Loại bỏ 36.000 sản phẩm giả, nhái khỏi sàn thương mại điện tử

Sáng ngày 24-4, tại hội thảo “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” diễn ra ở TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tuấn- Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho rằng có hai thực trạng của thương mại điện tử (TMĐT) là chất lượng dịch vụ và chất lượng sản phẩm.

Đối với chất lượng sản phẩm, số lượng hàng giả hàng nhái trên trong năm 2018, ước tính có 35.943 sản phẩm bị gỡ bỏ tại các sàn TMĐT ở Việt Nam. Hơn 3.000 tài khoản bán hàng bị khóa, và xử lý gần 2.800 trường hợp phản ánh của người tiêu dùng.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng chỉ ra những hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi gian lận thương mại trong hành hóa, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và hệ thống quản lý hàng hóa nói chung.

Thương mại điện tử đang phát triển thần tốc tại Việt Nam nhưng kèm với đó là hàng loạt khó khăn, thách thức trong vấn đề quản lý chất lượng hàng hóa. Ảnh: Thu Hà

Đơn cử như người bán cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác về thành phần, nguồn gốc, tính năng hàng hóa dịch vụ, không thực hiện trách nhiệm cung cấp hóa đơn, chứng từ giao dịch, vi phạm trách nhiệm về bảo hành, giao nhận hay đổi trả hàng hóa, ngoài ra còn hủy đơn hàng không lý do…

Điều này cũng được ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng khằng định, khi cho biết từ năm 2016-2018 Cục đã xử lý khoảng 150 đơn khiếu nại về sản phẩm trên sàn TMĐT.

“Đây chỉ là con số dựa trên giấy tờ gửi về Cục, còn tính cả những thông tin phản ánh qua tổng đài thì thực sự rất nhiều”, ông Tân cho biết.

Hội thảo cũng chỉ ra những thực trạng và thách thức đang gặp phải trong việc quản lý buôn bán của mô hình TMĐT đang ngày một nở rộ ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, hiện tại những quy định pháp luật còn chưa hoàn thiện, nhất là quy định đối với tình hình phát triển Internet như hiện nay. Thêm vào đó việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi như phân tán lô hàng hóa ở nhiều kho gây khó khăn cho việc điều tra, thu hồi và quản lý…

Đồng thời doanh nghiệp vẫn còn nghĩ rằng việc quản lý hàng giả, hàng nhái là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, vì thế buông lỏng khâu tự hậu kiểm. Cán bộ thực thi công vụ còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn, kĩ thuật để nhận biết hàng giả, hàng nhái.

“Song nói như vậy không có nghĩa là lỗi và thách thức khó khăn nằm ở doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước, chính người tiêu dùng cũng là một phần khó khăn trong việc chống lại hàng giả, hàng nhái để bảo vệ quyền lợi của họ khi phần đa người tiêu dùng Việt còn ham rẻ, thích hàng nhái thương hiệu nổi tiếng hoặc chưa đủ kỹ năng thông tin để nhận biết”, ông Tuấn nhấn mạnh.

 

Bên cạnh những thực trạng của TMĐT tại Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho hay không thể phủ nhận rằng TMĐT hay hình thức kinh doanh trực tuyến đang thực sự bùng nổ bùng nổ tại Việt Nam.

Theo tính toán của cơ quan quản lý Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam tăng trưởng trung bình từ 25-30%/năm và dự kiến trong năm 2020 tới đây con số này sẽ đạt đến mức hơn 40%.

Ông cũng đưa ra con số, có tới 1/3 dân số tức 30 triệu người Việt Nam tham gia vào việc mua hàng trên mạng, chỉ tính riêng năm 2018 ước tính chi tiêu của mỗi cá nhân cho TMĐT là 208 USD, kéo theo tổng doanh thu bán lẻ của TMĐT đạt trên 8 tỷ đô la Mỹ.

Tiềm năng và tốc độ phát triển của miếng bánh béo bở mang tên TMĐT còn được thể hiện trên các con số thống kê của Google và Temasek khi có tới 62 triệu người Việt sử mạng xã hội và 64 triệu người Việt kết nối Internet, chiến 66% dân số. Như vậy trung bình mỗi người Việt Nam đang sở hữu 1,4 thiết bị kết nối Internet”.

Việc phát triển nền tảng internet và thương mại điện tử còn tạo ra sân chơi lớn cho lĩnh vực chuyển phát và thanh toán điện tử. Theo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, trong giai đoạn 2018-2020 tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chuyển phát cho TMĐT đạt 60%. Nếu tính riêng lẻ, nhiều đơn vị đạt được con số 70%, và thấp nhất là 30%.

Những mức tăng trưởng này, theo các nhà quản lý đều cao hơn kỳ vọng khi họ soạn thảo chính sách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm