Hàng không không tết

Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ nhân viên hàng không là những người hái ra tiền, nhàn nhã và sang trọng. Thực tế, các tiếp viên hàng không hay phi công cũng có những nỗi nhọc nhằn riêng và đã có nhiều người viết về họ. Còn nỗi niềm của những nhân viên mặt đất thì không hẳn ai cũng biết…

Ðủ nỗi sợ lúc nửa đêm

Chúng tôi có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào 3 giờ sáng một ngày cuối năm. Bước vào quầy sổ chờ, chúng tôi gặp nữ nhân viên Xuân Anh, ngụ Gò Vấp, đang ngồi trực. Chị cho hay đã gắn bó với công việc TOC (phòng dịch vụ hành khách, Vietnam Airlines) gần 10 năm. Hôm nay, chị và một bạn nam trực ca đầu tiên trong ngày, từ 3 giờ đến 11 giờ 30.

Tôi chưa kịp nói gì thêm, chị đã hỏi: “Bạn đi sớm như thế này có lạnh không?”, rồi tiếp luôn: “Trời hôm nay lạnh thật. Tôi dậy từ lúc 2 giờ, chuẩn bị đồng phục, trang điểm nhẹ rồi tranh thủ đi làm, mặc áo khoác dày mà vẫn lạnh run. Còn những hôm trực đêm thì đến hơn 2 giờ tôi mới về, đi đường vắng thấy lạnh và sợ lắm!”.

Xuân Anh không sợ lạnh bằng sợ bị cướp. “Nhà tôi ở đường Quang Trung, có lần đi làm qua khu vực Bệnh viện Nhân dân 115 thì bị hai thanh niên chặn đầu xe. Tôi bị cướp mất số tiền rất lớn, cũng may chưa nguy hại đến tính mạng. Gần cả tháng sau tôi mới lấy lại tinh thần”. Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên vệ sinh, nói thêm: “Tôi cũng phải dậy từ 2 giờ để vào làm việc đúng giờ. Đi đường cũng sợ cướp chứ nhưng vì mưu sinh, phải gắng thôi!”.

Theo quy định của ngành hàng không, ca trực sớm nhất mỗi ngày bắt đầu lúc 3 giờ, còn ca đêm kết thúc lúc 2 giờ sáng. Nhiều kẻ xấu nắm bắt được quy luật này nên quanh quẩn khu vực trước sân bay tìm “con mồi”. Nhân viên Nguyễn Công Dân (quê Long An, trực cùng ca với chị Xuân Anh) cho hay: “Không phải riêng chị em phụ nữ mới bị ăn cướp đâu. Bản thân tôi khi đi ngang đường Cộng Hòa lúc mờ sáng cũng từng bị kẻ xấu đạp ngã xe máy. Rất may tôi đủ bình tĩnh để tri hô nên bọn chúng bỏ chạy. Từ ấy về sau, tôi đi làm luôn luôn cảnh giác, nhìn trước ngó sau. Thấy có người khả nghi là chạy thật nhanh hoặc nép vào những chỗ còn đông người. Đàn ông còn vậy, nghĩ mà thương mấy chị em quá!”.

Cũng đã có người phải ngậm ngùi từ bỏ công việc yêu thích vì không vượt qua được nỗi sợ hãi hằng đêm. Đó là một nữ nhân viên thủ tục hành khách đi làm ca sớm, bị cướp đạp ngã xe, chấn thương phải nhập viện. Sau ngày ra viện, cô quyết định chọn một công việc hành chính để làm. “Công việc mang danh hào nhoáng này lại luôn song hành cùng những sự vất vả và hiểm nguy mà không phải ai cũng chịu được” - chị Xuân Anh tâm sự.


Ðược vui chơi trong những ngày tết cùng con là ước mơ xa xỉ của nhân viên hàng không.

Bị chửi vẫn phải gắng cười

Đang trò chuyện cùng chúng tôi, chị Xuân Anh và anh Công Dân phải dừng lại để tiếp một nhóm hành khách. Họ mua vé chuyến đi 4 giờ sáng, nhưng đến sân bay lúc 3 giờ 30 nên không được làm thủ tục. Hai nhân viên cố gắng giải thích cho khách hiểu là theo quy định, hành khách phải đến sân bay làm thủ tục trước giờ bay tối thiểu 40 phút. Trường hợp này, khách đến trễ 10 phút và vé của họ thuộc loại giá rẻ nên không thể chuyển sang vé khác.

Bất chấp thái độ ôn tồn của nhân viên, nhóm khách hàng vẫn nhất quyết đòi được bay. Thế rồi, họ bắt đầu la hét, đập bàn và buông những lời lẽ thô tục. Phải đến khi thấy bóng dáng lực lượng an ninh, họ mới chịu dừng.

Thấy chúng tôi có vẻ ái ngại, chị Xuân Anh cho biết điều vừa xảy ra không phải quá xa lạ ở sân bay. “Đây là nơi tiếp nhận và giải quyết cho những khách không thể lên máy bay. Vì thế, nhiều người cứ trút hết cơn tức giận lên nhân viên. Họ chửi nặng lắm, có người còn lôi cha mẹ và con cái của mình ra chửi. Nhưng làm mười năm rồi, lúc đầu buồn chứ giờ thì nghe chửi riết thành quen” - nói là không buồn, nhưng giọng chị Xuân Anh nghe cứ rưng rưng.

Mục sở thị hành vi của nhóm khách trên, chúng tôi mới thấu hiểu sự chịu đựng của nhân viên hàng không. “Nghề dịch vụ mà, khách hàng có chửi cha mắng mẹ mình đi chăng nữa thì mình vẫn phải nhẹ nhàng, mỉm cười với họ”, câu nói buồn buồn đó cứ vẳng bên tai chúng tôi.

Sau vẻ hào nhoáng bên ngoài là những nỗi niềm riêng không phải ai cũng hiểu.

Chỉ mơ một mùa tết quây quần

Trái với tâm lý đám đông, hầu hết nhân viên hàng không rất sợ những ngày tết. “Tết là khoảng thời gian đáng sợ nhất. Bạn cứ thử hình dung, những ngày ấy sân ga này đông nghẹt. Dòng người kéo dài cho đến ngoài cửa, quá nửa sân. Nhiều người thiếu ý thức cứ chen lấn, xô đẩy nhau để tranh được làm thủ tục hoặc mua vé. Không khí ngột ngạt, người và hành lý ùn ứ khiến người ta nhìn thôi cũng đã chóng mặt” - Kiều Trinh, nhân viên phòng vé, lắc đầu.

Anh Công Dân nói thêm: “Cứ qua mỗi mùa tết, nhân viên nào cũng đều khản giọng, sức khỏe suy giảm vì làm việc quá sức. Riêng ở phòng quầy sổ chờ, chỉ nghe khách hàng chửi thôi là bạn sẽ chẳng còn tinh thần để đón tết”.

Theo quy định của ngành hàng không, từ ngày 23 tháng Chạp đến mồng 10 Tết, tất cả nhân viên đều không được nghỉ phép trừ những trường hợp bất khả kháng. Trong những ngày này, nhân viên phải làm việc với cường độ cao, tăng ca liên tục nhưng không được tăng lương. Trước tết, vì thiếu nhân lực, nhiều hãng hàng không phải điều động nhân viên từ các sân bay ở Huế, Đà Nẵng vào tăng cường cho TP.HCM.

Chỉ nghĩ đến việc không được sum họp cùng gia đình trong những ngày tết, chúng tôi đã cảm thấy buồn cho các anh chị. Chị Xuân Anh tâm sự: “Tôi có một con gái mà chả năm nào được đón tết cùng con. Tan ca trực là người mệt đừ, chẳng còn hơi sức làm gì nữa. Mồng 1 tết năm ngoái, con gái gọi điện thoại bảo nhớ mẹ và muốn cùng mẹ đi thăm ông bà. Tôi nghe mà đứt từng đoạn ruột. Rất muốn về cùng con nhưng công việc chồng chất, biết làm sao bây giờ!”.

Khi được hỏi đã bao giờ muốn bỏ nghề vì áp lực hay không, chị Xuân Anh buồn buồn: “Nhiều lần muốn bỏ nghề rồi chứ, bởi với phụ nữ điều quan trọng nhất là gia đình, là chồng, là con. Khi chọn việc này, tôi biết mình không thể nào chăm lo cho gia đình như một nhân viên làm giờ hành chính. Chồng nhiều lúc cũng muốn tôi nghỉ, tìm một công việc khác đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, tôi yêu nghề quá, không thể bỏ được. Làm hàng không thì phải yêu nghề mới làm được, nếu không thì chẳng làm nổi đâu”.

Thúy Vy, nhân viên thủ tục hành khách, tâm sự: “Nhiều bạn của em vô làm nghề này cũng không trụ được quá một năm. Nhọc nhằn mà lương không phải quá cao, ngành hàng không đâu hào nhoáng như những gì người ta nghĩ. Ngày tết cứ đi biền biệt, ai mà không buồn. Nhiều bạn của em bị người yêu bỏ vì lý do không dành thời gian cho họ”.

Nhân viên mặt đất còn bao gồm nhiều bộ phận khác như lao công, kỹ thuật, bảo trì máy bay, nhân viên vận chuyển hành khách trong sân đỗ…. Họ cũng làm cùng giờ giấc và ca kíp như Xuân Anh, Thúy Vy. Và dĩ nhiên, nỗi niềm của họ cũng mấy ai biết được, bởi đó là những con người phía sau hậu trường.

* * *

Ngày tết đối với người Việt có một ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Đó là dịp để con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ; là dịp để mọi người dành cho nhau những lời chúc yêu thương, tốt lành. Thế nhưng, đối với những nhân viên hàng không mà chúng tôi vừa tiếp xúc, ngày tết với họ là một thứ gì đó rất xa xỉ. Đây quả là sự hy sinh thầm lặng mà không phải ai cũng hiểu được.

Lại một mùa xuân nữa đang về khiến chạnh lòng những người không có tết!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm