Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng cháy nổ, đơn cử như các phản ứng hóa học bên trong làm một khu vực trên viên pin bị nóng lên, quá trình này sẽ tạo ra lượng nhiệt lớn và lây lan sang các khu vực khác. Cuối cùng làm viên pin chảy ra, chất lỏng nóng thoát ra ngoài và thường gây cháy, làm chảy vỏ điện thoại hoặc bất cứ vật dụng nào nằm gần thiết bị.
Để hạn chế, nhà sản xuất đã bổ sung thêm tính năng an toàn gồm phụ gia không cháy vào chất điện phân và lớp phủ pin. Thiết bị ngắt/mở mạch sẽ tự động ngắt điện nếu điện áp vượt quá giới hạn an toàn… Tuy nhiên, vẫn có những tình huống khiến pin phát nổ:
1. Làm rơi thiết bị và viên pin bị hư
Khi làm rơi điện thoại, hầu hết mọi người sẽ vội vàng đến các trung tâm để sửa chữa màn hình. Nếu điện thoại vẫn hoạt động, họ thậm chí còn không nghĩ đến việc viên pin có thể bị hư hỏng.
Việc rơi rớt có thể thay đổi cấu trúc cơ học hoặc hóa học bên trong viên pin, những thay đổi này sẽ dẫn đến tình trạng quá nhiệt. Làm thế nào để biết viên pin có bị hư? Đầu tiên, bạn hãy mở vỏ máy và nhìn vào viên pin, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như phồng lên, biến dạng… người dùng nên thay pin ngay lập tức để đảm bảo an toàn. Đối với các thiết bị nguyên khối, bạn chỉ cần đến các cửa hàng điện thoại và nhờ họ kiểm tra.
2. Nhiệt độ môi trường
Nhiệt độ là kẻ thù của nhiều thiết bị điện tử, đa số các điện thoại hiện nay đều có cơ chế tự tắt khi máy quá nóng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thiết bị vẫn sẽ phát nổ nếu nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Mặc dù có nhiều tính năng bảo vệ được tích hợp vào bên trong viên pin, tuy nhiên để tránh xảy ra tình trạng quá nhiệt, người dùng nên hạn chế chơi các tựa game có đồ họa nặng, không mở nhiều ứng dụng cùng lúc (đặc biệt là các phần mềm yêu cầu vị trí)… Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời cũng có thể làm thiết bị nóng lên. Ngay cả khi điều này không gây cháy nổ, nó cũng góp phần khiến tuổi thọ pin giảm đi.
Có rất nhiều cách để giữ cho điện thoại luôn mát mẻ như tháo ốp lưng khi đang sạc, hạn chế đặt thiết bị gần cửa sổ hoặc các vật dụng phát ra nhiệt độ cao, không để điện thoại trong xe hơi hoặc cốp xe máy trong thời gian dài. Không sạc điện thoại khi để thiết bị trong túi hoặc bên trong túi xách…
Nếu thấy máy quá nóng, bạn hãy tạm thời ngừng việc sử. Trong trường hợp máy nóng lên bất thường, bạn chỉ cần khởi động lại thiết bị hoặc đến trung tâm bảo hành để kỹ thuật viên kiểm tra lại mọi thứ.
3. Sử dụng sai bộ sạc
Việc sử dụng bộ sạc, cáp sạc không đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất có thể khiến thiết bị bị hư hỏng. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng bộ sạc đi kèm trong hộp hoặc lựa chọn những thương hiệu có uy tín, được chứng nhận bởi Apple. Về cơ bản, những bộ sạc giá rẻ thường sử dụng chất liệu kém chất lượng hoặc bị loại bỏ mạch bảo vệ quá dòng.
Ngoài ra, việc thay nhầm pin kém chất lượng cũng có thể gây ra tình trạng cháy nổ. Pin dỏm thường dễ nóng lên, hết nhanh hơn và thậm chí làm máy chạy chậm hơn bình thường. Để khắc phục, bạn nên đến các cửa hàng, trung tâm bảo hành ủy quyền để thay pin chính hãng. Hạn chế sử dụng pin giá rẻ để đảm bảo an toàn cho thiết bị cũng như bản thân và những người xung quanh.
Cuối cùng, hãy hạn chế sử dụng thiết bị khi đang sạc pin bởi việc này có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị và mang đến nhiều rủi ro không thể đoán trước.
Trên đây là một số nguyên nhân và cách hạn chế tình trạng smartphone phát nổ. Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên Kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết hoặc để lại bình luận khi gặp rắc rối trong quá trình sử dụng.