Loa phường: Bỏ được thì mừng quá!

Còn bây giờ, thời đại thông tin đến tận đồng hồ thông minh đeo tay thì loa phường rõ ràng nên dừng lại là đúng rồi” - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng đề xuất bỏ hệ thống loa phường. Đề xuất này của ông Chung được rất nhiều người dân lên tiếng ủng hộ vì đã nếm trải đủ sự “ồn ào”, “phiền muộn” mà loa phường đem lại. Tuy nhiên, đại diện chính quyền cơ sở lại cho rằng hệ thống loa phường vẫn rất cần thiết trong việc tuyên truyền, thông báo cho người dân và nếu không có nó sẽ có khó khăn trong triển khai công việc…

Loa chĩa thẳng vào phòng

Ngõ 182 Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) là con ngõ có gần 20 hộ dân. Đầu ngõ có cây cột điện, dây nhợ đan vào nhau chằng chịt. Ngọn cột điện treo hai cái loa phường, mỗi cái quay một phía. Một cái loa miệng chĩa thẳng vào cửa sổ tầng hai nhà bà Hồng, hộ có quán cơm bình dân nằm ngay đầu ngõ.

Từ ngày có đôi loa phường hiện diện, các hộ dân ngõ 182 Bạch Đằng chịu đủ nỗi phiền muộn mà không biết kêu ai. “Sáng sớm hôm nào cũng nửa tiếng đồng hồ loa phát kêu oang oang, điên cả đầu. Có đêm nhà tôi phải chuẩn bị hàng đến 4 giờ sáng mới được nghỉ. Nhưng 7 giờ kém người ta đã phát loa rồi thì không ai ngủ nổi. Thằng em tôi phòng nó nằm giáp với đôi loa phường, tức mình lên Facebook chửi ầm lên. Bực mình nhưng chẳng biết kêu ai” - bà Hồng than vãn.

Rồi bà Hồng quay sang vừa hỏi vừa nhắc nhở: “Chú định thuê nhà ở đây à? Đừng có mà dại, bao nhiêu người thuê nhà ở khu này phải bỏ chạy vì loa phường rồi”.

Loa phường chĩa vào nhà người dân nào sẽ đem lại không ít phiền toái cho người đó. Ảnh: THẾ SƠN

Theo những hộ dân ở đây, đã thành thông lệ sáng nào đôi loa phường trên cũng phát nửa tiếng, ngày bình thường từ 7 giờ đến 7 giờ 30 sáng; thứ Bảy, Chủ nhật thì sớm hơn nửa tiếng; có thông báo đột xuất thì phát sớm; buổi tối không phát. Nội dung chương trình phát chủ yếu thông báo các công việc của phường, nhắc nhở người dân giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phổ biến các chính sách mới của Nhà nước, TP… Giống như hộ bà Hồng, họ cũng chịu đủ phiền muộn, bực mình do sự ồn ào của loa phường đem đến. Những hộ dân nơi đây cho hay họ đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc họp tổ dân phố, kiến nghị với phường về sự làm phiền của loa phường. Tuy nhiên, chẳng có gì thay đổi, đến nay họ vẫn phải chung sống với nỗi phiền muộn mang tên loa phường.

Hơn 60 năm từ chiếc loa ở nhà hàng Thủy Tạ

Sau giải phóng thủ đô 10-10-1954, Đài Truyền thanh Hà Nội cùng với hệ thống loa phường thời đó đặt ở nhà hàng Thủy Tạ, nhà hàng đẹp nhất quanh bờ hồ. Sau đó, Sở Thương nghiệp Hà Nội cho rằng vị trí đó để kinh doanh rất tốt nên hoán đổi vị trí cho đài trở về phố Hàng Dầu. Tiếp đến, từ những năm 1956-1966, hệ thống loa phường mắc khắp đường phố Hà Nội ở các phường. Con số phải lên tới vài ngàn loa.

“Bỏ được tôi mừng quá”

Một cán bộ văn hóa một phường thuộc quận Đống Đa (Hà Nội) tâm sự: “Hầu như cán bộ phụ trách loa phường khi biên chế vào chức danh là phải đọc chứ không được lựa chọn giọng phát thanh hay hay không hay. Giọng trên loa phường ở phường tôi là giọng con gái nghe còn đỡ nhưng có những nơi giọng con trai đọc khó nghe, dân không thích cũng đành chịu. Chúng tôi chỉ được đào tạo mấy tháng rồi cầm một cái chứng chỉ gọi là cho có nhưng không ăn thua được, không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân”. Khi được hỏi quan điểm cá nhân về việc bỏ loa phường, vị cán bộ văn hóa phụ trách loa phường này cho biết: “Bỏ được thì hay, chúng tôi mừng quá. Chúng tôi phụ trách loa phường nhưng có đồng phụ cấp nào đâu, thế mà vẫn vừa phải soạn tin bài vẫn phải đọc loa. Giờ bỏ đi được chúng tôi tập trung vào chuyên môn công tác của mình, lĩnh vực văn hóa ở phường cũng có rất nhiều việc cần phải giải quyết”.

Đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử thì nên dừng lại

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến thừa nhận ông từng có nhiều cảm xúc đẹp về loa phường trong quá khứ. Đó là sau khi giải phóng thủ đô năm 1954, loa phường có tác dụng rất nhiều, trong cả thời bao cấp. Thứ nhất, nó thông báo thời sự, thứ hai thông báo các thông tin về tiêu chuẩn mua bán thực phẩm thời bao cấp như tháng này bán phiếu gì, phiếu thịt mấy gram, nước mắm bao nhiêu tiền, gạo bao nhiêu ký, ăn độn bao nhiêu... Thứ ba là vai trò giải trí. Tất cả những bài hát một thời ở miền Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đều qua Đài Tiếng nói Việt Nam và hệ thống loa phường. Bởi vậy, cho đến sau này nhiều bài hát mà người lớn và trẻ con thuộc hầu hết đều qua loa phường.

Tuy nhiên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến nêu quan điểm: “Ở ngoại ô Hà Nội, loa xã vẫn cần vì ở đó tỉ lệ nông dân rất là cao, họ rất cần thông tin, ví dụ như phổ biến kinh nghiệm nhà nông. Còn ở nội thành, đặt loa phường trong bối cảnh ô nhiễm âm thanh quá lớn thì rất khổ cho người đang bị stress”. Ông cho rằng “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình rồi thì nên dừng lại. Khi đó nó sẽ có ý nghĩa và được lưu giữ trong ký ức của một lớp người”.

Sẽ rà soát để bỏ loa phường

Ngày 14-1, trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Hà Nội, nói: “Hiện chủ tịch TP đang giao cho Sở nghiên cứu, tham mưu cho TP về việc bỏ loa phường theo ý kiến của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung. Tới đây, Sở sẽ cùng các quận tổng rà soát, đánh giá, lấy ý kiến nhân dân, chính quyền cơ sở về hoạt động của hệ thống loa phường. Sau đó Sở sẽ tổng hợp báo cáo, đề xuất để gửi UBND TP Hà Nội quyết định”.

Trả lời TTXVN vào cùng ngày, bà Phan Lan Tú, Giám đốc sở này, cũng cho biết: “Sở TT&TT TP Hà Nội  đã lên kế hoạch rà soát, đánh giá và đề xuất phương án đối với hệ thống loa truyền thanh xã, phường và báo cáo UBND TP Hà Nội trong quý I”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm