THỜI HIỆU TRONG KỲ ÁN GIẾT NGƯỜI 41 NĂM TRƯỚC

Luật sư Phan Trung Hoài: 'Phải khởi tố, xét xử hung thủ mới đúng!'

(PLO)- Lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không thể đặt ra trong vụ án này mà phải ra quyết định khởi tố bị can, tiến hành điều tra, truy tố và xét xử đối với hung thủ thực sự.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

LTS: Trong kỳ án giết người, cướp của xảy ra ở Hàm Tân, Bình Thuận từ 41 năm trước, mới đây cơ quan tố tụng tỉnh này xác định đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hung thủ. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc áp thời hiệu này chưa ổn, cần phải khởi tố, truy tố và xét xử (người được cho là) hung thủ mới phù hợp.

Để rộng đường dư luận,Pháp Luật TP.HCMđăng tải các ý kiến xung quanh vấn đề mang tính học thuật và thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự này.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án giết người, cướp tài sản (xảy ra từ 41 năm trước ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận) với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) và Trương Đình Chi không có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình lẩn trốn sau khi gây án là không bảo đảm căn cứ pháp lý.

Lý do hết thời hiệu truy cứu TNHS không thể được đặt ra trong vụ án này, bởi Trương Đình Chi không thỏa mãn hai điều kiện là không cố tình trốn tránh và không có quyết định truy nã. Mà theo quy định của BLHS, trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu truy cứu TNHS tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Thông báo truy tìm số 206 của cơ quan điều tra và ảnh Trương Đình Chi - Lê Minh Sơn. Ảnh: PHƯƠNG NAM chụp lại
Thông báo truy tìm số 206 của cơ quan điều tra và ảnh Trương Đình Chi - Lê Minh Sơn.
Ảnh: PHƯƠNG NAM chụp lại

Chủ tịch nước đề nghị xem xét, báo cáo

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, liên quan đến kỳ án giết người, cướp của xảy ra 41 năm trước tại huyện Hàm Tân, Bình Thuận, Chủ tịch nước đã có ý kiến chỉ đạo, đề nghị bộ trưởng Bộ Công an và viện trưởng VKSND Tối cao xem xét cụ thể vụ việc theo đúng luật định, báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết.

Trước đó, Văn phòng Chủ tịch nước nhận được văn bản của luật sư Phan Trung Hoài (là người tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông Đỗ Thanh An, con ruột của nạn nhân và ông Võ Ngọc, con ruột của ông Võ Tê - người bị bắt oan trong vụ án trên).

Luật sư Hoài kiến nghị khẩn cấp các cơ quan tư pháp cần làm rõ việc đình chỉ điều tra đối với vụ án giết người, cướp của xảy ra vào ngày 31-7-1980 tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Theo CQĐT, lý do đình chỉ điều tra là hết thời hiệu truy cứu TNHS, đồng thời Trương Đình Chi (người được cho là hung thủ - PV) không có tiền án, tiền sự và phạm tội mới.

Ngoài ra, luật sư đề nghị tiếp tục khởi tố bị can, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với người phạm tội; làm rõ trách nhiệm của cá nhân và cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến bắt người oan, bỏ lọt tội phạm.

Phạm tội trong thời gian lẩn trốn

Sau khi vụ án xảy ra, Trương Đình Chi đã bỏ trốn đến Hậu Giang. Công an tỉnh Bình Thuận khi tiến hành truy bắt đã chạm mặt nhưng chỉ giữ được CMND, còn Chi trốn thoát.

Sau khi trốn, Chi đã thay tên đổi họ thành Lê Minh Sơn, trú tại Bình Định. Chính việc đổi tên thành Lê Minh Sơn là nhằm mục đích trốn tránh sự truy tìm và trừng phạt của pháp luật. Điều này thể hiện qua các bản tự khai ngày 11 và 12-11-2021. Chi khai nhận trước khi bị bắt, ở nhiều nơi, thay đổi họ tên là để tránh sự phát hiện của cơ quan công an vì đã giết bà Phan Thị Khanh vào ngày 31-7-1980.

Ngoài ra, trong biên bản ghi lời khai ngày 16-11 và 1-12-2021, Chi còn khai rõ chỉ sau hai ngày gây án, Chi đã lên kế hoạch, lợi dụng đêm tối để bỏ trốn về Sóc Trăng vì sợ bị phát hiện…

Do đó, việc cơ quan điều tra (CQĐT) cho rằng Trương Đình Chi trong khi bỏ trốn không vi phạm pháp luật là không đúng thực tế bởi sau khi bị điều tra viên thu CMND thì Chi đã giả mạo giấy tờ để làm CMND mới mang tên Lê Minh Sơn. Chính CMND này đã giúp Chi tránh được sự truy lùng của pháp luật.

Như vậy, Trương Đình Chi đã có hành vi vi phạm pháp luật là làm giả toàn bộ hồ sơ để làm CMND, hộ khẩu, đổi họ tên cho vợ, đổi họ của các con từ Trương sang Lê.

Chúng tôi không đồng tình với quan điểm của CQĐT và VKSND tỉnh Bình Thuận về việc Trương Đình Chi trong thời gian bỏ trốn không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Thông báo truy tìm là văn bản quan trọng

Ngày 4-4-1999, Công an tỉnh Bình Thuận ban hành Thông báo truy tìm số 206 kèm ảnh của Lê Minh Sơn.

Cần nhận thức, xác định cả hình thức và nội dung của thông báo trên vào thời điểm ban hành được coi là “lệnh truy nã” đối với Trương Đình Chi.

Tuy hình thức Thông báo truy tìm số 206 chưa thỏa mãn về tên gọi là “quyết định” hay “lệnh truy nã” nhưng nội dung đã hàm chứa có yếu tố cần thiết về nội dung, trình tự và thủ tục truy nã được quy định sau này tại Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC.

Những nội dung chứa đựng trong Thông báo truy tìm số 206 thể hiện: Lê Minh Sơn đang bỏ trốn hoặc không biết ở đâu (Điều 2 Thông tư liên tịch số 13); đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả; đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn (ghi rõ họ tên, năm sinh, địa chỉ, kèm theo ảnh của đối tượng Lê Minh Sơn); thông báo truy tìm đã gửi đến Cục C16 Bộ Công an, công an các tỉnh, thành, huyện, thị trong tỉnh (Điều 6 Thông tư liên tịch số 13).

Vấn đề đặt ra là khi ban hành Thông báo truy tìm số 206, CQĐT vào thời điểm đó đã không tuân thủ các quy định trong giai đoạn điều tra. Nếu xác định Chi là người bị tình nghi phạm tội bỏ trốn hoặc không biết bị can đang ở đâu thì CQĐT phải ban hành quyết định khởi tố bị can và quyết định truy nã, phối hợp với lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm để tổ chức truy bắt.

Mặt khác, cơ sở cho việc bắt giữ Trương Đình Chi vào tháng 11-2021 xuất phát từ đơn tố cáo, cung cấp thông tin liên tục của ông Đỗ Thanh An và dựa trên Thông báo truy tìm số 206.

Do đó, việc cho rằng vụ án đã kéo dài hơn 41 năm, Trương Đình Chi trong thời gian bỏ trốn không có hành vi vi phạm pháp luật, để từ đó ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án cần phải được đánh giá và xem xét lại.

PHƯƠNG NAM ghi

Kỳ tới: Quan điểm của nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn QuếTS Phan Anh Tuấn

Căn cứ nào để giải quyết việc bồi thường?

CQĐT xác định Trương Đình Chi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu người đại diện hợp pháp có yêu cầu theo quy định của pháp luật…

Ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm việc không quyết liệt truy tìm, không khởi tố bị can và ban hành quyết định truy nã phù hợp với quy định của pháp luật, dẫn đến từ thời điểm xảy ra vụ án cho đến khi bắt được Trương Đình Chi kéo dài hơn 41 năm, để cho kẻ thủ ác dùng mọi thủ đoạn lẩn trốn, thay tên đổi họ lại được hưởng quy định về thời hiệu truy cứu TNHS, từ đó ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án?

Căn cứ nào để gia đình nạn nhân yêu cầu và Trương Đình Chi phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nếu không bồi thường thì phải làm đơn yêu cầu TAND giải quyết bằng một vụ án dân sự?

(Trích nội dung kiến nghị của luật sư Phan Trung Hoài)

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do BLHS quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu TNHS.

Thời hiệu truy cứu TNHS được quy định như sau: Năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng,10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng, 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Thời hiệu truy cứu TNHS được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên một năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định nêu trên, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Điều 27 BLHS năm 2015

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm