Làng dệt lụa Mã Châu sẽ đi về đâu!?

Làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa Mã Châu (thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) là nơi được mệnh danh là xứ sở của tơ lụa dù trải qua bao thăng trầm. Nhưng bây giờ đang dần vắng lặng tiếng thoi đưa...

Truyền thống từ hơn 400 năm trước

Làng nghề Mã Châu đã nổi danh trong và ngoài nước hơn 400 năm. Từ những năm đầu thế kỷ XV, XVI, khi thương cảng Hội An thịnh vượng, giao thương rộng rãi với nhiều quốc gia trên thế giới thì hàng hóa từ xứ Đàng Trong cũng theo đó phát triển mạnh mẽ. Làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của người Quảng Nam đôi bờ sông Thu Bồn cũng đã nổi danh vì sản xuất được nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc..., không những bán trong nước mà còn được bán ra nước ngoài.

Cũng thời điểm đó, cảng Hội An đã trở thành trung tâm trung chuyển con đường tơ lụa quốc tế xuyên biển (khoảng thế kỷ XVI, XVII) nối liền Tây Âu với vùng Viễn Đông xa xôi. Làng dệt Mã Châu có vóc dáng đặc trưng của một làng quê Việt Nam yên bình với những khu vườn xanh tốt, những hàng chè, hàng cau thẳng tắp và những gương mặt thân thiện luôn luôn nở nụ cười. Nằm trên tuyến đường từ Hội An đi Mỹ Sơn.

Sau hơn bốn thế kỷ sinh tồn, tiếng khung cửi dệt lụa Mã Châu cũng đang thưa dần. Người dân ở đây phá dâu trồng các hoa màu có lợi ích theo thời vụ, ai yêu nghề lắm cũng phải lưu lạc nhiều nơi như TP.HCM, Đà Lạt... để tìm thị trường lớn hơn. Đến thăm HTX Mã Châu, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh thanh bình: những cô gái Mã Châu duyên dáng cần mẫn dệt vải. Những tấm lụa Mã Châu được đưa đi tiêu thụ nhiều nơi trong nước và cũng như nước ngoài. Năm 2005, Mã Châu được công nhận Làng nghề truyền thống. Trong hành trình “Một điểm đến - Hai di sản”, đây là một trong ba làng nghề được chọn vào năm lễ hội quốc gia.

Làng nghề Mã Châu được gọi “Tam thi tứ mã” nổi tiếng là trồng dâu - nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa với những khung cửi thủ công, dệt tay làm ra các mặt hàng như lãnh, sa nhiễu, the, lương, đũi, đệm. Trải qua một thời gian dài nghề dệt lụa Mã Châu gặp khó khăn về thị trường, một số hộ đã chuyển sang nghề dệt vải.

Đâu là hướng đi?

Theo thống kê của Phòng Công thương huyện Duy Xuyên, làng dệt Mã Châu hiện còn khoảng hơn 70 khung dệt các loại, cung cấp gần 40.000 m vải, cả làng có khoảng 12 hộ theo nghề dệt. Theo ông Nguyễn Thùy (81 tuổi) và Nguyễn Sang (72 tuổi) - hai nghệ nhân lâu đời nhất của làng kể lại, vào đầu thế kỷ XX là thời kỳ dệt Mã Châu hưng thịnh nhất, các khâu trong quy trình sản xuất đều được các nghệ nhân trong làng thực hiện khép kín từ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa... Thế nhưng bây giờ làng dệt Mã Châu chỉ còn một công việc là dệt lụa.

Thời kỳ hưng thịnh nhất cả làng có trên 30 ha trồng dâu để nuôi tằm lấy kén, tự cung nguồn tơ. Nhưng nay con số đó chỉ còn không tới 2 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí sản xuất tơ tại chỗ và không thể cạnh tranh nổi với tơ của Trung Quốc.

“Hơn 30 năm tôi làm nghề dệt lụa nhưng bây giờ chỉ chạy cầm chừng, không biết còn chạy đến bao giờ, chúng tôi lòng buồn như tơ vò! Vì sản phẩm làm ra đâu còn tơ nguyên chất của làng, mà dùng tơ hỗn hợp của Trung Quốc…” - chị Nguyễn Thị Thọ, một thợ dệt lâu năm nói. Ông Trần Hữu Phương, chủ nhiệm HTX cho biết: “Giá mỗi kg sợi poliester là 30.000 đồng, giá sợi bông 40.000 đồng còn sợi tơ tằm đến 800.000 đồng. Vì vậy, giá thành vải tơ tằm rất cao, đầu ra khó khăn. Chưa kể đến việc trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, kéo tơ còn phụ thuộc vào nhiều điều kiện khắt khe của thời tiết”.

Khó kết hợp với du lịch

Là nơi “Một điểm đến - Hai di sản”, nằm trên tuyến đường phố cổ Hội An - thánh địa Mỹ Sơn, tại sao chúng ta không thể phát triển làng nghề dệt lụa Mã Châu kết hợp với du lịch? Đặt vấn đề này với ông Phương, chúng tôi nhận được cái lắc đầu. Ông Phương bộc bạch: “Do khu vực chăn nuôi tằm để lấy kén rất kiêng kỵ đối với người lạ, con tằm nhạy cảm với môi trường. Do đó, nếu có mùi lạ thì con tằm sẽ bỏ ăn, có thể chết. Ngoài ra, du khách muốn trở thành “nghệ nhân dệt lụa” ngồi vào dệt thử, nếu bị lỗi một chút thôi thì coi như tấm lụa đó phải bỏ đi. Vì vậy, nhiều hộ gia đình cũng không thiết tha với việc du lịch kết hợp làng nghề truyền thống.

Muốn hình thành khu du lịch làng nghề truyền thống, tại đây nên xây dựng nhiều cửa hàng lưu niệm, trưng bày sinh động quá trình từ trồng dâu nuôi tằm đến ươm tơ dệt lụa... Chúng ta đã có sẵn làng dệt lụa Mã Châu với mỗi ngày đón hàng trăm du khách quốc tế. Nhưng khi họ từ Mỹ Sơn trở về, đi ngang qua làng Mã Châu, chẳng có ai biết làng này đã tồn tại bốn thế kỷ với một nghề duy nhất ươm tơ dệt lụa!? “Nhưng tôi tin lăng bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi còn đó thì nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa Mã Châu sẽ không bao giờ mất” - nghệ nhân dệt lụa Nguyễn Sang (72 tuổi) nói vọng theo khi chúng tôi rời xa làng.

Năm 1615, ở làng Mã Châu diễn ra một thiên tình sử giữa thôn nữ Đoàn Thị Ngọc Phi với chúa Nguyễn Phúc Lan. Khi cô thôn nữ hái dâu chăn tằm trở thành bà chúa Đoàn Quý Phi, với tấm lòng thương người bà truyền dạy cho khắp cư dân sống bên bờ sông Thu Bồn nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Và quê hương Mã Châu, một thời Duy Xuyên của bà ngày càng trở nên thịnh vượng với nghề truyền thống này.

TĨNH KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm