Lý, tình vụ Ngọc Trinh kiện Nhà hát Kịch TP.HCM

Cả ngày hôm qua (4-7), TAND quận 1, TP.HCM tiếp tục đưa vụ án diễn viên kịch nói Ngọc Trinh tranh chấp hợp đồng hợp tác với Nhà hát Kịch TP.HCM ra xét xử sơ thẩm. Sau một ngày xét hỏi và tranh luận, tòa tuyên bố tạm dừng phiên xử do kiểm sát viên chưa thể phát biểu quan điểm giải quyết vụ án vì lý do sức khỏe.

Bên nào cũng thiệt, khán giả cũng thua

Theo đơn kiện, năm 2014 ông Trần Khánh Hoàng, Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM, đã có thỏa thuận hợp tác với diễn viên Ngọc Trinh để dàn dựng và tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng theo phương thức xã hội hóa. Sau đó, hai bên không thỏa thuận được với nhau về một số quyền lợi nên nhà hát kịch đã có văn bản chấm dứt hợp tác với bà Ngọc Trinh trong ngày 1-11-2014.

Diễn viên Ngọc Trinh khởi kiện ra TAND quận 1, yêu cầu tòa buộc Nhà hát Kịch TP hoàn trả chi phí đầu tư cho sáu vở kịch đã biểu diễn, chi phí bù lỗ diễn viên biểu diễn, chi phí đầu tư kịch bản Tết năm 2015…, tổng cộng hơn 546 triệu đồng.

Tại tòa, hai bên đều thừa nhận mặc dù chưa ký hợp đồng thỏa thuận nhưng đã có thỏa thuận miệng về chi phí, doanh thu, lợi nhuận và tỉ lệ ăn chia. Trong khi Ngọc Trinh cho rằng mỗi đêm diễn kịch cô phải trả cho nhà hát 4 triệu đồng tiền điện nước, tiền nhân viên phục vụ..., tổng cộng cô đã trả 250 triệu đồng thì đại diện nhà hát cho rằng thời gian nhóm kịch hoạt động, nhà hát bị thiệt hại hơn 1,5 tỉ đồng. 

Diễn viên Ngọc Trinh trình bày rằng vì phía nhà hát đột ngột chấm dứt hợp tác trong cuộc họp ngày 1-11-2014 nên ngay tối đó phía Ngọc Trinh đã phải xin lỗi, trả lại tiền vé cho khán giả. Sau ngày hôm đó, phía nhà hát cũng không yêu cầu hay có bất kỳ một văn bản nào liên quan đến việc phía Ngọc Trinh tiếp tục diễn tại nhà hát.

Nghệ sĩ Ngọc Trinh tại tòa. Ảnh: YẾN LƯƠNG

Sẽ để Ngọc Trinh biểu diễn miễn phí một năm?

Phía nhà hát cho biết chỉ đề xuất ngưng thỏa thuận hợp tác, chưa thông báo cụ thể ngày. Hai bên cũng không có thỏa thuận miệng về việc bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Trần Quý Bình, Phó Giám đốc nhà hát, khẳng định trong cuộc họp ông đưa ra ý kiến ngưng hợp tác với phía Ngọc Trinh dưới góc độ cá nhân. Sau đó, ông có báo lại toàn bộ diễn biến cuộc họp qua điện thoại cho ông Trần Khánh Hoàng (khi đó là giám đốc nhà hát) và được ông Hoàng cho biết: Xem như thế nào, nếu ổn thì giải quyết và ông Hoàng sẽ là người quyết định cuối cùng. 

Tòa hỏi ông Bình: “Tại sao nhà hát không có ý kiến gì khi Ngọc Trinh ngưng diễn hoặc có văn bản nhắc nhở?”. Ông Bình trả lời: “Tại thời điểm đó, nhà hát có quá nhiều việc phải giải quyết, hai bên lại không thể ngồi lại với nhau. Khi ấy bên đối tác bán vé qua mạng với nhà hát cũng làm áp lực dữ lắm”.

Tại phiên tòa chiều qua, phía Ngọc Trinh đã rút yêu cầu đòi bồi thường chi phí đầu tư kịch bản Tết 2015 vở “Thuật hồi sinh” là 20 triệu đồng. Cô cũng ghi nhận thành ý của phía bị đơn sẽ để phía Ngọc Trinh biểu diễn miễn phí tại nhà hát một buổi một tuần trong vòng một năm tới nhưng cô vẫn giữ nguyên quan điểm của mình như trước.

Khi phía bị đơn nêu ý kiến không chấp nhận một số chi phí không có hóa đơn hoặc chi phí cúng tổ mà phía Ngọc Trinh đưa ra, luật sư phía nguyên đơn cho biết Ngọc Trinh làm việc với tư cách cá nhân nên không thể xuất hóa đơn. Đồng thời tại phiên tòa, tòa cũng đã cung cấp một số chứng cứ mà tòa thu thập được, trong đó có xác nhận của những người đã từng làm việc và nhận tiền thanh toán của Ngọc Trinh. Về chi phí cúng tổ, theo luật sư, tất cả nhà hát đều biết đến và Sở Văn hóa và Thể thao cũng chấp thuận điều này.

Bên đòi bồi thường, bên nói không ràng buộc

Luật sư của Ngọc Trinh cho rằng giữa Ngọc Trinh và ông Hoàng có thỏa thuận miệng về việc hợp tác giữa hai bên được coi như một hợp đồng giao kết bằng lời nói. Bên cạnh đó, vào tối 10-4-2014 Ngọc Trinh và ông Hoàng đã tổ chức cuộc họp báo giới thiệu dự án hợp tác giữa Nhà hát Kịch TP và Ngọc Trinh. Nhà hát đã tổ chức bán vé và thu tiền trong thời gian sáu tháng là đã phát sinh quan hệ hợp đồng giữa các bên.

Theo luật sư, biên bản thỏa thuận hợp tác theo phương thức xã hội hóa năm 2014 không điền ngày tháng, không ký tên là do phía nhà hát soạn thảo và thừa nhận thời hạn hợp tác chính thức giữa hai bên là hai năm, bắt đầu từ tháng 4-2014 đến tháng 4-2016. Tuy nhiên, vào tháng 10-2014, trong lúc ông Hoàng nghỉ bệnh thì ông Bình đã tự ý sửa lại nội dung để thỏa thuận hợp tác bằng bản hợp đồng thứ hai. Theo đó, hợp đồng này đã thay đổi tỉ lệ phân chia lợi nhuận, thay đổi các điều khoản. Việc ông Bình và kế toán trưởng nhà hát đại diện cho nhà hát ra văn bản chấm dứt hợp tác với Ngọc Trinh là không có căn cứ và trái pháp luật.

Tại phần tranh luận, bị đơn từ chối mọi yêu cầu của nguyên đơn. Theo luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà hát thì các chi phí mà Ngọc Trinh yêu cầu nhà hát bồi thường quá cao so với thực tế. Về nội dung bản thảo hợp đồng mà nguyên đơn đưa ra, luật sư cho rằng đây chỉ là bản dự thảo, không có ngày tháng và không có chữ ký các bên nên không có giá trị pháp lý. Nguyên đơn cho rằng bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp tác đột ngột nhưng căn cứ vào nội dung cuộc họp ngày 1-11-2014, chính Ngọc Trinh mới là người yêu cầu chấm dứt hợp đồng trước. Từ đó ông Bình mới đưa ra đề nghị chấm dứt hợp tác…

Dự kiến ngày 7-7 phiên tòa tiếp tục, chúng tôi sẽ theo dõi và đưa tin kết quả vụ kiện mà Ngọc Trinh cho rằng chẳng đặng đừng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm