Lo!

Như vậy, ngoài các trường chuyên đào tạo y khoa như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Dược (ĐH Huế)… thì Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) là trường ngoài công lập đầu tiên được cho phép đào tạo ngành bác sĩ đa khoa. Còn ngành dược học thì cũng Trường ĐH Võ Trường Toản và thêm Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) được cấp phép. Đối với ngành điều dưỡng, nhiều trường ngoài công lập thông báo tuyển sinh gồm ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Miền Đông, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Đông Á (Đà Nẵng), ĐH Thành Tây (Hà Nội)…

Như vậy, nhóm ngành y dược đã không còn là “độc quyền” đối với các trường ĐH công lập, khi mà chủ trương xã hội hóa giáo dục tạo điều kiện để mọi người đều được học. Điều này cho thấy không còn phân biệt đối xử giữa hai loại hình đào tạo công, tư. Tuy nhiên, việc trường ngoài công lập được đào tạo ngành y ít nhiều cũng cảm thấy dợn!

Bởi lẽ các trường này không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Trong khi đó, với ngành bác sĩ đa khoa, thí sinh muốn đậu vào các trường ĐH Y Dược ít nhất phải đạt từ 24 điểm trở lên. Hay ngành dược học, thí sinh phải thật sự giỏi mới đạt 24-25 điểm để vào các trường ĐH Dược Hà Nội, Y Dược TP.HCM… Vậy chỉ với xét tuyển, chúng ta sẽ có một loạt bác sĩ, dược sĩ trình độ cận sàn ĐH (chỉ 13-15 điểm)?

Thêm vào đó, các trường ĐH ngoài công lập được đào tạo ngành y dược phần lớn đều mới được thành lập vài năm gần đây hoặc nâng cấp từ CĐ chỉ có một, hai khóa tốt nghiệp ra trường nên chất lượng cũng chưa thể bàn đến.

Không so sánh kiểu “chất lượng đào tạo trường công lập tốt hơn trường ngoài công lập” nhưng phải nhìn nhận rằng điểm trúng tuyển đầu vào cũng là thước đo để đánh giá chất lượng một trường. Suốt nhiều năm qua, hầu như các trường này đều phải vật vã tuyển sinh để đủ chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển chưa bao giờ cao hơn điểm sàn ĐH, luôn phải vét thí sinh đến nguyện vọng cuối cùng. Với ngành “hot” này, liệu điểm trúng tuyển của trường sẽ tăng?

Nhiều câu hỏi được đặt ra với việc mở rộng tuyển sinh ngành đặc thù cho các trường ngoài công lập. Lo là vậy!

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm