Kỳ lạ hồ nước 50.000 năm bỗng chuyển từ màu xanh sang hồng

Nhiều người dân Ấn Độ bắt đầu hoang mang khi hồ Lonar ở bang Maharashtra bỗng dưng chuyển thành màu hồng trong những ngày gần đây, theo đài CNN.

Hồ Lonar, còn được gọi là miệng núi lửa Lonar. Miệng hồ rộng 1,2 km, được hình thành sau một vụ va chạm thiên thạch xảy ra cách đây 50.000 năm. Sĩ quan người Anh JE Alexander đã phát hiện ra nó vào năm 1823.

Hồ Lonar hiện tại (ảnh trên) và trước khi chưa chuyển màu. Ảnh: TWITTER/DECCANHERALD

Nơi đây được biết là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Ấn Độ, thu hút nhiều khách du lịch và các nhà khoa học đến nghiên cứu. Tuy nhiên, trong khoảng ngày 10 đến 11-6, nước hồ Lonar bất ngờ chuyển từ màu xanh sang hồng.

Điều này không chỉ khiến người dân địa phương ngạc nhiên mà cả những người đam mê thiên nhiên và các nhà khoa học cũng vậy.

Các chuyên gia cho rằng hiện tượng này có thể là do độ mặn của nước hồ thay đổi hoặc tảo biển hình thành trong hồ hay do sự kết hợp của cả hai yếu tố trên.

Nhà địa chất học Gajanan Kharat cho biết hiện tượng này từng xảy ra trước đây nhưng không rõ rệt như lần này.

"Năm nay nước hồ đỏ hơn nhiều. Có lẽ do lượng nước trong hồ cạn đi dẫn đến độ mặn nước hồ tăng thêm" - ông Kharat phát biểu trong một video được đăng trên tài khoản Twitter của cơ quan du lịch Maharashtra.

Ông Kharat cho biết các nhà nghiên cứu cũng đang thu thập mẫu nước để xác định xem có phải tảo đỏ là nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi màu sắc kể trên hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm