Lòng dân phải thuận, dẹp chợ mới xong!

Nhiều năm qua, chợ tự phát trên đường Hiệp Bình thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM là một điểm nóng của tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi buôn bán. Dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân dẹp chợ này nhưng việc lấn chiếm vẫn tồn tại dai dẳng. Thế nhưng suốt hơn một năm trở lại đây, chợ đã được sắp xếp lại, không còn tình trạng lấn chiếm như trước đây, đường thông thoáng hẳn.

Dẹp không khó nhưng phải có quyết tâm

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, liên quan đến vấn đề dẹp chợ tự phát đường Hiệp Bình.

. Phóng viên: Thưa ông, phường phải mất bao nhiêu lâu để dẹp được chợ tự phát trên đường Hiệp Bình?

+ Ông Trần Minh Tú: Chợ tự phát trên đường Hiệp Bình đã hình thành từ rất lâu. Ngày trước người dân nơi đây tràn xuống lòng đường buôn bán, xe không qua được. Từ năm 2015, quận và phường tập trung dẹp chợ tự phát thì đường mới thông.

Quá trình thực hiện công tác này thì phải làm từng bước. Ban đầu là vận động người dân không để hàng ra lòng đường nữa mà phải dời vô vỉa hè. Tiếp đó, phường giải thích bày hàng ở vỉa hè cũng vẫn vi phạm pháp luật nên phải thu dọn vào nhà. Trong quá trình thực hiện thì không thể tránh khỏi tình trạng người dân bung ra bán hàng khi lực lượng rút về. Vì thế chúng tôi phải làm lâu dài, bền bỉ và phải mất hơn một năm trời mới dẹp hẳn được.

. Quá trình thực hiện việc này có cam go không?

+ Trước tiên phải vận động người dân làm đúng luật, không lấn chiếm lòng lề đường. Việc dẹp chợ không thể làm mạnh tay, tức không có chuyện giữa người dân với chính quyền đối đầu với nhau mà phải làm thế nào cho người dân được thuyết phục và tự ý chấp hành theo.

Muốn làm điều này thì cả một hệ thống chính quyền vào cuộc thuyết phục, nhắc nhở. Cụ thể, từng hội viên của các hội người cao tuổi, hội phụ nữ; tổ chức đoàn, Đảng… sẽ nhắc nhở những người thân trong gia đình mình không được buôn bán lấn chiếm.

Chợ tự phát trên đường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM trước đây  và sau khi đã dẹp được (chụp ngày 15-2). Ảnh: N.HIỀN

Phải chốt chặn thường xuyên

. Theo một số địa phương thì phương án tối ưu nhất để dẹp được chợ tự phát vẫn là tuần tra và chốt chặn. Tuy nhiên, để thực hiện thì phường không có kinh phí. Ông giải quyết vấn đề này như thế nào?

+ Hiện tại lực lượng thực hiện tuần tra, chốt chặn khu vực chợ này không nhiều nhưng vẫn đảm bảo được nhiệm vụ. Cụ thể, theo biên chế thì một khu phố sẽ được bố trí bốn dân quân và bốn bảo vệ dân phố, những người này được Nhà nước trả lương theo quy định. Mọi người sẽ tự chia ca ra chốt chặn. Ngoài ra, hằng năm phường cũng được giao một khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước. Với kinh phí này, phường sẽ tự cân đối cho các hoạt động ở phường. Vì thế, nguồn nhân lực và kinh phí để lo cho việc dẹp chợ tự phát là ổn định, lâu dài.

. Theo một số người dân thì ở các chợ tự phát lấn chiếm lòng đường có xảy ra tình trạng cán bộ phường bảo kê, báo tin trước cho người buôn bán để họ thu dọn lại mỗi khi có đoàn xuống kiểm tra. Ông nhận định tình trạng này có hay không và khắc phục như thế nào?

+ Theo tôi thì cũng có thể có tình trạng đó nhưng không nhiều và khó tồn tại lâu nếu lãnh đạo phường quan tâm xử lý. Giả sử một anh cán bộ cho phép hộ này buôn bán lấn chiếm thì các hộ khác sẽ chiếm theo và như thế một thời gian sau cả chợ đều lấn chiếm đường. Lúc này cán bộ làm sao có thể xử lý hộ này mà không xử lý hộ kia được?

Tình trạng này có thể diễn ra một ngày, hai ngày chứ không thể diễn ra lâu. Nếu một cán bộ bị lãnh đạo nhắc nhở liên tục thì cũng cần phải xem lại cách làm việc và người này chắc chắn cũng không tồn tại được lâu.

Đưa cửa hàng tiện ích thay thế dần chợ

. Việc dẹp chợ tự phát, hầu hết chính quyền địa phương ở một số nơi vẫn quyết tâm thực hiện nhưng rồi lại rơi vào tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”. Vậy phường làm thế nào có thể xử lý dứt điểm chợ tự phát?

+ Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu khiến chợ tự phát dẹp rồi lại bị tái chiếm là do một số chính quyền địa phương vẫn còn nương tay, giải quyết chưa rốt ráo, chưa tới nơi tới chốn. Lãnh đạo như chủ tịch, phó chủ tịch phường phải thường xuyên xuống kiểm tra, giám sát và phải đi bất ngờ, âm thầm, khi phát hiện có tình trạng lấn chiếm phải chỉ đạo làm ngay.

Theo tâm lý chung của nhiều người thì khi mua hàng, người ta thường chọn những mối quen. Khi những người bán hàng rong bị đẩy đuổi thường xuyên thì cũng đồng nghĩa họ sẽ bị mất khách, về lâu dài họ không thể tồn tại được.

Hiện tại phường đang làm việc với những hộ có nhà và đất trong khu vực để khuyến khích họ cho những doanh nghiệp thuê mở các dịch vụ cửa hàng tiện ích cho người dân tiện mua sắm, không có cơ hội cho chợ tự phát quay trở lại.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm