Theo đơn khởi kiện, tháng 9-2008, ông Đ. ký hợp đồng nhờ luật sư K. bảo vệ quyền lợi cho mình trong một vụ dân sự. Theo thỏa thuận miệng, luật sư K. nói nếu thắng kiện, đòi được 60 triệu đồng thì sẽ ăn chia 50/50. Để đảm bảo, luật sư K. yêu cầu ông Đ. ứng trước 20 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó ông Đ. chỉ nhận được khoảng 36 triệu đồng nên yêu cầu luật sư K. trả lại tiền đã nhận.
Xử sơ thẩm tháng 8-2011, TAND quận Tân Bình đã bác yêu cầu khởi kiện của ông Đ. Tòa buộc luật sư K. trả cho ông Đ. 3 triệu đồng tiền dư theo tinh thần tự nguyện của luật sư. Theo tòa sơ thẩm, hợp đồng dịch vụ trên được ký kết đúng pháp luật. Luật sư K. đã làm đúng trách nhiệm nên ông Đ. phải trả tiền dịch vụ cho luật sư. Căn cứ vào phiếu thu “thù lao dịch vụ” thì 20 triệu đồng chính là khoản thu nhập chính đáng mà luật sư K. được hưởng. Không đồng ý, ông Đ. kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm, luật sư K. đồng ý trả lại số tiền đã nhận cho ông Đ. (sau khi trừ thuế VTA, thuế thu nhập doanh nghiệp). Đổi lại, ông Đ. phải có văn bản gửi đến các nơi ông đã gửi đơn tố cáo luật sư K. để “xin lỗi luật sư K.”. Tuy nhiên, ông Đ. không đồng ý mà “để tòa phân xử theo quy định của pháp luật”.
HĐXX nhận định tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn không đưa ra được tình tiết cũng như chứng cứ gì mới. Tòa không có cơ sở chấp nhận đơn kháng cáo yêu cầu luật sư K. trả lại 20 triệu đồng đã ứng trước.
SÔNG HỒNG