Lập biên bản vi phạm hành chính phụ huynh không cho con tiêm vaccine COVID-19: Không nên!

(PLO)- Chuyên gia phòng chống dịch COVID-19 cho rằng cách phường Trần Phú, ở Móng Cái, Quảng Ninh lập biên bản vi phạm hành chính với người cha không cho con tiêm vaccine là không phù hợp với tình hình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dư luận những ngày qua xôn xao trước thông tin UBND phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh vì không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19.

Sự việc khiến không chỉ phụ huynh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mà các bậc cha mẹ ở nhiều nơi khác cũng cảm thấy băn khoăn.

Trường hợp trẻ không tiêm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh là không phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Ảnh minh họa: Bác sĩ đang khám cho học sinh trước khi tiêm vaccine ở Quảng Ninh. Ảnh: CDC QUẢNG NINH
Trường hợp trẻ không tiêm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh là không phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Ảnh minh họa: Bác sĩ đang khám cho học sinh trước khi tiêm vaccine ở Quảng Ninh. Ảnh: CDC QUẢNG NINH

Trao đổi với PLO về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tới nay, chưa có một hướng dẫn/quy định nào của cơ quan phòng chống dịch yêu cầu hay bắt buộc mọi người phải tiêm vaccine phòng COVID-19. Thay vào đó, chính quyền các cấp tập trung vận động, khuyến khích người dân hiểu rõ vai trò của vaccine trong vấn đề phòng ngừa dịch bệnh, giảm nguy cơ diễn tiến nặng nếu mắc COVID-19.

"Không có quy định nào là bắt buộc mọi người phải tiêm, hay phải quy trách nhiệm liên quan đến vấn đề gây dịch bệnh nếu không tiêm. Trường hợp trẻ không tiêm và lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh là không đúng với tình hình dịch hiện nay. Quy định địa phương phải dựa trên quy định của quốc gia, không nên dùng biện pháp khắt khe ảnh hưởng đến tâm lý người dân” – PGS Hùng nêu quan điểm.

Chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn cũng cho biết, dịch bệnh hiện nay cơ bản đã được khống chế, biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng phần lớn ca bệnh đều triệu chứng nhẹ, hầu hết đều tự cách ly, điều trị. Đối tượng chuyển nặng cần vào viện điều trị, can thiệp oxy chủ yếu là người già, người có bệnh lý nền kèm theo, người suy giảm miễn dịch…

“Từ thực tế đó, chính sách chống dịch cũng cần linh hoạt hơn. Việc tiêm vaccine luôn là khuyến khích, vận động dựa trên sự tự nguyện của người dân, chứ không nên ép buộc” – ông Hùng nói.

Theo PGS Hùng, vaccine phòng COVID-19 được đánh giá có tác dụng chủ yếu trong vấn đề giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng, tử vong chứ chưa có hiệu quả cao về phòng lây nhiễm. Tỷ lệ mắc COVID-19 giữa chưa tiêm, với người có tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đầy đủ mũi 3, 4 không khác biệt.

Với tinh chất như vậy, các giải pháp của Bộ Y tế thúc đẩy tiêm vaccine phòng COVID-19 chủ yếu dưới hình thức vận động, tuyên truyền. Mới đây nhất, tại lễ phát động chiến dịch truyền thông "Vui Trung thu và tựu trường an toàn", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiếp tục kêu gọi các bậc cha mẹ cho con từ 5 tuổi đi tiêm ngừa.

Căn cứ là không chỉ từ thực tiễn phòng chống đại dịch ở Việt Nam, mà từ Tổ chức Y tế giới (WHO) cũng như nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục khẳng định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, kể cả đối với các biến chủng mới.

Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 cho người dân. Hơn 80 quốc gia đã tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.

Dữ liệu toàn cầu cho đến nay vẫn chưa thấy bằng chứng khoa học nào về việc vaccine phòng COVID-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khoẻ người dân, nhất là trẻ em. Hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh sau 3-5 tháng, vì vậy để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chiến dịch được Bộ Y tế phát động kéo dài đến 30-9, hướng đến mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19 để có miễn dịch chủ động với virus SARS-COV-2.

Tính đến hết ngày 4-9, cả nước đã tiêm được 257.439.674 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó: Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.532.117 liều: Mũi 1 là 9.093.688 liều; Mũi 2 là 8.822.554 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.615.875 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 15.704.478 liều: Mũi 1 là 9.478.938 liều; Mũi 2 là 6.225.540 liều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm