Làm sao để phòng bệnh trong những ngày nắng nóng tại TP.HCM?

Những ngày gần đây, TP.HCM và các tỉnh lân cận đang bước vào những đợt nắng nóng gay gắt với nồng độ bức xạ cực tím (UV) cao dễ gây tổn hại đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi. 

Nhiệt độ tại TP.HCM trong những ngày qua lên đến từ 37- 38 độ C. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Nam Bộ, nếu ra đường vào buổi trưa tính luôn bức xạ nhiệt thì có thể trên 40 độ C. Trong khi đó nắng nóng từ trên 35 độ đã được gọi là thời tiết nguy hiểm, làm mất nước, gây mệt mỏi cho cơ thể.

Bộ Y tế cũng cho biết, thời tiết nắng nóng rất dễ làm cơ thể bị mắc bệnh như sốt virút, bệnh đường hô hấp, tiêu hóa, viêm da do tụ cầu... Bộ Y tế cũng lưu ý, khi nhiệt độ lên cao, cơ thể sẽ ra nhiều mồ hôi, nếu không được bù nước đầy đủ sẽ gây mất nước, điện giải. Thời tiết nắng bức cũng làm cho thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, nhiễm nấm và vi khuẩn, đây là nguyên nhân gây bệnh tiêu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, khi chống nóng bằng biện pháp bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…

Trời nắng nóng dễ khiến cơ thể bị mất nước và làm cơ thể bị mắc các bệnh như hô hấp, tiêu hóa... Ảnh: Nguyên Hà

Vì thế, để chủ động phòng tránh bệnh mùa nắng nóng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…. Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.

- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để quạt thổi trực tiếp gần vào người để phòng bệnh đường hô hấp. 

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Người dân cần uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để đảm bảo đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể.

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đồng thời phải vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm