Đơn kiện, đại diện cho hàng ngàn nạn nhân bị lạm dụng, tuyên bố rằng Apple đã không hành động đủ để ngăn chặn vấn nạn này, gây thêm tổn thương cho các nạn nhân.
Người khởi kiện là một phụ nữ 27 tuổi, từng bị một người họ hàng lạm dụng từ thời thơ ấu. Hành vi này đã được ghi lại và chia sẻ trực tuyến, khiến cô liên tục nhận được thông báo từ cơ quan thực thi pháp luật về việc phát hiện hình ảnh trên nhiều nền tảng, bao gồm cả iCloud của Apple.
FBI chỉ cách nhận diện các trò lừa đảo bằng AI
Vụ kiện cáo buộc rằng việc Apple từ bỏ kế hoạch quét tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM) vào năm 2022 là một bước đi sai lầm, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với an toàn trẻ em. Theo đó, thay vì sử dụng công nghệ để xác định và xóa các nội dung lạm dụng, Apple lại để những tài liệu này tồn tại, buộc các nạn nhân phải đối mặt với những ký ức đau đớn suốt đời.
CSAM và phản ứng của Apple
Năm 2021, Apple đã giới thiệu một kế hoạch để bảo vệ người dùng khỏi tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em (CSAM) bằng cách quét hình ảnh được tải lên trên thiết bị bằng hệ thống hashtag. Tính năng phát hiện ảnh khỏa thân được gọi là Communication Safety (an toàn giao tiếp), tự động cảnh báo nếu người dùng nhận được hoặc gửi ảnh khỏa thân.
Tuy nhiên, Apple đã từ bỏ kế hoạch phát hiện CSAM sau phản ứng dữ dội từ các chuyên gia về quyền riêng tư, các nhóm an toàn trẻ em và chính phủ.
Phát ngôn viên của Apple, Fred Sainz, cho biết công ty coi tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em là ghê tởm và đang tìm cách chống lại loại tội phạm này mà không làm tổn hại quyền riêng tư của người dùng. Tuy nhiên, nạn nhân và luật sư của cô không đồng ý và cho rằng Apple làm chưa đủ.
Hậu quả pháp lý và xã hội
Đơn kiện tìm kiếm bồi thường cho khoảng 2.680 nạn nhân tiềm năng, với số tiền có thể lên tới hơn 1,2 tỉ USD. Đồng thời, vụ kiện cũng yêu cầu Apple thực hiện biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn việc lưu trữ và phân phối CSAM trên iCloud.
Trong khi đó, các nền tảng như Google và Meta đã sử dụng công nghệ tương tự để phát hiện và loại bỏ tài liệu bất hợp pháp hiệu quả hơn. Điều này đặt ra câu hỏi về cam kết thực sự của Apple trong việc bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em.
Vụ kiện không chỉ đe dọa đến tài chính mà còn thách thức danh tiếng của Apple về bảo mật và quyền riêng tư, hai giá trị cốt lõi mà công ty luôn tự hào. Kết quả của vụ kiện có thể buộc Apple phải thay đổi chiến lược bảo vệ người dùng, đồng thời để lại bài học lớn về trách nhiệm xã hội trong thời đại công nghệ.