“Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy, nổ xe cơ giới trên địa bàn cả nước thời gian qua là do chập điện…”.
Như vậy, nghi vấn xăng dỏm gây cháy đã chính thức bị loại trừ, dù rằng các cơ quan quản lý có thừa nhận các dung môi hòa tan trong xăng có khả năng gây hư hỏng đường ống, gián tiếp dẫn đến rò xăng gây cháy.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Nếu như đã kết luận nguyên nhân chủ yếu do chập điện thì bốn bộ phải có trách nhiệm chỉ ra đầu mối chịu trách nhiệm trước người dân theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chứ không thể chỉ họp báo để minh oan cho... xăng được!
Bởi đơn giản là việc cháy xe đã giết chết ít nhất ba người dân vô tội, làm thiệt hại trên 20 tỉ đồng, nghĩa là đã xảy ra hậu quả ở mức rất nghiêm trọng!
Vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Liệu người dân có thể bằng lòng và yên tâm với các khuyến cáo chung chung là đừng lắp thêm các bộ phận phụ, lưu ý khi sử dụng hay không?
Trên thực tế, việc cháy xe xảy ra ở tất cả các vùng, miền, các nhãn hiệu và các thời điểm, điều kiện khác nhau, nên vì thế không khó để xác định đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể! Chẳng hạn, nếu nói do đấu nối dây điện thì ắt phải có người liên quan: Nếu không do thiết kế của hãng xe thì cũng là do lỗi của dịch vụ bảo hành, sửa chữa xe.
Vậy với các trường hợp đã kết luận do điện, trách nhiệm đó là của hãng xe, cơ sở dịch vụ hay dễ nhất là... lỗi người dân?
Có hiệu lực gần một năm qua, dường như Luật Bảo vệ người tiêu dùng không có hiệu lực gì cả bởi qua vụ cháy xe này, các quyền căn bản nhất của người tiêu dùng như được sử dụng hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng... vẫn chưa được thực thi.
Chả nhẽ lỗi này đành níu áo... bà hỏa?
BẰNG LĨNH