Làm giả hồ sơ xin việc

Bà Lan tại cửa hàng Quốc Hùng nhận làm hồ sơ xin việc - Ảnh: m.tiến
Những người có nhu cầu đến khu vực này sẽ được giới xe ôm giới thiệu hàng loạt nơi nhận làm hồ sơ giả như thật, thậm chí thay đổi quê quán, tên tuổi thông qua các giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân (CMND), giấy khám sức khỏe, hộ khẩu, tạm trú, đơn xin việc, bằng cấp... với giá 100.000-200.000 đồng/bộ và không quá hai ngày sẽ giao “hàng”.

Tội phạm trà trộn

Thượng tá Trần Văn Tém, trưởng Phòng truy nã tội phạm (PC52) Công an TP.HCM, nhận định việc làm giả các loại giấy tờ trong hồ sơ xin việc luôn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm bởi người có nhu cầu làm luôn có vấn đề. “Có tình trạng một số thanh thiếu niên xa quê chưa đủ tuổi nên nhờ kê khống tuổi, hợp thức hóa hồ sơ xin việc. Tuy nhiên, thời gian qua PC52 bắt nhiều đối tượng truy nã đã thay tên đổi họ thông qua việc làm giả CMND, hộ khẩu... từ hồ sơ xin việc để qua mặt cơ quan công an.

Thực tế không ít đối tượng làm giả hồ sơ xin việc phạm tội bỏ trốn ngay tại nơi làm việc, thường gặp là nhân viên trộm xe rồi bỏ trốn, đến khi cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện hồ sơ xin việc giả mạo nên vụ việc gây khó khăn trong quá trình truy xét” - ông Tém cho biết.


Làm giả dễ dàng
Chiều 17-8, chúng tôi đến chợ Khiết Tâm, ghé vào cửa hàng điện thoại di động Quốc Hùng (địa chỉ số 3, đường số 6, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức). Tại đây, có hai thanh niên đến ngỏ ý làm một bộ hồ sơ gấp để nộp cho công ty do sắp hết hạn tuyển lao động nhưng có việc riêng nên không thể trở về quê bổ sung giấy tờ. Tiếp chuyện hai thanh niên, người phụ nữ tên Lan tỏ vẻ nghi ngại hỏi: “Ai giới thiệu mà biết ở đây nhận làm hồ sơ?”.

Sau một hồi trò chuyện thuyết phục, bà Lan hỏi thêm: “Em xin việc bên ngoài hay trong khu chế xuất? Có hai loại hồ sơ, xin việc vào khu chế xuất thì phải làm hồ sơ khu chế xuất, còn hồ sơ thường thì xin việc ở các công ty bên ngoài”. Một thanh niên lên tiếng chọn làm loại thường. Bà Lan nhận với giá 100.000 đồng/bộ và hẹn hôm sau đến nhận “hàng”.

Tối 18-8, hai thanh niên này quay lại cửa hàng trên nhận từ bà Lan một bộ hồ sơ trắng chưa điền thông tin nhưng đã có sẵn chữ ký, con dấu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong giấy khám sức khỏe và chữ ký, con dấu trong đơn xác nhận tạm trú của cơ quan chức năng P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức.Tại tiệm chụp ảnh - photocopy Hải Hường (đường số 2, Khu công nghiệp Sóng Thần, thị xã Dĩ An) cũng chuyên nhận làm hồ sơ xin việc.

Buổi trưa có hai thanh niên đến để nhờ làm nhanh một bộ hồ sơ xin việc khi bị mất CMND, một nữ nhân viên ở đây yêu cầu mượn CMND của bạn và mang tới để cửa hàng “giải quyết” nhanh chóng. Nữ nhân viên này còn nói thêm: “Chỉ cần thay ảnh trên chứng minh thật sẽ làm một bộ hồ sơ xin việc, có dấu mộc các loại giấy tờ, sau khi xin được việc rồi tới đây để thay ảnh trở lại như cũ”.

Trước đó, một thanh niên tên Hải làm việc tại tiệm Hải Hường cũng nhận làm trọn bộ hồ sơ xin việc khi đổi họ tên và quê quán của một thanh niên quê tỉnh Thanh Hóa thành tỉnh Bình Phước, kèm theo đó là tất cả giấy tờ liên quan có chữ ký, con dấu giả của một bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương trong giấy khám sức khỏe và chữ ký, con dấu của chủ tịch UBND xã Tân Lợi, H.Đồng Phú, Bình Phước với số tiền 120.000 đồng/bộ.

Lộ diện đường dây

Khoảng 18g30 ngày 17-8, tại tiệm photocopy không số trên đường số 4, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, một thanh niên sau khi yêu cầu làm hồ sơ giả đến điểm tiếp nhận lấy “hàng”. Một người đàn ông tên Cường hướng dẫn tới một căn nhà bán tạp hóa ở đường số 4 gặp bà Lan để lấy hồ sơ bởi ông chỉ nhận làm trung gian. Tại tiệm này, không chỉ có ông Cường mà còn 3-4 thanh niên khác thay phiên nhau nhận làm giả hồ sơ xin việc cho khách có nhu cầu.

Tại căn nhà bán tạp hóa, bà Lan (chủ tiệm) mang ra một xấp hồ sơ từ trong ngăn bàn, hỏi thêm khách về chiều cao, cân nặng để điền ngay tại chỗ vào giấy khám sức khỏe. Trên giấy khám sức khỏe này, dấu mộc của phòng khám đa khoa An Dân (thị xã Dĩ An) đã được đóng sẵn từ trước cùng nhiều chữ ký, con dấu giả của công an phường trên địa bàn Q.Thủ Đức.

Khi giao bộ hồ sơ, bà Lan hỏi: “Em nhìn thử xem chứng minh này đã thay hình chưa?” và dặn thêm: “Xin việc xong, nếu muốn thay hình thì tới đây chị làm cho”.Tại tiệm ảnh Hoài Thương (đường số 4, P.Linh Xuân), một phụ nữ tên Thương cùng chồng tên Vinh chuyên nhận làm giả hồ sơ cho nhiều người với giá 120.000 đồng/bộ. Khoảng 9g45 ngày 21-8, tại hiệu ảnh này, người phụ nữ tên Thương giao một túi hồ sơ xin việc cho khách, trong túi hồ sơ có hàng loạt giấy tờ đều có chữ ký, con dấu giả của cơ quan chức năng.

Hỏi bà Thương thủ thuật làm giả như thế nào, bà chỉ trả lời qua loa: “Chỉ tiếp nhận người có nhu cầu làm hồ sơ xin việc, sau đó chuyển cho một người khác”. Nhiều ngày theo dõi “người khác” theo lời bà Thương, chúng tôi xác nhận người này tên Quế hay lui tới một căn nhà tại đường số 4, P.Linh Xuân. Quan sát căn nhà này, chúng tôi phát hiện có nhiều hồ sơ, giấy tờ liên quan đến việc làm giả các loại giấy tờ trong hồ sơ xin việc.

Nhiều ngày thâm nhập tại các điểm tiếp nhận làm hồ sơ xin việc, chúng tôi lần ra một đường dây làm giả theo từng cấp và giao lại cho một vài thanh niên đi thu gom. Tại các điểm nhận nhỏ lẻ như photocopy Hải Hường (thị xã Dĩ An), hiệu ảnh Hoài Thương (P.Linh Xuân), cửa hàng điện thoại di động Quốc Hùng (P.Bình Chiểu) và hàng loạt tiệm tạp hóa, photocopy nhỏ lẻ trong “khu phố làm hồ sơ” tại đường số 4, khu phố 3 (P.Linh Xuân), sau khi tiếp nhận đặt hàng sẽ chuyển cho những người có “máu mặt” như ông Quế, ông Cường, ông Hội, bà Lan (cùng ngụ tại P.Linh Xuân)... kết hợp với một số người khác đến thu gom mang hồ sơ đi làm giả chữ ký, con dấu, chứng từ của cơ quan chức năng theo quy định trong bộ hồ sơ xin việc.

Trung tá Võ Ngọc Mẹo - trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Q.Thủ Đức - cho biết: “Những bộ hồ sơ này có con dấu, chữ kỹ khá sắc sảo khó phân biệt nhưng đều là giả mạo”.

Theo SƠN BÌNH - MINH TIẾN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới