Ca thứ nhất là bệnh nhi Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao sáu tuổi), bị động kinh toàn thể từ lúc năm tháng tuổi. Bé Giao đã được điều trị phối hợp 3-4 loại thuốc chống động kinh liều cao nhưng vẫn không kiểm soát được cơn. Hiện tại bé vẫn bị 3-5 cơn co giật toàn thể mỗi ngày.
Bé Giao được chẩn đoán bị hội chứng Sturge - Weber là một bệnh lý tổn thương não lan tỏa bẩm sinh, sẽ gây động kinh kháng trị và chậm phát triển tâm thần - vận động. Bé được chụp cộng hưởng từ và đo điện não để xác định ổ tổn thương gây động kinh. Các BS đã chỉ định mổ cắt thể chai để cắt mối liên kết giữa hai bán cầu đại não, vì chỉ phẫu thuật mới hy vọng sẽ làm giảm số cơn và độ nặng của cơn động kinh.
Một ca phẫu thuật cho trẻ bị động kinh. Ảnh: TÙNG SƠN
Ca thứ hai là bệnh nhi Trương Nguyễn An Thịnh (bốn tuổi), bị té từ trên giường xuống đất lúc 10 tháng tuổi, bị xuất huyết não và phải phẫu thuật để lấy máu tụ. Sau đó bệnh nhi bị động kinh liên tục, hơn 10 cơn co giật mỗi ngày.
Bé Thịnh cũng đã được điều trị nhiều nơi, uống rất nhiều thuốc chống động kinh, thậm chí được điều trị ghép tế bào gốc ở một BV khác nhưng bệnh tình không suy giảm. Bé bị chậm phát triển tâm thần vận động nặng.
Kết quả chụp hình ảnh cộng hưởng từ và điện não đồ của bé Thịnh cho thấy ổ thương tổn do chấn thương sọ não lần trước gây động kinh. Bé được chỉ định cắt nửa bán cầu đại não bị tổn thương nhằm điều trị tình trạng động kinh kháng trị.
Theo TS-BS Định, phẫu thuật động kinh là sự chọn lựa tốt cho những trường hợp bị động kinh kháng trị với các thuốc chống động kinh, nhằm giúp cho bệnh nhân hết bệnh hoàn toàn hoặc làm giảm độ nặng của bệnh. Sau phẫu thuật bệnh nhân thường vẫn phải tiếp tục uống thuốc thêm tối thiểu ba tháng nữa và theo dõi liên tục để đánh giá hiệu quả điều trị.
Tại Việt Nam, đã có một số trung tâm đã thực hiện trên người lớn, tuy vậy đây là lần đầu tiên phẫu thuật điều trị động kinh được thực hiện trên trẻ em tại các tỉnh phía Nam.