Metro đội vốn 16.000 tỉ: Sắp trình Quốc hội

Bộ KH&ĐT vừa trình Thủ tướng dự thảo báo cáo của Chính phủ để sắp tới đưa ra Quốc hội xem xét về tình hình triển khai, thực hiện dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo.

Công trình quan trọng quốc gia

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, dự án có mức đầu tư ban đầu là 19.555 tỉ đồng nhưng sau đó UBND TP Hà Nội điều chỉnh lên 35.678 tỉ đồng, tăng 16.123 tỉ đồng. Với vốn đầu tư lớn trên, Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội về dự án công trình quan trọng quốc gia quy định dự án này phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Theo Bộ KH&ĐT, trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội tổ chức rà soát, xin ý kiến các cơ quan liên quan về điều chỉnh thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án. Đồng thời tổ chức thẩm định và có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác số liệu cung cấp. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội vẫn chưa phê duyệt điều chỉnh dự án theo quy định.

Vì vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hà Nội khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án điều chỉnh theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, số liệu báo cáo, hiệu quả đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định về chủ trương, khả năng bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án.

Việc đặt nhà ga C9 cạnh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Trong ảnh: Phối cảnh cửa lên xuống số 1 nhà ga C9.  Ảnh: VIẾT LONG

Chậm do đi qua nhiều khu vực nhạy cảm

Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo sử dụng vốn vay của chính phủ Nhật Bản, do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11-2008. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009 đến 2020, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa có “động tĩnh” gì.

UBND TP Hà Nội giải trình khó khăn thứ nhất của dự án là hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án đang vướng mắc về số lượng nhà, vị trí giải tỏa; đồng thời cơ cấu và giá căn hộ tái định cư chưa được tính đầy đủ nên dẫn tới tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Riêng khu depot, các hộ dân có đất ở bị thu hồi không đồng thuận về giá đất bồi thường và yêu cầu tái định cư bằng đất ở tại địa bàn phường.

“Khó khăn thứ hai của dự án là phạm vi giải phóng mặt bằng thuộc các khu vực nhạy cảm, đông dân cư, đặc biệt là các nhà ga trong trung tâm. Việc giải phóng mặt bằng cho dự án phụ thuộc nhiều vào tiến độ thực hiện của Trung tâm quỹ đất TP, Chi nhánh Phát triển quỹ đất Bắc Từ Liêm và các chủ đầu tư các dự án khác. Từ đó dẫn đến việc giải ngân công tác giải phóng mặt bằng khó đạt được kế hoạch vốn được giao…” - UBND TP Hà Nội lý giải.

Đối với ga ngầm C9 (hồ Hoàn Kiếm), UBND TP Hà Nội cho rằng đây là vị trí nhạy cảm, công tác lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 mất nhiều thời gian tham vấn, xin ý kiến các cơ quan chuyên môn trước khi UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Chiều dài toàn tuyến 11,5 km

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5 km, trong đó 8,5 km đường đi ngầm và 3 km đi trên cao. Khổ đường sắt đôi 1.435 mm. Hệ thống nhà ga gồm ba ga trên cao, bảy ga ngầm. Tuyến bắt đầu từ khu đô thị mới Ciputra đi theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài - Trần Hưng Đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm