Làm trọng tài thì phải công minh

Theo bộ trưởng, công an chỉ là lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, có trách nhiệm bảo vệ người thi hành công vụ cũng như tất cả chủ thể hợp pháp khác theo pháp luật. Xem xét kỹ tất cả quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của CSND hay ANND cũng không có điều khoản nào quy định lực lượng này có trách nhiệm đi cưỡng chế, GPMB cả. Nói tóm lại, diễn đạt một cách giản dị thì công an có mặt tại các cuộc cưỡng chế, GPMB tương tự như vai trò “trọng tài” mà “cầu thủ” chính là lực lượng thay mặt cho chủ đầu tư (hoặc chính quyền, trong trường hợp công trình công cộng) thu hồi đất và người bị thu hồi đất (người dân). Ở vị trí này, “trọng tài” sẽ làm nhiệm vụ quan sát và sẵn sàng “thổi còi” khi có bất kỳ hành vi vi phạm luật nào của cả hai đội, tuyệt nhiên trọng tài không được thiên vị hay “đá thay” cho một trong hai đội. Thế nhưng thời gian qua nhiều người dân đã hiểu lầm CAND chính là lực lượng cưỡng chế, thu hồi đất. Sự hiểu lầm này không chỉ thể hiện ở việc người dân sử dụng các biện pháp để đối phó với công an, mà còn chỗ họ đưa đơn khiếu kiện, tìm kiếm sự phân xử, đòi quyền lợi cho mình từ... cơ quan công an! Cạnh đó trong một vài cuộc cưỡng chế gây xôn xao dư luận thời gian qua lại thấy lực lượng công an giữ vai trò chủ chốt với việc xây dựng phương án tác chiến, đưa ngay lực lượng vũ trang cùng chó nghiệp vụ, vũkhí... vào cuộc cưỡng chế ngay từ đầu. Có cuộc còn thấy lực lượng mặc áo công an còn chủ động tấn công, khống chế đối tượng (nghi ngờ là) chống đối cốt để giành lại mặt bằng cho chủ đầu tư! Xét theo ý kiến bộ trưởng, các hành vi như vậy đều không đúng chức năng, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của CAND. Và thay mặt cho lãnh đạo, người đứng đầu ngành công an đã thẳng thắn xin “rút kinh nghiệm” về sự hiểu sai nói trên, song dư luận xã hội lại thấy việc cần làm ngay là “trọng tài” nên thể hiện sự công bằng trong thực thi nhiệm vụ, là “thổi còi” cả lực lượng cưỡng chế khi có biểu hiện sai!

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm