Livestream đối thoại của Chủ tịch Phan Văn Mãi đạt 1,3 triệu lượt xem

Sáng 11-11, Trung tâm Báo chí TP.HCM tổ chức sơ kết 43 ngày cao điểm thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM (từ ngày 23-8 đến ngày 4-10-2021).

Báo cáo tại buổi sơ kết, ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM, cho biết trong 43 ngày cao điểm phòng chống dịch, Trung tâm Báo chí đã tổ chức 39 cuộc họp báo, 1.373 lượt phóng viên báo đài tham dự đưa tin trên tổng số 1.794 lượt từ tháng 7 đến 10-2021 (chiếm tỉ lệ 76,5% phóng viên tham dự trong bốn tháng cộng lại).

Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM báo cáo tại sơ kết. Ảnh: TTBC

Về chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”, trong đợt cao điểm, chương trình này đã phát 15 số với các chủ đề khác nhau, tập trung vào các nội dung, sự kiện mà người dân đang quan tâm, trong đó nổi bật là các vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn thực hiện kéo dài giãn cách xã hội.

Chương trình được phát sóng trên fanpage của Trung tâm Báo chí, đồng thời được tiếp sóng qua 15 kênh truyền thông mạng xã hội facebook và 5 kênh truyền thông qua Youtube của Cổng thông tin Chính phủ, các cơ quan trung ương và báo đài.
Tính đến 17-9, tổng lượt xem chương trình là hơn 10 triệu lượt, tổng số người xem ở cùng một thời điểm là hơn 443.000 người, tổng số cảm xúc người xem được thể hiện qua hành động thả các biểu tượng là hơn 448.000 lượt, tổng số lượt bình luận trực tiếp là hơn 481.000 lượt, tổng số lượt chia sẻ qua mạng xã hội là hơn 121.000 lượt.
Đáng chú ý, chương trình số đặc biệt ngày 6-9 với chủ đề “Đối thoại cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi” có lượt tương tác cao nhất trong 15 số đã phát. Trong đó, lượt xem đạt 1.330.000 lượt, số người xem cùng một thời điểm cao nhất đạt 172.000 người, số biểu tượng cảm xúc được thả trong chương trình nhiều nhất là 60.900 lượt, số bình luận trực tiếp nhiều nhất là 96.400 lượt và số lượng chia sẻ nhiều nhất là 18.087 lượt.

Phó Giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM cho biết thêm, số lượng câu hỏi nhận được thông qua Google Form là 27.518 câu hỏi và thông qua tương tác livestream là 419.243 câu hỏi. Các nhóm câu hỏi chính bao gồm: y tế - điều trị, vaccine, an sinh - cứu trợ, bảo hiểm xã hội, đi lại, giáo dục, an ninh trật tự và kế hoạch phục hồi sau khi hết giãn cách.

Số lượng đơn điện tử đề xuất hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội của chương trình là 1.571.895 đơn đăng ký qua Google Form và trên app An sinh.
Còn giai đoạn từ ngày 30-9 đến 29-10, chương trình này đã thực hiện thêm 5 số với các chủ đề tập trung vào các nội dung của Chỉ thị số 18 của UBND TP.HCM, các vấn đề an sinh xã hội, các chính sách phục hồi kinh tế và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của TP và các vấn đề về y tế trong tình hình mới.

Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại sơ kết. Ảnh: TTBC

“Chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” đã thực sự trở thành một hiện tượng truyền thông tại TP.HCM trong giai đoạn này, đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người dân về thông tin trong lúc khó khăn nhất” – ông Khanh nói và cho rằng Trung tâm tự hào có sự đóng góp nhỏ bé của mình vào thành công chung đó.

Phát biểu tại buổi sơ kết, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho rằng 43 ngày cao điểm là quãng thời gian tập thể Trung tâm Báo chí TP.HCM và phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí làm việc không nghỉ ngơi để chuyển tải kịp thời thông tin mới nhất đến người dân TP.

Theo ông Từ Lương, việc áp dụng phương thức truyền thông mới đã tạo ra “hiện tượng” mới trong phát triển nền tảng số của cơ quan nhà nước như chương trình phát sóng trực tiếp Livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời”.

Livestream đối thoại của Chủ tịch Phan Văn Mãi đạt 1,3 triệu lượt xem ảnh 3
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng phát biểu tại sơ kết. Ảnh: TTBC

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng, cho biết trong đợt dịch vừa qua, Trung tâm được Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá rất cao với mô hình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống dịch COVID-19”.

Theo ông Thắng, việc chủ động, quyết liệt, kịp thời cung cấp thông tin chất lượng là hướng đi đúng của Trung tâm, cũng là nguyên nhân quan trọng tạo nên những kết quả nổi bật của Trung tâm thời gian qua.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.