người ta thường nhân danh lợi ích xã hội, lợi ích phát triển, bên cạnh tạo ra lợi ích xã hội lớn thì nó cũng đã gây ra nhiều bất công lớn. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên lý đó, vẫn tiếp tục để những khái niệm không rõ ràng đó, rồi chế tài, giám sát không tốt thì rồi cũng sẽ y như cũ. Do đó, tôi cho rằng vai trò của QH trong kỳ họp này là vô cùng quan trọng.

Đại biểu Quốc hội  DƯƠNG TRUNG QUỐC

Tìm câu trả lời chứ không bỏ lửng

Kỳ họp lịch sử và kỳ vọng của nhân dân ảnh 3
Trong kỳ họp này, tôi nghĩ QH, các ĐBQH trên cương vị của mình cần thảo luận kỹ để tìm ra câu trả lời “có hiện tượng tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng (PCTN) hay không”. Bởi đây là vấn đề nhân dân và cử tri đang rất quan tâm. Hơn nữa, thời gian qua chúng ta đã có quyết tâm chính trị rất cao qua việc Đảng ra nghị quyết, QH sửa luật, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư đứng đầu, lập Ban Nội chính… vậy mà sao vẫn không ngăn chặn và đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng.

Trong chất vấn của tôi với Tổng Thanh tra Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH mới đây cũng đã đặt vấn đề, tại sao có 64.000 vụ thanh tra của các cấp nhưng chỉ chuyển cho cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% tổng số vụ được thanh tra. Vậy phải chăng là có hành chính hóa các vụ tham nhũng hay không? Hay là đã có ai đó “bẻ ghi, nắn dòng” chuyển hướng kết luận thanh tra. Thanh tra thì rất rầm rộ nhưng kết luận lại nhẹ nhàng, chủ yếu xử lý hành chính và xử lý nội bộ.

Do đó tại kỳ họp này, tôi hy vọng trong báo cáo của Chính phủ về PCTN và trong báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội phải đưa ra được hệ thống giải pháp tốt hơn. Đặc biệt phải trả lời được câu hỏi mà lãnh đạo QH, cử tri, nhân dân đang rất quan tâm là: “Có tham nhũng trong lực lượng PCTN không?”. Nếu câu trả lời là có thì phải có giải pháp làm trong sạch đội ngũ bảo vệ pháp luật và PCTN. Còn nếu câu trả lời là không thì tại sao PCTN vẫn không hiệu quả. Phải chăng là do công tác thực thi pháp luật còn kém, xử lý tham nhũng chưa nghiêm, còn nể nang, bao che nhau; hay chưa xác định được rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nên tham nhũng vẫn hoành hành tại các cơ quan, đơn vị...

Vì thế trong kỳ họp này, tôi nghĩ QH, các ĐBQH cần thảo luận kỹ và tìm ra được câu trả lời chứ không nên đặt ra rồi mà vẫn cứ để treo lửng lơ. Hơn nữa, đây lại là vấn đề mà cử tri, nhân dân rất quan tâm cần phải có câu trả lời.

Ông LÊ NHƯ TIẾN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,
Thiếu niên và Nhi đồng của QH

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm