Làm luật thế không bị chê trách mới lạ!

Giải thích “ý tưởng” của mình, Bộ Công Thương cho biết là đang “thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 244/2014 về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020”. Thế nhưng theo quyết định này thì Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ “xây dựng nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia và đồ uống có cồn khác”. Vậy Bộ Công Thương đang làm sai chỉ đạo của Thủ tướng ở chỗ chỉ soạn thảo nghị định quản lý bia đơn thuần mà không đả động gì đến các đồ uống có cồn khác? Hay chẳng qua do cách hiểu “rượu là rượu mà bia là bia” và cả hai hoàn toàn khác với đồ uống có cồn khác nên tới đây không chỉ có nghị định quản lý bia mà còn có thêm nghị định quản lý đồ uống có cồn khác để bàn dân đua nhau thực hiện?

Tuy có một ít khác nhau về thành phần và cách sản xuất nhưng rượu, bia đều là đồ uống có cồn, đều cùng gây ra tác hại nếu lạm dụng nên buộc phải có biện pháp phòng, chống. Thế thì có cần thiết phải chia tách chúng bằng các nghị định khác nhau cho rối? Trên cơ sở của nghị định “quản lý rượu” hiện hữu, tại sao các bộ không rà soát, tham mưu cho Chính phủ ban hành một nghị định hợp nhất để quản lý chung tất cả đồ uống có cồn thay cho việc “đẻ” thêm nghị định quản lý bia và đồ uống có cồn khác (như Quyết định 244 đòi hỏi)? Trường hợp thấy có thể chồng chéo do Bộ Y tế cũng đang được giao trách nhiệm chủ trì xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, sao Bộ Công Thương không “báo lui” mà “ngoan ngoãn” chấp hành để rồi tới đây có thể gây ra lãng phí lớn cho kinh phí xây dựng văn bản?

Về thể thức là vậy, còn về nội dung thì rất tiếc Bộ Công Thương chưa bỏ nhiều chất xám để dự thảo có được nhiều chế định cần thiết, hợp lý. Nhiều cấm cản trong dự thảo đang làm mọi người giật mình cứ tưởng là “hàng độc”  của Bộ Công thương nhưng không phải. Trong giải pháp kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác, Quyết định 244 yêu cầu “nghiên cứu, đề xuất biện pháp quản lý phù hợp về lượng rượu, bia và đồ uống có cồn khác tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ. Cạnh đó, không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác cho người có biểu hiện say rượu, bia và đồ uống có cồn khác; không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai; không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác tại trường học, bệnh viện, công sở và nơi làm việc khác; không bán rượu, bia và đồ uống có cồn khác trên vỉa hè, bán bằng máy bán hàng tự động… Nói “nghiên cứu, đề xuất biện phápnhưng chẳng rõ Bộ Công Thương đã điều nghiên, tính toán thế nào mà dự thảo chỉ là sự sao chép y xì những định hướng này. Với kiểu làm luật thụ động như thế, dư luận không chê trách về tính khả thi mới là lạ!

Theo thông tin mới nhất thì từ phản ứng của báo chí, Bộ Công Thương sẽ ngồi lại với các bộ khác để có cách xử lý tối ưu nhất cho việc quản lý cả rượu lẫn bia. Chưa biết vụ việc được “gút” theo hướng nào nhưng có lẽ với nhiều nội dung lặp lại nghị định “quản lý rượu” (chỉ có thay chữ “rượu” bằng “bia”) và Quyết định 244 như nêu trên, dự thảo nghị định về sản xuất và kinh doanh bia mà Bộ Công Thương vừa công bố cần phải được nhanh chóng “khai tử”.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm