Lún, nứt cao tốc gần 1,5 tỉ USD: Tại 'trời'?

Sau bảy năm thi công, ngày 21-9, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai với chiều dài 245 km, tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỉ USD đã được đưa vào sử dụng. Dự án đã góp phần rút ngắn hành trình Hà Nội đi Lào Cai từ bảy tiếng đồng hồ xuống còn 3,5 tiếng, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại năm tỉnh, thành mà tuyến đường đi qua.

Lún nhanh do mưa lớn

Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày khánh thành, tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã xuất hiện những vết lún, nứt lớn tại Km 83 chiều từ Yên Bái về tỉnh Phú Thọ. Tiếp nhận thông tin về sự cố trên, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) - chủ đầu tư dự án khẳng định “đây là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu đã được VEC tiên lượng trước”.

Theo VEC, đây là đoạn tuyến thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam trúng thầu. Trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu như khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu theo đúng quy định. Quá trình thi công đã được tư vấn giám sát và chủ đầu tư giám sát chặt chẽ đúng quy trình.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự cố trên, VEC cho rằng sau hai cơn bão liên tiếp vừa qua (bão số 3 và số 4) với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa, tốc độ lún nhanh hơn dự kiến có thể là nguyên nhân sinh ra vết nứt. VEC đã tổ chức lực lượng đảm bảo giao thông thông suốt đồng thời đang tiến hành khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xuất hiện vết nứt để xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

Đường cao tốc 1,5 tỉ USD vừa đưa vào sử dụng hai ngày đã bị lún, nứt. Ảnh: THÀNH VĂN

Rủi ro không lường hết?

Theo VEC, trong suốt quá trình từ khi thiết kế đến thi công, VEC luôn đặt vấn đề kiểm tra khảo sát và thực hiện các giải pháp nhằm bền vững hóa công trình lên hàng đầu. Trên toàn tuyến, VEC đã khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ… đảm bảo hoàn thành thông tuyến đáp ứng nhu cầu vận tải thiết yếu.

“Đây là những rủi ro mà mình không thể lường hết được” - ông Lê Kim Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam, nói khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Thành, trong quá trình thiết kế, thi công khu vực này VEC đã dùng đến 24 mũi khoan để thăm dò địa chất ở bên dưới. Trên cơ sở đó mới thiết kế đắp đất nền cao trên toàn bộ đoạn tuyến. Tuy nhiên, khi khoan các vị trí lại cách nhau 50 m nên vị trí bị nứt lại nằm đúng vào vị trí xen giữa hai điểm khoan.

“Đây là những rủi ro. Bởi khoan 24 mũi là rất dày đặc rồi. Nhưng nó lại ở vị trí xen giữa, rất bất thường” - ông Thành nói và cho hay đang cho tiến hành trám hết tất cả vết nứt không cho nước xuống. Đồng thời tiến hành khoan địa chất tại đúng vị trí xảy ra sự cố để đưa ra các giải pháp xử lý cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi việc xảy ra sự cố lún, nứt trên có phải do lỗi thi công, ông Thành khẳng định công tác thi công tại khu vực nền đất yếu ở điểm này tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Quá trình thi công giám sát cũng đặc biệt được quan tâm. “Nó là cái bất thường, lại nằm trong khoảng cách địa chất giữa các mũi khoan nên không lường hết được” - ông Thành cho hay.

THÀNH VĂN

CÁC CHUYÊN GIA NÓI GÌ?

Do chất lượng không ổn chứ không phải do "trời"

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, sự cố trên lại một lần nữa gây ra tai tiếng cho ngành bởi đây là dự án cao tốc dài nhất Việt Nam, vừa được khánh thành nhưng xe chưa chạy bao nhiêu thì ngay buổi chiều có xe lật. Kế đến, hai ngày sau lộ ra chuyện nứt. Đã vậy, chủ đầu tư còn tuyên bố “đã biết trước nhưng không ngờ nó lún, nứt sớm hơn dự liệu”.

Nếu VEC tiên lượng trước có lún vậy sao không kiểm tra kỹ càng trước khi thông xe. “Đương nhiên còn lún cũng được thông xe nhưng mức độ lún sẽ không còn nhiều (ở mức 2%-5%) và với mức này thì khi chạy xe cũng khó phát hiện. Thực tế, lún ở tuyến cao tốc này rất nhiều mà vẫn cho thông xe là sai quy chuẩn” - TS Sanh nói.

Theo TS Sanh, việc đổ do mưa lớn của hai cơn bão cũng không ổn mà khuyết tật này chỉ có thể phát sinh từ vấn đề chất lượng. Cũng xin nói thêm, nếu đất khu vực này yếu sẽ gây ra hiện tượng biến dạng, làm mặt đường lồi lõm chứ không phải gây ra hiện tượng xé mặt bê tông nhựa theo vòng cung như thực tế. Ở đây có thể là do chất lượng thi công hoặc vật liệu không đảm bảo. Do vậy cần phải kiểm tra lại từ đầu đến cuối, xem lại kết quả khảo sát. Nếu đúng như VEC tuyên bố thì phải xem xét lại thiết kế cấp phối vật liệu chưa đúng hay do quá trình thi công không đảm bảo yêu cầu.

Tương tự, lãnh đạo một công ty trực thuộc Bộ GTVT chuyên thực hiện các dự án giao thông cũng cho rằng ở các đoạn đường đi qua vùng đất yếu thường sử dụng các biện pháp làm tăng nhanh độ lún của nền đất yếu như bấc thấm, giếng cát... Song sau khi hoàn thành, nó vẫn có thể là đường chờ lún và thời gian lún có khi cần cả chục năm.

Tuy vậy, khiếm khuyết phát sinh do nền đất yếu là lún cả một đoạn đường và tạo ra độ dốc dọc hai đầu đoạn đường lún với phần còn lại không xử lý lún chứ không như ở tuyến cao tốc này. “Qua hiện tượng mặt đường đứt, nứt dọc và nứt chéo tim đường có thể nhận định rằng một nửa của nền đường qua vùng đất yếu ở dự án này đã chưa được phát hiện khi khảo sát và thi công. Như vậy nền đường đã không được xử lý trước, dẫn đến hiện tượng lún như hiện nay” - vị này nói và cho rằng với vết nứt dọc tim, xé nền đường thành hai khối riêng biệt như vậy là do thi công, đắp cao nền đường không đồng đều, không đảm bảo chất lượng đã gây ra.

M.PHONG

Lún, nứt có thể do lu lèn không đảm bảo thời gian

Nguyên nhân xảy ra lún, nứt có thể là do lu lèn đường không đảm bảo về mặt thời gian. Ví như đắp nền đường, tiến hành lu lèn xong thì phải để qua một mùa mưa xem tình trạng lún như thế nào rồi mới tiến hành rải thảm, theo dõi và đưa vào sử dụng. Nhưng có thể do chạy đua tiến độ nên đã không đảm bảo về mặt thời gian dẫn đến khi đưa vào sử dụng thì bị lún, nứt.

Ông PHẠM SỸ LIÊM, Phó Chủ tịch
Tổng hội Xây dựng Việt Nam

T.VĂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm