Cơn bão trong rừng

Nhiều người khen tôi khéo tạo ra một nét độc đáo cho quán. Ít ai biết rằng một năm trước đây, cũng vào những ngày cuối năm, nếu không có một vị khách và câu chuyện của anh làm gợi ý, tôi đã định đóng cửa quán café của mình…

– Tôi vừa trở về từ một chuyến đi đặc biệt - khám phá Thung lũng Sinh Tồn, nhân kỷ niệm mười năm thành lập công ty của một người bạn. Chẳng biết có phải vì tình cờ rơi vào thứ Sáu ngày 13 không mà chuyến đi ấy thật nhiều sóng gió…

Anh Chương, người khách vô tình trở thành vị cứu tinh của tôi, mở đầu câu chuyện giữa lúc một cơn mưa Sài Gòn bất chợt đổ ào ào bên ngoài khung cửa kính.

– Đoàn chúng tôi có hơn ba chục người, là những nhân viên xuất sắc chọn ra từ cuộc thi “Tôi là người số 1” tổ chức trong công ty mấy tháng trước đó. Nhưng họ chỉ là “người số 1” trong chuyên môn thôi, còn với lội rừng leo núi thì hầu hết là “người số 0”, tôi cũng vậy. Ha ha!

Nụ cười thoải mái và chân thành thật dễ lây. Cả quán nhỏ bật cười theo. Tôi hỏi anh Chương:

– Cái tên Thung lũng Sinh Tồn nghe ấn tượng quá. Nó ở đâu vậy anh?

– Ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Vùng này còn nhiều địa danh khác nghe cũng ấn tượng lắm, như hang Tám Cô chẳng hạn. Trong đoàn có một chị tên Hải, lúc xe đến ngã ba Trạ Ang, chỗ có biển chỉ đường vào hang Tám Cô, chị Hải một mực đề nghị rẽ vào hang để thắp nhang vì nghe nói nơi đó rất linh thiêng. Nhưng ông tài xế chở đoàn không chịu, nói rằng nơi đó không có trong lịch trình, nên cuối cùng cả đoàn về khách sạn nghỉ ngơi, chuẩn bị cho việc khám phá Thung lũng Sinh Tồn vào sáng hôm sau, thứ Sáu, ngày 13/12/2013…

– Nè ông, cái Thung lũng Sinh Tồn đó rộng bao lớn?

 Một bác trung niên đang ngả mình trong chiếc ghế bành ở góc phòng tò mò hỏi.

– Hơn hai ngàn hecta. Nó giống như cái chén khổng lồ lật ngửa, bốn phía xung quanh là vách đá vôi. Sau vài kilomet hết trèo lên lại tụt xuống mấy dãy núi đá vôi và mấy trảng rừng, lết được đến trung tâm của Thung lũng Sinh Tồn là phân nửa đoàn chân tay bủn rủn. Lúc đó cũng trưa rồi, người dẫn đường có vẻ lo lắng vì tụi tôi đi hơi chậm so với dự kiến. Với tốc độ này, đoàn sẽ không kịp trở ra cửa rừng trước khi trời tối. Mà ngủ đêm trong rừng với số lượng người đông thế này sẽ có rất nhiều bất trắc. Nếu trở ra ngay sau bữa ăn trưa thì may ra…

Câu chuyện của anh Chương khiến cả quán nhỏ sôi động hẳn lên. Một cậu bé theo cha mẹ đi uống café háo hức hỏi:

– Chú ơi, buổi trưa ở trong rừng mấy chú ăn gì ạ?

– Gà kho nè, cá suối nướng nè, rau rừng muối đậu nè, cơm nắm muối mè nè… Nhưng bọn chú thích cơm nắm muối mè nhất.

– Cơm nắm là cơm vắt lại thành từng nắm phải không chú?

– Ui trời, vừa nghe cháu nhắc đến từ “vắt” thôi chú đã thấy ớn lạnh rồi…

– Sao vậy ạ?

– Mùa mưa nên trong rừng nhiều vắt lắm. Nó bám chặt lắm, rứt ra rất đau. Mấy cô gái trong đoàn đến đi vệ sinh cũng ngán. Chú trêu: Mấy em đi thì nhớ mang theo một tấm nilon để phủ lên cỏ, kẻo bọn vắt bị nước nóng đánh thức, búng mình lên bám vào những chỗ hiểm yếu thì có trời mới cứu được. Mấy cô gái nghe cũng có lý nên rủ nhau xách áo mưa chạy tuốt vô rừng. Xong vụ vệ sinh thì mấy cái áo mưa mỏng mỏng đó cũng vứt luôn, cô nào không có áo mưa dự trữ sẽ rất khổ và một trong những cái áo mưa mỏng dính ấy đã khiến chú nặng lòng hoài sau đó…

Anh Chương ngưng một lát rồi kể tiếp:

– Chặng đi, gặp lúc mưa tạnh nên tôi gửi áo mưa vào ba lô chị Hải đang đeo, chặng về thì đòi lại. Quay trở ra một hồi thì mưa đổ xuống xối xả, vuốt mặt không kịp. Thế nên chẳng mấy chốc toàn đội hình rã đám, mỗi người đi một phách.

– Trong rừng có sóng điện thoại không anh? – Tôi hỏi.

– Không. Bộ đàm không hoạt động, điện thoại chỉ còn dùng để xem giờ thôi. Đi được chừng trăm mét là tới đoạn phải vượt qua một mỏm đá cao nghệu, thấy một bạn nữ leo lên không nổi, tôi khuỵu chân xuống làm bệ đỡ cho bạn ấy leo lên. Kết cục, bạn ấy leo qua được mỏm núi thì tôi cũng trặc luôn chân trái, đi hết nổi, đành dựa vào cây gậy chống để lết từng bước. Nhưng vì cố gắng quá nên cuối cùng chân phải trặc luôn, tôi phải ngồi sụm giữa rừng... Cơn đau thốn lên tận óc. Vậy mà lúc đó chẳng hiểu sức lực ở đâu bơm vào khiến tự dưng tôi vùng đứng dậy được. Về sau, nghe mọi người kể lại lúc đó ai nấy đều nhìn tôi kinh ngạc, vì tự dưng tôi bảo: “Bây giờ mới tới tôi đi nè!” rồi bật dậy đi băng băng…

– Nè, ông có nghĩ mình bị ma nhập không? – Bác trung niên tò mò hỏi.

– Chịu. Tôi cũng chẳng nhớ mình đi thế nào nữa, chỉ biết là từ một người tưởng như không nhấc nổi chân lên tôi đã đi vượt qua mọi người. Tới hồi ngó lại thì chẳng thấy ai nữa cả. Lúc đó mới khoảng 2 giờ chiều nhưng rừng đã bắt đầu xám xịt rồi.

Trời nhập nhoạng làm cái hốc đá vôi đang nhỏ nước tong tỏng trước mặt tôi biến thành cái đầu lâu đang chảy nước mắt rỉ rả, còn mấy gốc cây u lên thì giống mấy cái đầu người dị dạng. Sợ phát rét luôn. Cũng may là đến phút chờ đợi thứ 45 thì đoàn tới và chừng 4 giờ chiều mọi người ra đến cửa rừng. Chưa kịp cảm thấy nhẹ nhõm, cả đoàn lặng điếng đi khi thấy thiếu mất ba phụ nữ: Bình, Hằng và chị Hải. Mấy anh kiểm lâm dẫn đường vội băng rừng trở lại để tìm. May mắn là hơn một tiếng sau đã tìm được nhưng chỉ tìm được cô Bình và cô Hằng thôi…

Bác trung niên ngước lên:

– Trời lúc đó chắc lạnh dữ hả ông?

– Lạnh tê tái. Lúc đó đầu đông rồi mà. Nhưng dù rất lạnh cả đoàn chẳng ai nỡ lên xe cho ấm, cứ nghĩ nếu tất cả cùng đứng đó, cái lạnh chị Hải đang phải chịu ở trong rừng biết đâu có thể được san sẻ ít nhiều. Riêng tôi cứ áy náy mãi vì đã vô tâm đòi lại áo mưa mà chẳng thèm để ý xem chị có còn cái áo mưa dự trữ nào để dùng không. Tới 7, 8 giờ tối mưa càng lớn thêm. Lực lượng tìm kiếm từ kiểm lâm và bộ đội biên phòng đã lên đến hơn một trăm người rồi. Lúc chúng tôi về tới khách sạn, nhân viên ở đó nghe chuyện bèn bồi thêm mấy câu khiến cả đoàn sợ muốn dựng tóc gáy. “Thế từ hôm qua tới giờ các chú đã lên hang Tám Cô chưa? Hang Tám Cô trên con đường 20 Quyết Thắng đó là nơi tám thanh niên xung phong đã hy sinh vì bị bom đạn địch vùi lấp cửa hang. Họ trở thành thần thánh của rừng rồi. Chẳng có đoàn nào xuyên rừng mà không vào đó xin phép cả…”. Từ khách sạn lên hang Tám Cô cũng mấy chục cây số chứ ít đâu nhưng lúc này tụi tôi chẳng dám nghĩ ngợi gì nữa mà lập tức lên hang Tám Cô ngay. Lúc đó chắc cũng khoảng 10 giờ tối…

Mưa đã ngớt hạt. Cậu bé đã rúc vào lòng bố từ lúc nào. Câu chuyện có lẽ khiến cậu rất thích thú.

– Tới gần 12 giờ đêm tụi tôi nhận được tin đã tìm ra chị Hải, sau đó chừng hai tiếng thì chị Hải về đến khách sạn trong sự vui mừng của mọi người. Thật lạ là chị Hải không hề bị thương ở đâu cả, dù chẳng hiểu bằng cách nào mà chị băng qua được cả một rừng mây đầy gai góc, tới được một vách hang gần khu vực biên giới Việt-Lào trú tạm. Chẳng biết có phải vì chúng tôi đã thành tâm sửa sai lỗi bất kính đã phạm với tiền nhân hay không mà cuối cùng mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Với chúng tôi, chuyến đi như một cơn bão, bão lành, vì nó tập cho chúng tôi biết chuẩn bị cho những việc có thể xảy ra và cả những việc không muốn xảy ra. Nó giúp chúng tôi sáng ra được rất nhiều điều, khiến chúng tôi sống tử tế và có tình người hơn trước…

* * *

Tôi không biết quán café bé nhỏ của mình sẽ tồn tại trong bao lâu nữa. Nhưng tôi biết những câu chuyện ngày thứ Sáu đặc biệt như thế này sẽ mãi mãi được cất giữ ở một ngăn đặc biệt trong trái tim của nhiều vị khách quen. Có những câu chuyện rất đẹp đơn giản chỉ vì chúng rất thật, vậy thôi…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm