LHQ bị kiện

4 giờ 53 chiều 12-1-2010, động đất mạnh 7 độ Richter xảy ra tại Haiti. Tâm chấn chỉ cách thủ đô Port-au-Prince 25 km. Động đất gây thiệt hại vô cùng to lớn. Hơn một tháng sau đó, Bộ trưởng Thông tin Marie-Laurence Jocelyn Lassegue cho biết có hơn 230.000 người chết, 300.000 người bị thương, 1,2 triệu người không nhà ở.

8.300 người chết vì dịch tả

Sau động đất năm 2010, dịch tả hoành hành ở Haiti như chỗ không người. Từ đó đến nay đã có 650.000 người mắc bệnh dịch tả, trong đó 8.300 người đã tử vong. Tháng 6-2011, Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ đã tiến hành điều tra và kết luận: Thủ phạm góp phần gây bệnh dịch tả chính là lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Haiti.

Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Haiti được thành lập vào năm 2004 nhằm gìn giữ hòa bình, tái lập pháp quyền, bảo vệ nhân quyền và phát triển kinh tế, xã hội ở Haiti. Sau động đất, các binh sĩ làm thêm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở Haiti.

Từ ngày 9 đến 16-10-2010, tức chín tháng sau động đất, 1.075 lính mũ nồi xanh người Nepal đã được điều động đến Haiti. Trước khi đến Haiti, họ đã tham gia huấn luyện tại thung lũng Katmandu (Nepal) là nơi đang có bệnh dịch tả hoành hành.

LHQ bị kiện ảnh 1

Tháng 11-2010, nhiều cuộc biểu tình xảy ra ở thủ đô Port-au-Prince quy kết lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Haiti gây ra bệnh dịch tả. Ảnh: GETTY IMAGES

Tại Haiti, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ người Nepal đóng quân ở thị trấn Méyè cách thủ đô Port-au-Prince khoảng 40 km và cách sông Artibonite chỉ vài mét. Sông Artibonite lớn nhất Haiti là nguồn nước chính phục vụ người dân. Lính mũ nồi xanh Nepal đã thải chất thải làm ô nhiễm con sông. Sau đó, bệnh dịch tả có điều kiện lan rộng do điều kiện sinh hoạt và vệ sinh cực kỳ khó khăn sau động đất.

Tuần trước, vào ngày 9-10, tức hơn ba năm rưỡi sau động đất, các luật sư đại diện cho những người mắc bệnh dịch tả ở Haiti đã đệ đơn lên tòa án ở New York (Mỹ) kiện LHQ đòi bồi thường. Tại cuộc họp báo, luật sư Ira Kurzban giải thích đơn kiện tập thể do năm công dân Haiti đứng tên đại diện cho các bệnh nhân mắc bệnh dịch tả.

Báo cáo của Đại học Yale

Công trình nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) cũng đã đưa ra kết luận tương tự Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ.

Đầu tháng 8 mới rồi, các nhà khoa học ở trường Luật và trường Y tế cộng đồng thuộc Đại học Yale cùng Hiệp hội Luật môi trường Haiti đã công bố báo cáo có tựa đề Gìn giữ hòa bình vô trách nhiệm. Báo cáo phân tích toàn diện các bằng chứng dịch tễ học cho thấy lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã mang dịch tả đến Haiti.

Báo cáo của Đại học Yale đưa ra bốn kết luận quan trọng:

- Các bác sĩ không phát hiện bất kỳ dấu hiệu lây lan dịch tả nào ở Haiti trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ từ Nepal đến Haiti.

- Trong khu vực đầu tiên phát bệnh dịch tả có căn cứ của lực lượng mũ nồi xanh LHQ.

- Các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã nhiễm dịch tả từ Nepal. Chất thải của họ đã làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước gần doanh trại.

- Dòng vi khuẩn tả gây đại dịch ở Haiti có nguồn gốc từ dòng vi khuẩn tả Nam Á ở Nepal.

LHQ vi phạm các nguyên tắc của LHQ

Với bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh bệnh dịch tả có nguồn gốc từ hệ thống xử lý nước thải không đầy đủ tại doanh trại lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Haiti, báo cáo của Đại học Yale chỉ ra theo luật pháp quốc tế, LHQ đã vi phạm các nghĩa vụ khi từ chối cung cấp diễn đàn để giải quyết khiếu nại của các bệnh nhân dịch tả Haiti.

Theo Hiến chương LHQ và Công ước về đặc quyền và quyền miễn trừ của LHQ, LHQ được miễn bị kiện tại hầu hết các tổ chức tài phán quốc tế và các quốc gia. Do đó, LHQ phải cung cấp cho bên thứ ba các cơ chế nhất định để quy trách nhiệm nếu LHQ có hành động sai trái trong hoạt động gìn giữ hòa bình.

LHQ thường giải quyết trách nhiệm trong hoạt động giữ gìn hòa bình thông qua Thỏa thuận về tình trạng của lực lượng vũ trang ký kết với nước chủ nhà. Haiti đã ký thỏa thuận như vậy với lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Haiti vào năm 2004.

Báo cáo của Đại học Yale ghi nhận theo thỏa thuận trên, LHQ cam kết thành lập một ủy ban thường trực để xem xét các khiếu nại của bên thứ ba, bao gồm khiếu nại đòi bồi thường cho các thiệt hại xảy ra từ hoạt động gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, LHQ đã không thành lập một ủy ban như vậy.

Thỏa thuận về tình trạng của lực lượng vũ trang cũng yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ ở Haiti phải tuân thủ luật pháp địa phương. Từ đó, báo cáo của Đại học Yale kết luận LHQ đã không tôn trọng nhân quyền của các nạn nhân mắc bệnh dịch tả ở Haiti (các quyền được tiếp cận nước sạch, chăm sóc y tế và bồi thường).

Báo cáo lưu ý LHQ cũng vi phạm các nguyên tắc mà hầu hết các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế cam kết tuân thủ:

- Thứ nhất, LHQ vi phạm “nguyên tắc không gây hại”. Nguyên tắc này đòi hỏi các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về quản lý nước và vệ sinh nhằm ngăn ngừa phát tán dịch bệnh.

- Thứ hai, LHQ vi phạm “nguyên tắc giải trình trách nhiệm” đối với các nạn nhân dịch tả ở Haiti vì LHQ thoái thác trách nhiệm bồi thường cũng như không thiết lập ủy ban xem xét khiếu nại.

Báo cáo khuyến nghị LHQ cần nhận trách nhiệm, xin lỗi các nạn nhân dịch tả ở Haiti, xác nhận quyền lợi pháp lý của các nạn nhân, có biện pháp ngăn chặn dịch tả và bảo đảm dịch tả không gây ra thảm kịch như vậy nữa ở Haiti hay bất cứ nơi nào khác.

Gian nan đòi LHQ bồi thường

Mặc dù công trình nghiên cứu của Đại học Yale đã khẳng định như trên, ban đầu LHQ tuyên bố không đủ bằng chứng và có nhiều tác nhân để giải thích về nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả ở Haiti.

Đến cuối tháng 7 mới đây, nhóm chuyên gia nghiên cứu của LHQ mới chính thức thừa nhận: Các nhân viên hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ ở Haiti là nguồn lây nhiễm bệnh dịch tả chắc chắn nhất ở Haiti. Dù vậy, LHQ vẫn không tuyên bố chịu trách nhiệm.

Các luật sư đại diện cho những người mắc bệnh dịch tả Haiti đã từng gửi đơn cho LHQ đòi bồi thường cho mỗi người chết 100.000 USD và mỗi người nhiễm 50.000 USD.

Hồi tháng 2, Phó Tổng Thư ký LHQ Patricia O’Brien phụ trách về pháp lý tuyên bố: Căn cứ Điều 29 của Công ước về đặc quyền và quyền miễn trừ của LHQ năm 1946 thì yêu cầu đòi bồi thường là không thể chấp nhận được. Người phát ngôn LHQ cho biết Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gọi điện thoại cho Tổng thống Haiti Michel Martelly để thông báo quyết định nêu trên.

Nhiều nhà ngoại giao cho biết cảm thấy bị sốc khi LHQ viện dẫn quyền miễn trừ ngoại giao và lo ngại uy tín của LHQ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hồi tháng 8, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ, Đại sứ Haiti tại LHQ Denis Regis tuyên bố những người đưa bệnh dịch tả vào Haiti đã sai sót nghiêm trọng về đạo đức bởi vi trùng tả Vibrio cholerae đã bị tiêu diệt ở Haiti hơn một thế kỷ nay.

Haiti là đất nước nghèo nhất châu Mỹ. Tỉ lệ thất nghiệp lên đến hơn 70% số người trong độ tuổi lao động. Tình hình chính trị và xã hội bất ổn. Tỉ lệ tội phạm là 8% trên 100.000 dân. Hầu hết người dân sống với thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Do tình hình kinh tế thảm hại, Haiti không thể vay tiền mà chỉ nhận tài trợ. Trong năm 2012, chỉ 200 triệu USD được đầu tư vào Haiti, tăng 180% so với năm trước.

Cuối năm 2012, cộng đồng quốc tế thông báo chương trình loại trừ bệnh dịch tả ở Haiti phải kéo dài trong thời hạn 10 năm với kinh phí 2,2 tỉ USD cho Haiti và 70 triệu USD cho nước láng giềng Cộng hòa Dominica. Bảy tháng sau, LHQ chỉ mới tìm được 23,5 triệu USD tài trợ. LHQ và chính phủ Haiti đã lên tiếng kêu gọi khẩn cấp quyên góp 100 triệu USD viện trợ nhân đạo để đối phó với dịch tả và nạn đói.

Nhà doanh nghiệp Gregory Mevs (cùng chỉ đạo Hội đồng tư vấn tổng thống về phát triển kinh tế và đầu tư với cựu Tổng thống Bill Clinton) ghi nhận: “Theo tính toán của chúng tôi, Haiti cần 20 tỉ USD đầu tư trực tiếp từ năm đến 10 năm mới có thể trở thành quốc gia mới nổi”.

LÊ LINH - HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm