Mất hành lý ở sân bay: 'Ai trồng khoai đất này?'

Cùng với sự gia tăng về nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân, các hãng hàng không cũng không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, mua sắm máy bay mới, thay đổi hình tượng, mở nhiều đường bay v.v… Tuy nhiên, có một vấn nạn mà cho đến nay không chỉ nhiều hãng bay mà cả Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa tìm ra giải pháp xóa bỏ triệt để: mất cắp hành lý ký gửi trên máy bay.

Mất cắp ngày càng nhiều

Mỗi ngày ở Việt Nam và trên thế giới, có hàng triệu lượt khách bước lên máy bay. Ở nước ta hàng ngày, các hãng bay, sân bay chịu trách nhiệm vận chuyển hàng chục ngàn kiện hành lý đi cùng với chủ nhân của nó. Những kiện hàng này dù đã được khóa kỹ, cột chặt, thậm chí dán băng keo mấy vòng xung quanh vẫn không thể nào ngăn được những bàn tay lục lọi và… cầm nhầm.

Một chiếc vali bị bẻ khóa

Những vụ việc mất trộm hành lý ký gửi trên máy bay ngày càng nhiều, đến mức độ người ta phải truyền tai nhau hàng tá bí kíp chống trộm sân bay mà vẫn còn nơm nớp lo.

Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng không, năm 2013 và 2014, tại sân bay Nội Bài xảy ra 12 vụ mất trộm hàng hóa trong hành lý. Phát biểu trên báo chí, Phó trưởng Phòng An ninh Cục Hàng không Việt Nam, cũng cho biết riêng trong năm 2014 có đến 214 vụ việc hành khách phản ánh hành lý bị bẻ khóa, lục lọi và mất đồ tại các sân bay trong cả nước và tình trạng này có dấu hiệu leo thang.

Mới đây nhất, ngày 23-5, trên chuyến bay VJ 902 từ Bangkok về Nội Bài, ba nữ hành khách Thân Thị Th, Bùi Thị Thanh T và Ngô Hồng Nh tá hỏa phát hiện chiếc vali của mình bị bung khóa, hao hụt trọng lượng, mất đồ nên đã phản ánh với hãng bay và Đại diện Cty dịch vụ mặt đất Nội Bài.

Vụ hành lý bị lấy mất, bẻ khóa dù đã được ràng bằng băng keo

Tháng 1-2015, một nam hành khách đi từ Nhật Bản về sân bay Nội Bài cũng phản ánh vali của anh bị rạch rách một góc rộng vừa đủ bàn tay và lấy mất 3 điện thoại di động.

Hiện tượng mất cắp hành lý xảy ra cho khách hàng của nhiều hãng bay chứ không riêng gì hãng nào. Hàng hóa bị mất thường có giá trị lớn như laptop, điện thoại, máy tính bảng…

Quá ít vụ việc tìm được thủ phạm

Mặc dù các vụ phá khóa, rạch túi trộm đồ của hành khách xảy ra nhiều, song số thủ phạm bắt được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2014, tại sân bay Nội Bài, hai nhân viên của Cty CP dịch vụ vận chuyển hàng hóa Nội Bài NCTS bị bắt quả tang khi đang dùng dao rạch một kiện hàng để moi thẻ điện thoại di động của một Cty gửi qua đường hàng không. Hai nhân viên này đã moi được 1.000 thẻ điện thoại để chia nhau đem bán.

Hành lý dù được khóa kỹ vẫn có thể bị...phá khóa

Cũng trong năm này, công an quận Cầu Giấy bắt quả tang Trần Hữu Đức (22 tuổi, quê Đô Lương, Nghệ An) đang tiêu thụ 16 chiếc điện thoại di động Samsung mới tại một cửa hàng điện thoại. Qua điều tra, Đức khai nhận là nhân viên bốc xếp của NCTS và số điện thoại trên được móc trộm từ một kiện hàng tại sân bay Nội Bài.

Những vụ việc kiểu như thế này cũng xảy ra tại những sân bay khác nhưng ít hơn, trong đó có cả sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Quy trình khép kín nhưng… lỗ chỗ khoảng hở?

Theo quy trình, khi đến sân bay, hành khách mang hành lý ký gửi đến quầy check-in. Tại đây, nhân viên của hãng bay sẽ tiếp nhận.

Hành lý được đưa qua máy soi chiếu an ninh rồi chuyển ra khâu bốc xếp để đưa lên máy bay. Khi máy bay hạ cánh, hành lý được chuyển từ máy bay ra xe chở, vàokhu vực băng chuyềntrả lại cho hành khách. Những công đoạn này hoàn toàn do nhân viên sân bay phụ trách.

Trong quy trình trên, hầu hết đều được camera ghi lại, ngoại trừ công đoạn vận chuyển hành lý từ nhà ga vào tàu bay và ngược lại và lúc hành lý ở trên máy bay.

Hành khách check in, gửi hành lý tạo quầy

Theo lời giải thích của hãng hàng không, quá trình quản lý, vận chuyển hành lý ký gửi là một dây chuyền do nhiều đơn vị tại sân bay đảm nhận, hãng không trực tiếp thực hiện nên việc xác minh hành lý bất thường phải qua nhiều công đoạn, mất nhiều thời gian và khó quy trách nhiệm.

Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng cho rằng việc mất cắp hành lý là có thật, nhưng liên quan đến nhiều đơn vị, trong đó cảng Nội Bài chỉ là một phần nhỏ. Chủ yếu là trách nhiệm của các hãng hàng không vì đây là đơn vị ký dịch vụ với khách hàng, khách hàng mua vé là mua dịch vụ hàng hóa. Về phía công ty vận chuyển (NCTS) thì khăng khăng khẳng định quy trình của Công ty hết sức chặt chẽ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Xe chở hành lý ra tàu bay

Với một quy trình khép kín như vậy, cộng thêm hàng trăm camera, một trung tâm điều hành hoạt động liên tục sẽ đảm bảo không để xảy ra bất kỳ sơ hở, nhưng hành lý vẫn… không cánh mà bay. Vậy thì thủ phạm là ai, "ai trồng khoai đất này"? Tin rằng mỗi bạn đọc đều có câu trả lời của riêng mình bởi không khó để nhận ra rằng không thể có một kẻ lạ mặt lọt vào được quy trình khép kín ấy để mà chôm chỉa, rạch valy, bẻ khóa...

Tài sản của khách hàng phải được bảo vệ

Trước tình trạng mất cắp xảy ra nhưng khó quy trách nhiệm, càng vô vọng trong việc thu hồi vật đã mất, phát biểu với báo giới, ông Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách an ninh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cho rằng các vụ việc này đều xảy ra trong khu vực hạn chế, không có người ngoài nào có thể xâm nhập mà chỉ có lực lượng trực tiếp tham gia vào các dây chuyền vận chuyển trong khu vực này. Chính vì vậy, việc truy xét trách nhiệm làm hư hỏng, thất lạc hành lý của khách đi máy bay là có thể thực hiện được.

Đồng tình, ông Đinh Việt Sơn, Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, cũng cho rằng: "Tình trạng mất cắp chỉ xảy ra trên tàu bay, trong khu vực xử lý hàng hoá, trong khu vực hạn chế của nhà ga, khu bay và chắc chắn có sự tiếp tay của nội bộ. Hàng ăn cắp có thể đi ra theo xe xăng dầu, xe phục vụ mặt đất, xe chở suất ăn. Các đối tượng có thể đưa hàng ra từ khu bay và khu vực hạn chế là do có móc nối”.

Hành lý được trả ra cho hành khách bằng băng chuyền

Ngày 25-5, Cục hàng không Việt Nam đã ban hành kế hoạch phòng, chống mất cắp tài sản hành lý ký gửi và hàng hóa vận chuyển đường hàng không. Cục cũng đang phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng của Bộ Công an mở các chuyên án về việc trộm cắp tài sản hành lý, hàng hóa.

Thời gian gần đây, để bảo vệ cho uy tín của ngành hàng không trong nước, Cục hàng không liên tiếp có những động thái tăng cường giám sát, kiểm tra người, phương tiện nội bộ ra vào khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay; tăng cường tuần tra, giám sát bằng các phương tiện kỹ thuật cao…

Vấn đề làquá trình kiểm tra này cho đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp sai phạm nào. Phải làm sao khi bất cứ ai trong chúng ta đều có thể là hành khách đi máy bay và đều có nguy cơ…mất của?


Tài sản của khách hàng phải được đảm bảo

Liệu rằng nỗ lực của ngành hàng không và các hãng bay có đem lại hiệu quả thiết thực hay không? Chỉ có một thực tế rõ ràng là tài sản của hành khách đi máy bay một khi đã giao vào tay người kinh doanh dịch vụ cần phải được bảo quản cẩn trọng, bảo vệ toàn vẹn cho đến khi trao trả. Không thể để tình trạng khách mất của cứ phải bắc thang lên hỏi ông trời hoặc miễn cưỡng nhận món tiền bồi thường rất mang tính "tượng trưng" thay cho những món đồ, có thể là rất quý giá và quan trọng mà có tiền cũng không mua lại được.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới