Làng Chăm Châu Phong, An Giang: Bà Năm hòa giải

Bà Năm đang nằm thiu thiu dỗ giấc ngủ trưa, có tiếng đứa cháu kêu: “Bà ơi, vợ chồng Mohamad và Khoti Chah đang gây lộn rầm trời kìa!”. Bà Năm choàng dậy quơ chiếc khăn đội lên đầu rồi tất tả đi làm nhiệm vụ.

Đừng để tới “ta lalá” (*)

Anh chồng Mohamad nổi xung thiên, đỏ mặt tía tai gằn giọng: “Mày muốn tao “ta lalá” không?”. Chị vợ Khoti Chah cũng lớn tiếng thách: “Có ngon thì nói đi”. Vẹt đám đông đang bu trước sân, bà Năm xông vô. Anh chồng vừa mới nói được chữ “ta” đã bị bà Năm bịt miệng bảo “im!”. Thấy mặt bà Năm, tự nhiên hai vợ chồng Mohamad hết la hét, mỗi người tìm một góc ngồi im. Chuyện bất hòa chỉ do Mohamad đi làm về mệt nhưng chưa có cơm ăn nên mắng vợ. Bà Năm từ tốn giải thích: “Chưa có cơm thì chờ một chút có cơm. còn con vợ, thấy thằng chồng đang đói, mệt thì nên nhịn một chút. Tụi bây muốn “ta lalá” lắm phải hông? Nếu vậy thì con cái tụi bây sẽ bơ vơ, gia đình tan nát, muốn sum họp lại thì vợ chồng còn có thể nhìn mặt nhau sao?”. Hai vợ chồng Mohamad nghe ra, rối rít xin lỗi bà Năm và hứa sẽ không gây gổ nữa.

Không chỉ hòa giải chuyện gia đình, ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (Tân Châu, An Giang), hễ có xích mích, gây gổ thì mọi người “vời” bà Năm đến là xong. ít khi phải đưa sự việc ra đến ông sãi cả hoặc chính quyền địa phương. Ai hỏi có bí quyết gì, bà cười hà hà: “Có bí quyết gì đâu, hòa giải phải nhẹ nhàng, kiên trì thuyết phục. Nói điều hay lẽ phải thì... con kiến trong hang cũng phải bò ra”. Cứ nhỏ to khuyên nhủ, vừa nói nôm na pháp luật hiện hành, vừa đưa luật tục ngàn đời của người Chăm ra răn dạy, gần 30 năm qua bà Năm đã hàn gắn rất nhiều gia đình rạn nứt, hóa giải được nhiều mối bất hòa trong cộng đồng người Chăm ở ấp, ở xã.

Một đời đa đoan

Căn nhà bà Năm thuộc dạng nghèo, sàn mái và vách đều bằng tôn nằm thoi loi giữa hai bụi tre gai rậm rì. Bà Năm vui vẻ khoe: “Xã mới cất cho hồi giữa năm đó. Trước đây mái lá, vách lá mục nát hà!”. Lôi trong chiếc bao nylon to tổ bố ở góc nhà ra hàng xấp giấy khen của UBND xã Châu Phong, UBND huyện Tân Châu, bằng khen của UBND tỉnh An Giang, bà Năm khoe: “Gia tài quý nhất của bà từ hồi năm 1975 bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng tới nay đó!”. Giấy khen, bằng khen của bà Năm đều có câu “Xuất sắc trong phong trào vận động toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” hoặc “Xuất sắc trong phòng trào xóa mù chữ phổ cập giáo dục tiểu học, kế hoạch hóa gia đình,...”.

Ông Ali - người cùng xóm, trạc tuổi bà Năm kể rằng hồi những năm 1980-1990, nhiều gia đình Chăm sinh con không làm khai sinh nên đứa trẻ 7-8 tuổi mà vẫn chưa đi học. Bà Năm gom hết mấy đứa đến tuổi ra lớp đem gửi ở trường tiểu học, xin với thầy cô cho bổ sung khai sinh sau. Tự bà bỏ công đi làm khai sinh và hướng dẫn cha mẹ cách làm khai sinh cho con. Chỉ sau vài năm, trẻ em trong làng Chăm đều được đến trường và nạn trẻ không có khai sinh cũng chấm dứt. Hồi còn làm việc, mỗi sáng bà Năm đến xã dự họp; đúng 12 giờ 30 trưa, bà ra thánh đường cầu nguyện cùng làng xóm rồi sau đó phổ biến lại những điều vừa nghe trong cuộc họp cho cả cộng đồng. Những hôm không có “chuyện thời sự”, bà Năm mang chuyện làng xóm ra phân tích thiệt hơn, khuyên răn lớp trẻ.

Gần hai năm nay bà đã nghỉ công tác ở hội phụ nữ và tổ hòa giải nhưng mỗi khi trong cộng đồng có gây gổ, xích mích, có người gọi là bà lại đội khăn lọ mọ đi hòa giải, khuyên nhủ. Nhiều người hỏi sao không lo an dưỡng tuổi già, bà Năm nói: “Bà con tin tưởng mình nên mới tìm tới nhờ cậy, không đi sao được. Tui có một thân một mình ngồi một chỗ hoài cũng buồn, dễ sinh bệnh”. Nói xong, bà cười hà hà thật lớn, thật sảng khoái. Có lẽ vì hay cười thật to trong lúc trò chuyện nên lâu nay người dân Phũm Xoài gần như quên tên cúng cơm của bà là Châu Thị Mai mà chỉ quen gọi bằng biệt danh “bà Năm cười, bà Năm hòa giải”.

Bà Lâm Lệ Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong: “Bà Năm rất có uy tín đối với cộng đồng người Chăm. Dù đã lớn tuổi nhưng bất cứ ai nhờ vả điều gì bà cũng nhiệt tình giúp đỡ. Nhờ bà Năm mà từ trước đến nay chưa có gia đình người Chăm nào đưa nhau ra chính quyền, tòa án ly hôn”.

HÙNG ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới