Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch XK của 11 tháng năm 2014 cả nước đã tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó kim ngạch của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng hơn 14%. Đặc biệt khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khoảng 13%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chỉ 3% cùng kỳ năm 2013. Tính chung 11 tháng, kim ngạch XK của cả nước ước đạt hơn 137 tỷ USD. Vui hơn nữa là sau 2 tháng liên tục nhập siêu, tháng 11 cả nước đã xuất siêu khoảng 440 triệu USD, góp phần nâng mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 11/2014 đạt khoảng 2,9 tỷ USD. Với tình hình XK lạc quan trên, dự báo XK năm nay sẽ đạt khoảng 150 tỷ USD. Đây là tín hiệu cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, XK của các doanh nghiệp trong nước cũng như sự khởi sắc của kinh tế nước nhà.
![]() |
Ấn tượng nhất có lẽ thuộc về các doanh nghiệp ngành dệt may khi kim ngạch XK năm 2014 có thể sẽ đạt 24,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013 và là mức tăng mạnh nhất trong vòng ba năm qua. Hiện ngành đã có được các đơn hàng đa dạng, từ nhiều quốc gia khác nhau. Thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho thấy hầu hết các thị trường của ngành đều có mức tăng trưởng cao. “Cụ thể, thị trường Hàn Quốc tăng 32%, EU tăng 19%, Mỹ tăng 15%, Nhật Bản tăng 14%... So với chỉ tiêu đã đăng ký, dự kiến kết thúc năm nay ngành sẽ vượt kế hoạch từ 0,5-1 tỷ USD, đạt mức tăng khoảng 16%. Dù chưa sang năm mới nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp đã có lượng đơn hàng sản xuất, gia công kín đến quí I, quí II”, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Tại Diễn đàn XK 2014 “Định hướng thị trường và sản phẩm XK Việt Nam” được tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu cho rằng nhờ những hiệp định song phương và đa phương về thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội thị trường cho hàng XK Việt Nam. Cụ thể hơn 2 tháng qua, Việt Nam đã cơ bản kết thúc đàm phán 3 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới, gồm Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và gần nhất là Liên minh Hải quan Belarus - Kazakhstan - Nga. Phía đối tác đã cam kết dành thị trường với thuế suất ưu đãi bằng 0% cho toàn bộ sản phẩm thủy sản, sản phẩm công nghiệp giày dép, phần lớn sản phẩm trong lĩnh vực dệt may và cho một số sản phẩm công nghiệp chế biến như đồ gỗ, cà phê, chè... và các mặt hàng chế biến khác.
![]() |
“Với 3 thị trường này, trong đó Liên minh châu Âu là 500 triệu dân, Hàn Quốc hơn 40 triệu dân và Liên minh Hải quan 170 triệu dân sẽ mở ra cơ hội tiêu thụ hàng hóa lớn, góp phần đẩy mạnh được sản xuất và XK của các doanh nghiệp Việt Nam. Tính toán sơ bộ của chúng tôi, trong thời gian tới tăng trưởng kim ngạch giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu sẽ ở mức từ 12 - 15%, với Hàn Quốc là khoảng 15%...”, bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho hay.
Còn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam cho biết dù gặp thuận lợi trong các năm tới nhưng ngành thủy sản sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu cao theo tiêu chuẩn quốc tế như sản phẩm thủy sản bền vững, tăng các đòi hỏi về truy nguyên nguồn gốc… “Giải pháp để cạnh tranh quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp XK thủy sản nước ta là phải cạnh tranh bằng con đường chất lượng hàng hóa. Khi các nước nhập khẩu đang có xu hướng đa dạng nhà cung cấp, chúng ta phải tính đến xu thế bền vững, lâu dài là cạnh tranh phải bằng chất lượng mới duy trì được mức tăng trưởng, duy trì được hàm lượng giá trị gia tăng lâu dài”, ông Hòe kết luận.
Theo Lê Nghĩa (Báo Tin Tức)