Kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển

(PLO)- Được ví như bản “hiến pháp” của đại dương, trải qua 40 năm, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 không chỉ có giá trị phổ quát mà còn có giá trị hướng về tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 8-12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế kỷ niệm 40 năm Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Bản “hiến pháp” của đại dương

Hội thảo diễn ra với hai phiên. Tại phiên 1 “Giá trị đặc biệt của UNCLOS”, các diễn giả điểm lại và làm rõ nhiều nội dung liên quan đến lịch sử đàm phán, thông qua và những đóng góp của Việt Nam (VN) trong tiến trình này tại hội nghị Luật Biển lần thứ ba của LHQ; giá trị phổ quát và tầm quan trọng của UNCLOS…

Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC
Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: MINH TRÚC

Quản trị Biển Đông

hòa bình, bền vững

Là một quốc gia ven biển, một thành viên tích cực và có trách nhiệm, VN luôn khẳng định Công ước 1982 là một trong những quy định của luật pháp quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc quản lý, phát triển kinh tế biển quốc gia.

Công ước 1982 cũng là cơ sở để VN giải quyết hòa bình các tranh chấp biển với các quốc gia láng giềng, hướng tới việc quản trị Biển Đông hòa bình, bền vững.

Tại phiên 2 “VN thực thi UNCLOS”, các diễn giả tập trung vào việc thực thi công ước của VN trên nhiều lĩnh vực khác nhau như việc phân định biển, sử dụng và phát triển bền vững nguồn lợi biển…

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá trải qua 40 năm phát triển, đến nay với 168 quốc gia thành viên, trong đó có VN, UNCLOS đã thực sự trở thành văn kiện pháp lý quan trọng hàng đầu chỉ sau Hiến chương LHQ.

Sự ra đời của UNCLOS đã hình thành nên một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện và đầy đủ, điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong việc sử dụng biển, quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên biển.

UNCLOS là căn cứ pháp lý quốc tế toàn diện để xác định các vùng biển, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Đồng thời, UNCLOS cũng quy định cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia liên quan tới giải thích và áp dụng UNCLOS.

Theo các diễn giả, UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng và giá trị bền vững đối với châu Á và thế giới. UNCLOS 1982 được công nhận trên toàn cầu là bản “hiến pháp” của đại dương.

Hệ sinh thái UNCLOS

Trao đổi tại hội thảo, bà Lê Đức Hạnh, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho rằng từ gốc ban đầu, UNCLOS đã phát triển thành một hệ sinh thái đa dạng. Cộng đồng quốc tế và VN hiện tập trung thực thi, bảo vệ những quy định về giới hạn các vùng biển do UNCLOS đặt ra.

Các diễn giả đều khẳng định là quốc gia ven Biển Đông, thành viên UNCLOS, VN luôn nhận thức rõ về vai trò và tầm quan trọng của biển đối với hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước; khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm các quy định của UNCLOS, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, đại dương, thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh Biển Đông còn nhiều diễn biến phức tạp; nhấn mạnh chủ trương nhất quán của Đảng, chính sách của Nhà nước VN từ trước đến nay trong vấn đề Biển Đông và thực thi UNCLOS...

Ông Vũ Đình Hiếu, Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ TN&MT, cho rằng thời gian tới cần có các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn các cam kết về bảo vệ môi trường (BVMT) biển. Cụ thể là xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật liên quan để thực hiện UNCLOS về BVMT biển cần được chú trọng; tăng cường nguồn lực để thực hiện công tác BVMT biển; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; hợp tác quốc tế trong việc thực hiện UNCLOS về BVMT biển cần đẩy mạnh...

Cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích Việt Nam trên biển

Theo Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, kể từ khi phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển, VN đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để cụ thể hóa các quy định của công ước trong nhiều lĩnh vực như biên giới lãnh thổ, hàng hải, thủy sản, dầu khí, BVMT biển và hải đảo, bao gồm cả việc ban hành Luật Biển VN năm 2012.

Công ước Luật Biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của VN trên biển.

Công ước Luật Biển 1982 cũng là công cụ phục vụ cho việc đàm phán phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa VN với các nước láng giềng (bao gồm Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc) và góp phần tạo dựng môi trường ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực Biển Đông.

Năm 2009, thực hiện nghĩa vụ quy định trong công ước, VN đã đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ ranh giới ngoài mở rộng của thềm lục địa VN ở khu vực phía bắc Biển Đông, đồng thời VN đã cùng Malaysia đệ trình chung lên ủy ban này ranh giới ngoài của khu vực thềm lục địa mở rộng tại phía nam Biển Đông, nơi hai nước có thềm lục địa chồng lấn chưa phân định.

Việt Nam áp dụng sáng tạo nguyên tắccông bằng

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật quốc tế của LHQ (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027, VN được đánh giá là nước thành công nhất trong khu vực Đông Nam Á giải quyết các tranh chấp biển với các công cụ đa dạng nhất, từ phân định tới các dàn xếp tạm thời. Trong quá trình thực thi UNCLOS, VN đã có những đóng góp sáng tạo, góp phần hoàn thiện các quy định của công ước về phân định biển.

VN đã áp dụng sáng tạo nguyên tắc công bằng trong phân định đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan năm 1997, vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc năm 2000, phân định thềm lục địa với Indonesia năm 2003 và các dàn xếp tạm thời với Malaysia, Campuchia và Trung Quốc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm