Liệu có thể xảy ra một “Libya thứ hai” tại Syria?

Tư cách thành viên trong Liên đoàn Arập (AL) của đất nước Tây Á này cũng vừa bị tạm đình chỉ cho tới khi Tổng thống nước này Bashar Al-Assad thực hiện thỏa thuận về lộ trình chấm dứt khủng hoảng.

Rõ ràng, có lý do để người ta băn khoăn về một hình bóng Libya thứ hai khi những gì đang diễn ra trên đất Sirya trùng khớp với Libya một cách lạ lùng.

Liệu có thể xảy ra một “Libya thứ hai” tại Syria? ảnh 1

Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Bashar Al-Assad tuần hành tại Damascus hôm 18/11/2011 (Nguồn: Getty Images)

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Phú Phúc, Phó trưởng Ban Thế giới Thông tấn xã Việt Nam, người đã có 5 năm làm phóng viên thường trú ở khu vực Trung Đông, về vấn đề này.

- Tình hình bạo lực ngày càng leo thang ở Syria, đặc biệt, lần đụng độ gần nhất giữa quân đội và phe biểu tình làm hơn 100 người thiệt mạng. Ông đánh giá thế nào về mức độ căng thẳng hiện nay tại ở đất nước Trung Đông này?

Ông Phạm Phú Phúc: Ở Trung Đông, Syria vốn là nước tương đối yên bình. Sự chia sẻ, đồng cảm giữa chính quyền và nhân dân khá tốt. Tuy nhiên, chính “Mùa xuân Arập” và các "yếu tố bên ngoài" là những lý do chính khiến tình hình nước này trở nên phức tạp như hiện nay. Suốt nhiều thập kỷ qua, chính quyền Syria luôn kiên định đường lối chống Mỹ, Israel và phương Tây, nên luôn bị coi là "cái gai" trong mắt họ. Còn tác động từ “Mùa xuân Arập” là điều khó tránh khỏi vì 22 nước Arập có cùng chung ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán và thể chế cũng khá giống nhau. 

“Mùa xuân Arập” đã làm một số chính quyền phải ra đi, và điều đó rất dễ tác động để  mức độ căng thẳng hiện nay ở Syria chưa dừng lại.

Ngoài ra, Syria là đồng minh chiến lược của Iran, một quốc gia có nhiều ảnh hưởng ở Vùng Vịnh và Trung Đông nói chung, lại đang chịu đủ kiểu sức ép từ bên ngoài. Chưa hết, Syria có chung đường biên giới với Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, đều là những nơi mà nhiều nước đang tập trung tối đa nguồn lực để tạo ảnh hưởng của mình. Đây cũng là một tác nhân nữa làm bùng nổ tình hình Syria.

- Những kịch bản đang diễn ra ở Syria có nhiều nét giống với Libya khi phe chống đối lập Hội đồng quân sự lâm thời, AL tạm đình chỉ tư cách thành viên của Syria... Dư luận đang lo ngại về một “Libya thứ hai” trên đất Syria. Ông nghĩ sao về nỗi lo này?

Ông Phạm Phú Phúc: Theo tôi, khó có khả năng phương Tây biến Syria thành một “Libya thứ hai”, vì như chúng ta biết Tập hồ sơ về tiến trình hòa bình ở Trung Đông nằm trong két sắt ở Ai Cập, nhưng chìa khóa của két sắt ấy lại do Syria giữ, và đấy là lý do để người ta khó gây chiến với nước này, nếu không muốn toàn vùng Trung Đông lại biến thành chảo lửa chiến tranh.

Một khi ai đó khai hỏa với Syria, nơi là tuyến đầu của thế giới Arập chống chọi với Israel, đồng minh số 1 của Mỹ, ắt sẽ có hàng loạt tổ chức Hồi giáo thân Syria sẵn sàng nghênh chiến Israel như Hezbollah, Hamas, Mặt trận Dân tộc giải phóng Palestine (DFLP), Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine (PFLP),...

Và nữa, như trên đã nói, Syria là đồng minh số 1 của Iran ở Trung Đông, nếu họ bị tấn công, chắc chắn Iran sẽ vào cuộc, sẽ tấn công Israel cũng như các lợi ích của Mỹ ở Trung Đông như căn cứ quân sự ở Qatar, Arập Xêút, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất,... và Iran cũng sẽ phong tỏa eo biển Hormuz, nơi 70% lượng dầu mỏ xuất khẩu của Trung Đông phải đi qua đây.

Tôi e rằng nếu chiến tranh xảy ra với Syria, nó sẽ khơi mào cho cuộc chiến khốc liệt ở Trung Đông, và rất có thể đấy sẽ là cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba vì sẽ có rất nhiều quốc gia bị kéo vào. Hơn ai hết, Mỹ và phương Tây hiểu rất rõ điều này.

Ngoài ra, độ chính quy, thiện chiến, trung thành và trang thiết bị của quân đội Syria hơn hẳn Libya. Ở đây lại có địa hình núi non hiểm trở, rất khác Libya, nên việc tác chiến sẽ không dễ. Đó là những yếu tố mà phương Tây không thể không dè chừng.

Một điều quan trọng nữa là trong 42 năm cầm quyền, Gaddafi đã làm cho Libya có quá nhiều kẻ thù, ngay cả những nước Arập cũng không ưa. Syria thì không thế, cũng như cha mình là cố Tổng thống Hafez Al-Assad, Tổng thống đương nhiệm Bashar Al- Assad rất điềm đạm, lại có học vấn, và cơ bản nhất ông không có nhiều kẻ thù, cả ở trong và ngoài nước, như Gaddafi. Thế nên để phương Tây có cơ sở đánh Syria, như Nghị quyết 1973 của Hồi đồng bảo an Liên hiệp quốc mở đường cho họ tấn công Libya, là rất khó.

 - Người ta nói nhiều tới việc hậu thuẫn của Nga, Trung Quốc và điều đó giúp cán cân thăng bằng hơn khi Mỹ ra sức ủng hộ phe đối lập. Điều này hơi khác khi với trường hợp của Libya, Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng và từ đó tạo điều kiện để NATO lấn tới. Theo ông, đây có phải chỗ dựa vững cho Syria?

Ông Phạm Phú Phúc: Thực chất, lợi ích dân tộc luôn là số 1. Nga và Trung Quốc cũng vậy. Hai nước này có nhiều lợi ích ở Syria, nhất là Nga còn có cả lợi ích về quốc phòng. Hiện tại hai nước này đang đứng hẳn về phía Syria của Tổng thống Bashar Al- Assad. Tuy nhiên, thực tế ở Libya và nhiều nơi khác cho thấy lập trường của bất cứ ai cũng sẽ rất dễ thay đổi theo diễn biến tình hình vì những lợi ích cụ thể của mỗi quốc gia.

- Với những tình trạng khó khăn ấy ở Syria, ông nhận định thế nào về tương lai của chính quyền đất nước Trung Đông này?

Ông Phạm Phú Phúc: Cái khó ở Syria là mâu thuẫn nội bộ dòng tộc của tổng thống, rồi mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo trong khi kinh tế không khá giả gì, lại bị cấm vận triền miên. Ngoài ra, còn có mâu thuẫn giữa những người trước kia từng phục vụ đời Tổng thống cha (Hafez Al-Assad), bây giờ quay ra đối lập với ông Bashar Al Assad. Điều này làm chính quyền không vững.

Theo tôi, chính quyền hiện nay khó trụ được trong điều kiện như thế. Syria có thể không lâm phải kịch bản như Libya, nhưng tự chính phủ sẽ sụp đổ nếu không thay đổi, hướng theo những gì AL đã vạch ra, đó là chấm dứt bạo lực, đối thoại dân tộc, và thậm chí phải "hy sinh" ai đó để chính quyền trụ lại được và đất nước không lâm vào cảnh nồi da nấu thịt.

- Xin cảm ơn ông.

Theo Xuân Dũng (Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm