Xét về động cơ, việc thu phí người xuất cảnh để góp phần bảo hộ, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn; đầu tư, nâng cấp máy móc, kỹ thuật đảm bảo thuận lợi cho công dân khi xuất nhập cảnh; đóng góp vào quỹ phát triển du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh VN ra nước ngoài… là hợp lý. Tuy nhiên, động cơ tốt chưa chắc dẫn đến hiệu quả tốt của chính sách nếu không có kế hoạch hợp lý.
Thứ nhất, nếu áp thuế xuất cảnh thì cần cân nhắc cả đối tượng người nước ngoài chứ không chỉ với công dân VN. Ngay như tại Nhật Bản, “thuế chia tay” (sayonara tax) cũng áp dụng cho cả công dân nước ngoài khi xuất cảnh khỏi Nhật Bản (du khách, người lao động nước ngoài, du học sinh…).
Ở nhiều nước khác, trong khi họ chưa cân nhắc việc đánh thuế xuất cảnh với công dân bản địa thì du khách quốc tế là đối tượng đóng thuế trước tiên. Tất nhiên, thuế du lịch có nhiều hình thức, tên gọi, cơ chế thu khác nhau nhưng tựu trung đều phục vụ mục đích cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ xuất nhập cảnh và du lịch.
Thứ hai, cần minh định cơ sở nào để xác định mức phí 3-5 USD/người. Cần có những điều tra, khảo sát, đối chiếu để đảm bảo mức phí không làm thay đổi nhu cầu xuất nhập cảnh của công dân VN lẫn nước ngoài. Đặc biệt, số tiền thu về hằng năm có thể lên đến hàng chục triệu USD (nếu áp dụng cho tất cả đối tượng xuất cảnh) thì cách thức thu thuế; cơ chế quản lý, phân bổ nguồn thuế thu được phải đảm bảo tính minh bạch, chống thất thoát hay sử dụng sai mục đích.
Các nước thu thuế này thường thông qua các tổ chức trung gian (các cơ quan điều hành du lịch trong nước và ở nước ngoài), kênh chủ yếu là thông qua việc mua vé máy bay, vé tàu hay phương tiện xuất cảnh khác. Nếu không có một cơ chế giám sát đồng bộ, minh bạch thì việc rò rỉ, thất thoát dễ xảy ra.
Vấn đề quan trọng không kém chính là sử dụng nguồn thuế. Trước khi nghĩ đến việc thu tiền, cơ quan chức năng cần có kế hoạch thực hiện các mục tiêu đưa ra, trong đó lấy lợi ích của người xuất cảnh, hình ảnh du lịch VN làm trung tâm. Phải đảm bảo việc thu thuế song song với việc cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao phúc lợi người dân.
Cũng cần nhớ là rất ít quốc gia trên thế giới thu loại thuế này, ngay cả Nhật cũng chỉ mới bắt đầu từ tháng 1-2019 khi họ đã trải qua một thời gian dài nghiên cứu, đầu tư vào hạ tầng lẫn thượng tầng ngành du lịch.
Đóng vài USD để đổi lại dịch vụ tốt hơn, không khí phấn khởi hơn, hạ tầng tốt hơn thì dẫu có phải “chia tay” cũng sẽ không buồn, ngược lại là chuyện khác.