Kỳ ngộ thơ - nhạc

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn gây chú ý với người trong giới khi chuẩn bị trình làng album mới của mình, Ôi một người con gái (Phương Nam Phim phát hành) mà lời ca lấy cảm hứng sáng tác từ thơ, ý thơ và cảm thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng. 12 ca khúc trong album này được Trần Quế Sơn viết một mạch chỉ trong vòng… nửa tháng: Chào nguyên xuân, Thôn nữ, Ôi một người con gái, Thưa các em miền Nam, Người yêu của tôi, Một buổi trưa, Nghìn buổi chiều, Bữa hôm nay, Gót son lấp vùi, Ngàn xanh xuân hờn tủi, Nguyễn Huệ, Ly tao.

Tâm hồn đồng điệu

Nếu tính các ca khúc lấy cảm hứng từ thơ của thi sĩ họ Bùi, Trần Quế Sơn có khoảng 20 tác phẩm.

Kỳ ngộ thơ - nhạc ảnh 1

Nhiều người nói đồng hương có thể đưa đến những phong cách gần gũi nhau trong nghệ thuật dù đó không phải là điều tiên quyết. Trường hợp thơ Bùi Giáng được nhạc sĩ đồng hương Trần Quế Sơn phổ nhạc cũng có thể nói là có sự đồng điệu nào đó đã diễn ra.

Thơ Bùi Giáng có nét uyên bác, tài hoa của một người sống với nhiều biến cố tâm linh. Tuy nhiên, cũng có thể nói thơ ông lại có một cái gì đó rất hồn nhiên, thơ trẻ, đùa nghịch, phá phách… Tưởng chừng như những điều nghịch lý rất khó dung nhau lại cứ tồn tại một cách dị thường trong thơ Bùi Giáng.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn tâm sự: “Nhiều người bảo Bùi Giáng điên và xem ông như một thi sĩ dị thường. Thực ra, ông sống rất tỉnh và yêu người, yêu trần gian bằng hết cả da xương, bằng suốt cả linh hồn. Bất cứ hình ảnh nào trên cõi đời này được Bùi Giáng vẽ lên thành nàng thơ đều trở nên thơ mộng, thánh thiện và thân thương đến lạ. Trong câu mở đầu ca khúc Người yêu của tôi, tôi lấy cảm hứng từ ý thơ Bùi Giáng: “Người yêu mù của tôi, người yêu câm của tôi, một đời chàng không nói, một đời chàng khô môi…”. Yêu là mù, là câm, là điếc, là dâng hết cho người mình yêu, cho vạn vật. Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức… tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em. Mỗi câu thơ của ông đều khiến tôi suy ngẫm và yêu hơn những gì nhỏ nhoi, thấp hèn nhất: “Anh vẫn tưởng đầu đường thương xó chợ, có ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”. Ai đã sống, đã yêu đến tận cùng như Bùi Giáng thì những lời trên của ông ắt hẳn là tiếng thở se sắt trong trái tim mình”.

Sự giao cảm đầy phiêu du

Khi phổ thơ Bùi Giáng, dường như Trần Quế Sơn đã nắm được cái hồn dị thường đó nên nhạc của anh vừa đẹp về giai điệu vừa biến hóa như thể tung hứng các nốt nhạc trong một trò chơi nửa phần trang trọng nửa phần đùa giỡn; lúc thì “rumba – buồn xa vắng”, “bossanova - tha thiết, mênh mông”; lúc thì âm hưởng dân ca (Trung Bộ, Nam Bộ); lúc thì “rumba flamenco - gần gũi, sâu sắc”, “swing - mới mẻ, thơ mộng nhưng cũng buồn tha thiết”… Chính điều này đã làm nên cuộc tương hợp lý thú, sự giao cảm đầy phiêu du của nhạc và thơ, của mộng và thực.

Nói về thời gian theo cách đong đếm một với ngàn của Trần Quế Sơn có cái gì thiên lệch khi anh viết ba ca khúc chỉ ba thời điểm khác nhau của ngày: Một buổi trưa, Nghìn buổi chiều, Nghìn bữa khuya: “Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc, lùa chân mây về phủ dưới chân trời, bàn chân bước một lần nghe gót ngọc, giẫm trang đời lá rụng úa thu phai”. Khi anh viết về buổi chiều thì dường như mỗi buổi chiều đều mênh mông buồn như ngàn buổi chiều đã qua, đã xưa: “Em ngó buổi chiều, chiều buồn có phải, buồn cũng như buồn những buổi chiều xưa, tròng con mắt đã mỏi mòn có phải, sắc của trời hương của đất lưa thưa”…

Thi sĩ - họa sĩ Nguyễn Thiên Chương, một người anh, người bạn của Trần Quế Sơn, cảm nhận: “Muốn nói tới buổi chiều, phải chăng chỉ còn cách vẽ ra một buổi chiều bằng màu sắc khác, một thể điệu khác? Muốn vẽ ra một buổi chiều, phải chăng chỉ còn cách nói tới một “vầng hiu hắt nguyệt” trong một tối khuya hoang? Vì “biết thế nào mà nói lạ hay quen” mà nói sớm mai chiều hôm, mà nói ngày mai ngày mốt, bữa tê, bữa nọ. Biết đâu một buổi trưa nào đó sẽ vĩnh viễn không đi tới một buổi chiều?”.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn tâm sự: “Thái độ nghệ sĩ của mình, cảm xúc của mình, cách hành văn của mình gần với cách hành văn của thi sĩ họ Bùi là điều quan trọng để phổ thơ thành nhạc. Còn nếu bê nguyên văn thơ người khác vào ca khúc thì ca khúc ấy khó mà có sáng tạo được về âm nhạc, đó gọi là hát thơ chứ không phải phổ thơ. Đối với thơ Bùi Giáng, không thể làm như vậy được, thơ rất ngắn, hoặc rất dài, rất cô đọng, cái nỗi sầu rất thượng đẳng, đôi khi nghịch ngợm đáng yêu vô cùng, bắt buộc khi phổ nhạc bạn phải viết tiếp bằng phong cách “ông Bùi”, mà viết tiếp dòng chảy ngôn ngữ của “ông Bùi” thì mạo hiểm, dễ bị người nghe phản đối lắm”.

“Bài hát Thưa các em miền Nam tôi viết để tặng ông Bùi Giáng, trong đó sử dụng một số từ và cốt cách của “ông Bùi” nên hát lên, nhiều người cứ tưởng là lời thơ của ông. Có một bài ông viết: “Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ, Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay, tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng, gọi người sương phụ gái thơ ngây”. Tôi dùng các từ của ông như bao dong, sầu lên đứt phựt dây đờn, hay dư hương dư hưởng dư hường… nên nghe là cảm nhận được “ông Bùi” đang hiện ra trong ca khúc đó liền” - Trần Quế Sơn tiết lộ.

“Tôi chỉ là học trò bé con của Bùi Giáng”

Trần Quế Sơn cho biết: “Về mặt tâm linh, đừng như Bùi Giáng đang “độ” cho tôi và hiện tại tôi đang rất cao hứng. Những câu tôi viết thêm lời cũng tuôn ra rất nhanh”.

Sáng tác gần 20 bài hát từ cảm hứng thơ Bùi Giáng và có những bài rất khó phân biệt đâu lời của thi sĩ họ Bùi, đâu là lời của Trần Quế Sơn nhưng khi nói về mình, anh tự cho rằng: “Tôi chỉ là học trò bé con của ông”. phong cách nổi bật nhất của anh là tình cảm, hồn nhiên, chú trọng chiều sâu của ngôn ngữ, là đề tài lạ và âm nhạc luôn mang hồn Việt. Dường như Trần Quế Sơn đã chuyển tải được nhiều điều lạ của thơ Bùi vào âm nhạc.

Theo Ngân Hoa (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm