'Ký ức không phai': Miền ký ức của con em miền Nam tập kết ra Bắc

(PLO)- Ký ức không phai được xem là bức tranh, miền ký ức được thực hiện bởi những con em, cán bộ miền Nam từng tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève.

Sáng ngày 23-11, NXB Tổng Hợp TP.HCM tổ chức buổi ra mắt sách Ký ức không phai, những câu chuyện của cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm Tập kết (1954-2024).

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM tặng hoa và quà cho các tác giả, nhân vật của cuốn sách "Ký ức không phai".

Chương trình có sự góp mặt của nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng (Cán bộ miền Nam ra Bắc); TS Nguyễn Thị Hậu (con em gia đình tập kết); nhà báo Nguyễn Thế Thanh (học sinh miền Nam); chị Vũ Phương Mai (học sinh miền Nam) và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (con em gia đình tập kết).

Tại buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Thị Xuân Phượng cho biết kí ức ùa về khiến bà xúc động. Cạnh đó, bà ôn lại những câu chuyện có trong cuốn sách và bày tỏ hi vọng nội dung sách sẽ làm lay động trái tim của các độc giả.

Đạo diễn Xuân Phượng

"Tôi là một trong những người làm phim đầu tiên đứng tại bãi biển Sầm Sơn quay tàu Hải Châu tập kết. Qua thước phim quay được là những hình ảnh người tù chính trị cao cả..." - nhà văn Xuân Phượng bộc bạch.

Giới thiệu quá trình làm nên cuốn sách Ký ức không phai, nhà báo Nguyễn Thế Thanh (chủ biên), chia sẻ: "Tôi hiểu rõ đây là thời điểm thích hợp, kỷ niệm 70 năm tập kết và không còn dịp nào để làm nữa. Ngoài ra, cá nhân tôi rất biết ơn những cô giáo ngoài miền Bắc đã có quãng thời gian nuôi nấng chúng tôi".

Tại buổi ra mắt sách, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cũng là con của gia đình tập kết, cho biết ông có góp sức trong việc làm nên cuốn sách Ký ức không phai với một số bài văn và bài thơ. Không những thế, ông còn kể lại câu chuyện của mình, của con em gia đình tập kết.

"Muốn kí ức không phai thì hãy làm giàu thêm kí ức. Chúng tôi nỗ lực làm nên một cuốn sách minh chứng cho lịch sử để nhắc lại cho thế hệ sau biết được có một thế hệ như chúng tôi, thế hệ có một không hai.

Tôi mong rằng cuốn sách này được lan tỏa nhiều hơn, câu chuyện của những người con ra miền Bắc học tập và đã trở về như thế…" - nhà báo Huỳnh Dũng Nhân xúc động nói.

Đặc biệt, cô Vũ Phương Mai (con gái nhà cách mạng, nhà báo Vũ Tùng) tâm sự: "Tôi là người Sài Gòn, trước ở đường Cách mạng Tháng 8, đã từng theo mẹ đi chiến khu, sau đó gia đình quyết định gửi tôi ra Bắc bắt đầu một cuộc đời mới, học tập, làm giàu cho đất nước. Ba mẹ đi hoạt động nên tôi được danh dự trở thành học sinh miền Nam ra Bắc, biết ơn ba mẹ đã hi sinh cuộc đời cho cuộc kháng chiến".

Theo bà Mai, Ký ức không phai là ấn phẩm bổ ích cho người trẻ tiếp thêm nghị lực trong cuộc sống qua những mảnh đời thân phận. Qua đó, lớp trẻ, thế hệ cần bồi dưỡng tinh thần dân tộc sẽ rõ nét hơn về bản lĩnh tinh thần hết lòng hướng về dân tộc, làm nên sức mạnh dân tộc.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Thị Hậu (phải) cho biết bà là trường hợp khác so với các trường hợp có trong cuốn sách. Bà được sinh ra và học tập tại Hà Nội, rất vinh dự góp mặt trong cuốn sách.

Ký ức không phai là một phần rất nhỏ của bức tranh nhiều màu sắc về những người miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève.

Tất cả những cảnh vui, buồn, tự hào, ân hận đều đã được 29 tác giả gửi gắm trong 58 bài viết trong sách, chia thành 3 phần: Theo dòng lịch sử: 70 năm - Ngày ấy, bây giờ (1954 - 2024); Ngày Bắc, đêm Nam - Chia ly và Đoàn tụ; Học sinh miền Nam trên đất Bắc, những dòng ký ức.

Trong cuốn sách này không chỉ những mảnh đời đáng nhớ của cán bộ miền Nam, học sinh miền Nam trên đất Bắc mà còn là những câu chuyện rất cảm động của những người con miền Bắc đã gắn bó gần như suốt tuổi thanh xuân của mình với học sinh các trường miền Nam trong vai trò thầy, cô giáo...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới