Longform: Nhà giáo kiêm “thuyền trưởng”giúp dân nghèo vượt qua đại dịch COVID-19

Longform: Nhà giáo kiêm “thuyền trưởng”giúp dân nghèo vượt qua đại dịch COVID-19


Từ mô hình ATM Gạo tình thương với hàng trăm tấn gạo hỗ trợ người thiếu đói, hơn 3.700 F0 khó khăn tiếp tục được hỗ trợ thông qua nhóm Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự.
Đối với nhiều thế hệ sinh viên ở Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) hay trong ba năm vừa qua ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, NGƯT.PGS.TS Hồ Thanh Phong là một nhà giáo tâm huyết, giàu tình cảm, luôn hết lòng với học trò.

Khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại TP.HCM, tên của ông lại được biết đến với vai trò là một nhà hảo tâm, “cứu tinh” của người dân nghèo không may trở thành F0.

Những ngày đầu tháng 6-2021, TP.HCM dần trở thành tâm điểm của dịch COVID-19 và bắt đầu giai đoạn giãn cách. Hình ảnh các gia đình nghèo, bà con vất vả chống chọi với khó khăn mà không biết trông cậy nơi đâu xuất hiện trên báo chí mỗi lúc một nhiều. NGƯT.PGS.TS Hồ Thanh Phong nảy sinh suy nghĩ muốn làm thiện nguyện.

Ông liền bàn với bạn bè, đồng nghiệp và cùng các sinh viên muốn dùng tiền của mình mua gạo hỗ trợ bà con. Các cựu sinh viên của Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong nhóm hỗ trợ tạo ra máy ATM băng chuyền gạo để thuận tiện cho người dân. 

“Ngoài chút tiền dạy học của mình, tôi kêu gọi trên facebook cá nhân để tìm thêm sự hỗ trợ. May mắn là tôi đã nhận được ủng hộ của nhiều người, hội nhóm từ thiện khác. Nhờ đó, trong giai đoạn đầu (tính đến 29-6) có hơn 100 tấn gạo”, ông kể lại. 
Đến tháng 7, TP.HCM siết chặt hơn giãn cách xã hội nên người dân không được ra đường. Ông tiếp tục kêu gọi thêm một số đồng nghiệp, học trò, bạn bè gần xa mua gạo, sau đó phối hợp với mặt trận tổ quốc và các cán bộ địa phương, đem gạo chia cho các hộ nghèo từng quận, phường và cung cấp gạo cho các bếp ăn từ thiện để nấu cơm cho bà con.

“Lúc đầu đi đưa gạo, tặng gạo, tôi cũng hồi hộp lắm vì tuổi mình cũng dễ bị virus này tấn công nhưng cứ thấy mình không thể không làm gì được… Hoàn cảnh này, mình giúp được gì cho ai thì nên giúp thôi”, ông nói.

Không dừng lại đó, đến cuối tháng 7, khi TP.HCM bước vào đỉnh dịch với hàng ngàn ca F0 mỗi ngày, các bệnh viện dã chiến thành lập liên tục nhưng thiếu thốn cơ sở vật chất, thuốc thang, thiết bị do chưa kịp điều đến, ông cùng các cộng sự tiếp tục tập hợp, kêu gọi thêm thành viên, chuyển hướng mua đồ bảo hộ, khẩu trang, thuốc dùng để tặng cho các y bác sĩ tuyến đầu, mua nước uống tặng cho các trung tâm y tế và bệnh viện dã chiến, khu cách ly…
Giữa dịch bệnh bủa vây, dù được “khuyến cáo” ở trong nhà khi đã 63 tuổi, đâu ai ngờ, từ những bao gạo, thực phẩm đầu tiên giúp dân nghèo, ông giáo ấy trở thành “thuyền trưởng” cùng các tình nguyện viên hỗ trợ cho hàng ngàn F0.
Thời điểm đó là đầu tháng 8, số ca F0 vượt ngưỡng, TP.HCM cho phép điều trị tại nhà, số bệnh nhân ngày càng tăng vọt. Nhận thấy tình hình đang rất khó khăn cho bà con, nhiều người bệnh bơ vơ một mình không biết làm sao, nhóm thầy Hồ Thanh Phong đã họp nhanh và quyết định thành lập mô hình khám chữa bệnh tư vấn từ xa (telemedicine). 

Từ đó, group mang tên “Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” ra đời, với mong muốn hỗ trợ cả về sức khỏe lẫn tinh thần, giúp các bệnh nhân F0 có một chỗ dựa tin cậy, vững chắc để chiến đấu với dịch bệnh.

“Tôi không phải y bác sĩ nhưng tôi may mắn có nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người quen là các y bác sĩ nên hỗ trợ tôi rất nhiều, tham gia nhóm rất tích cực. Không chỉ làm thiện nguyện, nhóm còn tổ chức những buổi phổ cập kiến thức y khoa, đặc biệt là các kiến thức về dịch bệnh để anh em tình nguyện viên dù trong ngành nghề nào cũng có thêm hiểu biết để bảo vệ mình và giúp đỡ người khác” – thầy Phong chia sẻ.

Khi mới đi vào hoạt động, nhóm có hơn 80 bác sĩ các chuyên khoa, hơn 100 tình nguyện viên. Với tâm niệm “nhận giúp đỡ ca F0 nào là giúp đỡ đến cùng”, trong giai đoạn cao điểm mỗi ngày nhóm tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ của hơn 100 bệnh nhân thông qua tổng đài 0866207299 và facebook của nhóm.

Theo thầy Phong, nhóm hỗ trợ tất cả các bệnh nhân từ nhẹ đến nặng, bao gồm tư vấn, cấp thuốc, trợ giúp oxy cho đến hỗ trợ nhập viện... Hai kho thuốc và thiết bị của nhóm thành lập ở hai đầu thành phố là quận 8 và Gò Vấp đã kịp thời đem thuốc, máy trợ thở, bình oxy… đến với rất nhiều người.

Từ cuối tháng 9 đến nay, số ca F0 đã giảm dần nhưng nhóm vẫn duy trì hoạt động để hỗ trợ cho những ai cần giúp đỡ.

“Một niềm vui là chúng tôi còn được sự ủng hộ của chính quyền thành phố, Sở Y tế TP.HCM khi vừa mới cho phép chúng tôi được triển khai thí điểm mô hình hoạt động “Chương trình SPO2 tại nhà” trên các địa bàn quận 6, quận 10, Bình Tân từ 6-11 đến hết 21-11. Điều này để thấy những nỗ lực, đóng góp của chúng tôi phần nào đã hiệu quả và được ghi nhận. Nhóm sẽ làm hết khả năng có được để hỗ trợ cho bà con bệnh nhân” – PGS.TS Phong bày tỏ.

Chỉ trong một thời gian ngắn, tên nhóm “Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự” đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân TP và trở thành “cứu cánh” của những người khó khăn, hoạn nạn. Thế nhưng, dịch bùng mạnh, bệnh nhân có những ngày rất nhiều, quy mô của nhóm hạn chếnên luôn hoạt động tốc lực mỗi ngày.

Nhóm chỉ gần 20 tài xế không chuyên nhưng mỗi ngày phải chạy hơn 70-80 đơn thuốc, oxy… đến từng bệnh nhân, dù di chuyển khó khăn, tiếp cận bệnh nhân hạn chế… . Có anh tài xế chạy giữa trưa nắng về say xẩm mặt mũi, vậy mà sáng hôm sau vẫn tiếp tục lên đường. Có chị tài xế, là nữ mà lén nhà chạy đưa hàng, đưa đồ cho bà con khi cần. Có anh dù là giám đốc doanh nghiệp, đang họp nhưng nghe nói có bệnh nhân cấp cứu cần oxy, cần máy đo nồng độ oxy là bỏ hết lao ra xe đi.

“Vất vả là thế nhưng cứ nghe tin bệnh nhân nào đã khỏi bệnh hay bệnh nhân nặng đã qua nguy hiểm là chúng tôi vui lắm. Có lần, tôi nhận được lá thư của một bạn từng được tôi dạy, bạn cám ơn tôi và nhóm vì chúng tôi trong hành trình cứu giúp bà con đã cứu gia đình bạn khỏi cơn bạo bệnh do COVID-19 trong lúc bạn đang ở nước ngoài, không xoay sở được. Những dòng chữ thân thương bạn gửi khiến không chỉ tôi mà cả nhóm chúng tôi hơn 250 con người đều xúc động và thấy việc mình làm, công sức bỏ ra thật sự có giá trị” – thầy Phong hạnh phúc. 
Thế nhưng, nỗi buồn day dứt nhất của ông và nhóm chính là việc chứng kiến bệnh nhân ra đi vì COVID- 19. Có những bệnh nhân quá nặng, nhóm chạy tới đưa bình oxy đã không còn kịp nữa rồi. 
Longform: Nhà giáo kiêm “thuyền trưởng”giúp dân nghèo vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 13
Rồi ông bày tỏ: “Suốt hành trình hơn 5 tháng qua, tôi rất biết ơn các y bác sĩ trong ngành y tế nói chung và các y bác sĩ, dược sĩ tham gia nhóm chúng tôi nói riêng. Họ đã vất vả, nhiệt thành, hy sinh tâm sức và dấn thân hiểm nguy để cứu sống biết bao bệnh nhân. Tôi cũng mang ơn tấm lòng của các mạnh thường quân đã tin tưởng tôi và nhóm để ủng hộ, tiếp thêm cho chúng tôi niềm tin để cố gắng. Tôi cũng biết ơn các anh em thiện nguyện, dù chỉ mới là sinh viên, cựu sinh viên hay là các đồng nghiệp dạy học như tôi và có cả các anh tài xế chuyên nghiệp lẫn không chuyên đã hết lòng cùng với nhóm trong những tháng ngày gian nan qua”. 

Mặc dù không xuất phát từ chuyên môn về y tế nhưng trải qua quãng thời gian gần 5 tháng hỗ trợ người dân trong “cơn bão” của COVID-19, PGS.TS Hồ Thanh Phong đã không khỏi có những tâm tư, trăn trở cho công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta hiện nay.

Theo ông, việc chống dịch COVID-19 không chỉ là chống không cho nhiễm bệnh và chống tử vong do COVID, mà còn là chống không để người dân kiệt quệ sức khỏe và tinh thần, không chỉ tăng cường giãn cách mà còn là chống để không suy sụp về kinh tế, còn sức chiến đấu lâu dài.

PGS.TS Hồ Thanh Phong cho rằng không thể phủ nhận được công sức to lớn của hệ thống Y tế, của chính quyền và toàn thể xã hội cùng chung tay trong thời gian qua nhưng chúng ta phải nhìn lại mọi việc bằng con mắt Quản trị, Khoa học và Đa chiều về công cuộc phòng chống dịch để có những sự chuẩn bị cũng như thái độ với dịch COVID (các biến thể mới) và dịch bệnh khác. Cụ thể:

Longform: Nhà giáo kiêm “thuyền trưởng”giúp dân nghèo vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 15

Nhóm của thầy Phong đã cứu gia đình tôi

Ngày 26-8, gia đình tôi thật sự hoang mang khi cả nhà 6 người dương tính với COVID-19, trong đó có ông bà trên 80 tuổi và một trẻ 16 tuổi chưa được tiêm. May mắn gia đình biết và nhận được sự hỗ trợ từ nhóm thầy Hồ Thanh Phong. Các bác sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ nhiệt tình, tận tâm và trở thành hi vọng cho cả nhà. Ba tôi nhanh chóng được làm các thủ tục điều trị tại nhà, rồi đến 5 thành viên khác cũng vậy. Riêng ông tôi trở nặng nên được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận 4 nhưng sau đó đã không qua khỏi. Bà tôi sau đó cũng trở nặng vì suy hô hấp, bệnh nền nhưng nhờ được hỗ trợ oxy kịp thời, hỗ trợ thăm khám kịp thời của các bác sĩ mà giờ đây bà đã khỏe hơn. (Bệnh nhân Nguyễn Đức, TP.HCM)

Oxy đến được với bệnh nhân mới có thể thả lỏng

Tình cờ biết đến nhóm của thầy Hồ Thanh Phong thông qua các bài viết trên facebook, rồi được tag tên trong một bài viết tuyển cộng tác viên của nhóm, đăng ký và trở thành tình nguyện viên của team “Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự”. Hiện em đang phụ trách nhiệm vụ điều phối cung cấp Oxy cho bệnh nhân của nhóm. Mỗi lần em nhận ca để hỗ trợ là bản thân em cũng thấy hồi hộp, tới khi mà oxy tới được với bệnh nhân thì mới có thể thả lỏng.

Đây cũng là lần đầu em được làm việc với thầy Phong, các bác, các anh chị lớn đến từ nhiều ngành nghề khác nhau mà trước đó em chưa từng được gặp qua. Điều làm em thấy thú vị nhất có lẽ là việc mọi sự dông dài trong giao tiếp được thu hẹp lại bằng những thông tin cơ bản của bệnh nhân cần giúp đỡ, dù ở bộ phận nào cũng đều muốn giải quyết công việc thật nhanh để bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời nhất. (Dương Quang Hào, Trưởng nhóm cung cấp oxy)