Lệnh truy nã - Bài 5: Vì sao tìm được tôi?

Ngay lúc này, Quách Văn Khá, 60 tuổi, đang bị biệt giam trong một trại giam ở tỉnh Cà Mau chờ ngày thi hành án tử hình. Trong tù, dù đã bị nhốt hơn một năm qua nhưng hắn vẫn lẩm bẩm mãi câu: “Vì sao ông tìm được tôi?”.

Cuộc tẩu thoát hoàn hảo

Tháng 7-2009, tội phạm truy nã Quách Văn Khá bị bắt. Với tội ác tày trời của mình, hắn tin tưởng mình phải chết. Xem như không còn gì để mất, hắn tiết lộ cuộc trốn thoát siêu hoàn hảo của mình.

Ngày 1-9-2001, tại ấp Bình Minh 1, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau xảy ra một vụ án kinh hoàng. Vợ chồng anh Võ Văn Việt và chị Trần Anh Loan bị ai đó khóa cửa ngoài, dùng xăng phóng hỏa thiêu chết lúc nửa đêm.

Sau này Khá khai, do có mâu thuẫn về đất đai từ trước nên y sinh lòng hận thù với vợ chồng anh Việt. Khoảng 1 giờ ngày 1-9-2001, Khá mang một can nhựa chứa đầy xăng mua từ chiều hôm trước, lẻn đến trước cửa sổ nhà Việt phóng hỏa. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng do bỏng quá nặng, ngày 3-9-2001 anh Việt tử vong. Hai ngày sau, chị Loan cũng theo số phận của chồng.

Trong ngày đại tang của cặp vợ chồng này, người ta thấy Quách Văn Khá - là anh rể của Việt, ở giáp ranh đất với Việt nhiệt tình lo tang lễ, đúng mực với vai trò một người anh trong gia đình. Khi công an đến điều tra, cũng chính Khá là người hăng hái cung cấp thông tin. Hắn ta ăn nói lưu loát hòng qua mặt mọi người. Không ai nghi ngờ hắn, trừ ánh mắt vị trưởng phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Cà Mau lúc bấy giờ. Ánh mắt ấy đã nhìn chằm chằm vào hai cánh tay bị cháy hết lông của hắn. Lúc hắn bật quẹt phóng hỏa, ca xăng phựt, lửa táp ngược lại hai tay hắn.

Lệnh truy nã - Bài 5: Vì sao tìm được tôi? ảnh 1

Một khúc sông Trẹm, thuộc huyện Thới Bình, Cà Mau - nơi tên Khá từng ngủ khì trong đám dừa nước khi canô công an truy lùng đục nước sông. Ảnh: TRẦN VŨ

Khoảng 3 giờ sáng, khi mọi người ngủ say, hắn xuống một chiếc xuồng be tám (xuồng ba lá, loại nhỏ, không chở quá hai người) cùng một cây dầm. Hắn ngồi trước mũi xuồng, bắt đầu bơi, kiểu như người ta đi giăng câu thả lưới dưới sông. Cho dù có ai nhìn thấy hắn cũng không thể ngờ được một tội phạm giết người đang lẩn trốn. Bởi hắn không có mang theo bất kỳ thứ tư trang gì, chỉ độc một bộ đồ dính da, túi rỗng.

Hắn bơi luồn lách trong những con rạch nhỏ trổ ra sông Đốc, ngược về hướng sông Trẹm. Kế hoạch hắn vạch ra là cứ men theo dòng sông Trẹm, đêm thì bơi, ngày thì chui vào những đám lá dừa nước um tùm hai bên bờ sông Trẹm để trốn. Khi đói, hắn lấy danh nghĩa một gã câu tôm mê luồng tôm nên lỡ đường, ghé nhà dân xin ăn. Một cách giảm đói rất hữu hiệu nữa là ăn trái dừa nước, thứ trái cây có đầy hai bên bờ sông. Cứ thế hắn bơi bảy đêm, xuyên qua tỉnh Kiên Giang, thấu đến tỉnh An Giang, một nơi hắn không hề có được một người quen biết.

Sau này hắn mới tiết lộ, sở dĩ hắn tìm đến An Giang, nơi không hề có một người thân là vì hắn biết một chút về nghiệp vụ truy tìm tội phạm. Trước năm 1975, hắn từng tham gia truy bắt tội phạm cho chế độ cũ. Hắn từng kể: “Tôi biết các ông muốn tìm tôi thì các ông sẽ bắt đầu từ những mối quan hệ người thân, bạn bè, dòng họ tôi. Bởi vậy, tôi không bao giờ liên hệ với bất kỳ ai mà tôi từng quen biết. Khi ấy, tôi xem như mình vừa đầu thai kiếp khác, không có vợ con, họ hàng gì cả”.

Truy lùng

Sự biến mất của Quách Văn Khá như có phép màu. Không ai có thể hiểu nổi một tên cụt hai chân đến gần đầu gối lại có thể tẩu thoát một cách thần thánh, không để lại một dấu vết như vậy. Ngay sáng hôm sau, khi phát hiện hắn mất tích, cảnh sát đã chốt chặn tất cả cửa ngõ trên cả hai tuyến đường sông và đường bộ. Một đội canô rảo tìm trên các dòng sông Cà Mau. Đâu ai ngờ khi đó tên Khá đang ngủ khì trong một đám dừa nước um tùm ven dòng sông Trẹm.

Lệnh truy nã - Bài 5: Vì sao tìm được tôi? ảnh 2

Tên tội phạm Quách Văn Khá. Ảnh: TRẦN VŨ

Công an tỉnh Cà Mau hạ quyết tâm truy lùng Quách Văn Khá bằng mọi giá. Trinh sát rà soát không bỏ sót bất kỳ một mối quan hệ nào của hắn. Các nơi như Dăk Lăk, chỗ cư ngụ của một người sui gia với tên Khá; Lâm Đồng, nơi tên Khá có những đồng đội cũ thời ngụy quyền; hay đảo Phú Quốc, nơi mà sau này vợ con tên Khá chuyển đến sinh sống… đều nhẵn dấu chân trinh sát. Cơ sở của cảnh sát cũng được cài đặt tại tất cả những nơi Khá có mối quan hệ nhưng đều vô ích, không có một manh mối nào.

Trong khi đó, Khá đang sống ở tỉnh An Giang, trong vai một gã tật nguyền, cơ nhỡ, hiền lành và đàng hoàng. Hắn tìm đến những người có ghe, tàu xin làm người trông coi ghe, không ăn lương, chỉ ăn cơm. Vài tháng sau đó, hắn trúng lô an ủi xổ số kiến thiết được 8 triệu đồng. Số tiền này hắn sắm ghe tam bản, mua máy đuôi tôm, kết duyên với một phụ nữ và bắt đầu một cuộc sống mới. Hắn mưu sinh trên các dòng sông ở An Giang bằng đủ các nghề từ mua bán, mài dao kéo, mua phế liệu… Cái mui ghe và chốn không người quen biết tiếp tục cho hắn một cuộc sống tự do, tưởng chừng như sẽ đến cuối đời.

Phát hiện

Trinh sát Tùng kể: “Chúng tôi mòn mỏi và tuyệt vọng về tên tội phạm Quách Văn Khá. Đôi khi tôi tự an ủi mình rằng có lẽ hắn đã chết rũ xương đâu đó trên đường lẩn trốn. Nhưng không ngờ vào một buổi chiều, hắn đã bỗng dưng xuất hiện, trong một tình huống hoàn toàn ngoài dự định của tôi”.

Một buổi chiều đầu tháng 7-2009, trinh sát Tùng một mình chạy xe máy từ Cà Mau đi tỉnh An Giang để theo học một lớp nghiệp vụ. Khi đi ngang qua địa bàn ấp Đông An, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang, anh thấy một con người có cách đi lạ mắt bên lề trái đường. Hình ảnh đi như quỳ của người đàn ông ấy cứ lởn vởn trong đầu. Một sự liên tưởng về vóc dáng của tội phạm Quách Văn Khá khiến anh thắng xe, quay đầu trở lại. Lúc này anh đã đi khỏi người đàn ông lạ gần 5 km.

Chạy lại gần đối tượng nghi vấn ấy, anh Tùng đậu xe vào lề, quan sát tướng đi của ông ta. Gặp một người dân địa phương đi qua, anh Tùng hỏi thăm:

- Thím Hai, thím Hai. Ông đó có cái tướng đi lạ quá!

Bà này bảo:

- Ừ! thì ông ta cụt cả hai chân, đến gần đầu gối nên đi vậy.

- Ông ấy người gốc xứ này hả thím?

- Không. Nghe nói gốc gác ở An Giang hay Cà Mau gì đó.

Nghe nói đến từ Cà Mau, anh Tùng toát mồ hôi, hỏi tiếp:

- Ông ta tên gì? Cụt chân như vậy làm gì sống thím Hai ha?

- Ở đây người ta gọi là ông Hai Cụt. Ông mua dây lác đập dập để bán cho người ta dùng làm dây trói cua.

Tùng mừng rơn trong bụng, vờ chạy xe đi không quan tâm đến tên cụt nữa nhưng ông cố quan sát thật kỹ khuôn mặt hắn ta. Có lẽ thời gian và sự dằn vặt tội ác đã biến hắn thành một ông lão đầu trắng, với gương mặt đầy khắc khổ, gần như không thể nhận dạng được, trừ hai cái vành tai dão là không thay đổi bao nhiêu.

Quay về Cà Mau, anh Tùng lật lại hồ sơ truy nã và quả quyết tên cụt ở Tân Hiệp chính là Quách Văn Khá. Anh cùng một đồng nghiệp lên đường đến Tân Hiệp.

Quách Văn Khá lúc này đang ngồi đập dập những sợi dây lác một góc căn nhà thuê của hắn. Tùng đến hỏi thăm về công việc, hắn vô tư trả lời, không chút nghi ngờ. Anh hỏi thăm thêm về hoàn cảnh gia đình, hắn có vẻ đăm chiêu. Chợt Tùng kêu: “Ông Khá!”. Hắn giật bắn người, cái cây đập dây trên tay hắn lỡ nhịp. Khi phải tra tay vào còng, hắn run rẩy, lẩm bẩm: “Vì sao ông tìm được tôi?”.

Trinh sát Tùng lạc quan: “ Nhờ nắm rất rõ hồ sơ, lý lịch, hình ảnh của đối tượng Khá nên khi nhìn thấy hắn dù đã thay đổi rất nhiều, tôi vẫn nhận ra”.

TRẦN VŨ

Kỳ tới: Lòng người thay súng đạn

Một nữ trưởng phòng truy nã suốt gần 30 năm làm công an, đối diện với nhiều loại tội phạm nhưng chưa bao giờ nổ súng. Một trinh sát thức trắng đêm để chờ tên tội phạm sum họp với gia đình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm